Xã hội

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nói về vụ tai nạn lật tàu ở Quảng Ninh: Phải thay đổi nhằm phòng tránh và làm giảm tỷ lệ thương vong những vụ việc do thiên tai

Linh Chi 20/07/2025 - 20:35

Từ vụ tai nạn xót xa ở Quảng Ninh, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đã đưa ra hai vấn đề cần phải thay đổi.

Chiều ngày 19/7, một vụ tai nạn lật tàu du lịch thương tâm đã xảy ra ở Quảng Ninh. Theo Thông tin Chính phủ, tính đến sáng ngày 20/7, các lực lượng đã tiến hành nâng được tàu QN-7105 và bơm nước ra ngoài để tiếp tục tìm kiếm; đã cứu được 10 người và tìm thấy 38 thi thể.

Trên trang cá nhân, nhiều người bày tỏ sự xót xa trước vụ tai nạn này và gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân xấu số. Bên cạnh đó, nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc mọi người cần chuẩn bị kỹ năng nào khi gặp những tai nạn bất ngờ.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nói về vụ tai nạn lật tàu ở Quảng Ninh: Phải thay đổi nhằm phòng tránh và làm giảm tỷ lệ thương vong những vụ việc do thiên tai - ảnh 1
Vụ tai nạn lật tàu ở Quảng Ninh khiến nhiều người xót xa. Ảnh: Thông tin Chính phủ.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu đã có những chia sẻ về vấn đề này. Trên trang Facebook cá nhân, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xót xa viết: “Hôm nay chắc cả nước đều đau buồn vì những người xấu số trong vụ lật tàu du lịch ở Hạ Long. Đây có thể là một tai nạn đau lòng nhất vì có nhiều trẻ em và cả gia đình bị tử vong trong cùng một thời điểm. Vậy nhưng nếu thống kê số lượng những tai nạn trong cả nước chắc sẽ là con số báo động để chúng ta phải thay đổi nhằm phòng tránh và quan trọng hơn cả, làm giảm tỷ lệ thương vong khi những vụ việc do thiên tai, bệnh tật gây ra".

Trước thực trạng này, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng cần chú ý đến hai vấn đề: đào tạo huấn luyện kỹ năng sống khi bản thân hoặc người xung quanh gặp tai nạn, và trang bị các phương tiện cần thiết để cấp cứu ở nơi công cộng.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nói về vụ tai nạn lật tàu ở Quảng Ninh: Phải thay đổi nhằm phòng tránh và làm giảm tỷ lệ thương vong những vụ việc do thiên tai - ảnh 2
Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: FBNV.

"Vấn đề thứ nhất đã được nói nhiều nhưng thực hiện chưa thực chất. Cần nhấn mạnh việc đào tạo trong trường học là nhiệm vụ bắt buộc và phải làm chuyên nghiệp với giáo trình và các giáo viên chuyên ngành. Các khóa huấn luyện cộng đồng như dạy cấp cứu ngừng tuần hoàn, đuối nước, điện giật, cháy nổ hay đơn giản tai nạn sinh hoạt cần tiến hành cả online và offline... Chỉ cần lấy một ví dụ là có thể thấy chúng ta nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu như việc phổ cập bơi cho người Việt Nam mặc dù đã được đề cập đến trên diễn đàn Quốc hội nhưng chưa có lộ trình và nguồn lực để thực hiện.

Vấn đề thứ hai là trang thiết bị cho việc cứu hộ của chúng ta rất manh mún. Chưa kể đến sự thiếu thốn của các đơn vị cứu hộ, cấp cứu chuyên nghiệp, chỉ cần nhìn vào những phương tiện cấp cứu trên máy bay, xe lửa hay tàu thủy đã thấy sự sơ sài, lạc hậu rất nhiều so với thời đại 4.0.

Tôi lại lấy ví dụ những việc vừa nhìn thấy trong chuyến công tác Malaysia lần này để chia sẻ với các bạn và cả những người có trách nhiệm.

Một sân bay Kuala Lumpur khá cũ kỹ nhưng cứ vài trăm mét lại thấy máy phá rung tự động AED (Automated External Defibrillator) – một phương tiện tối cần thiết khi cấp cứu ngừng tuần hoàn. Tôi nhớ ở Nội Bài, lần tình cờ cấp cứu một hành khách Hà Lan mà chạy tìm khắp nơi cũng không thấy đâu.

Trong sân bay, gặp một nhân viên y tế đang đi làm nhiệm vụ lại càng thấy sự chuyên nghiệp của họ. Cậu ta đội mũ bảo hiểm, đeo ba lô chuyên dụng, đạp một chiếc xe đạp mini – gắn trên khung có một phương tiện cần thiết để cấp cứu, đó là bình tạo oxy áp lực.

Để so sánh với cảnh ông bác sĩ đi dép lê, khoác áo blouse phanh ngực, trên cổ lủng lẳng cái ống nghe, tay còn không có cả cặp nhiệt độ đến khám cho một cháu bé bị sốt trong lúc đợi boarding ở nhà ga mới T3 Tân Sơn Nhất, mới thấy sự khác biệt ‘có ý nghĩa thống kê’!”, bài đăng của bác sĩ nêu rõ.

Cuối bài viết, ông nhấn mạnh rằng dù là những việc rất nhỏ cũng cần bắt đầu một cách chuyên nghiệp. Có như vậy, xã hội mới trở nên tốt đẹp và an toàn hơn.

Chiều 19/7, khi tàu du lịch Vịnh Xanh 58 đang chở khách đến điểm tham quan thì bất ngờ gặp giông lốc và đắm. Công tác cứu hộ cứu nạn đã nhanh chóng được triển khai. Hàng nghìn người cùng các phương tiện đã tham gia tìm kiếm người bị nạn. Các lực lượng cứu được 10 người, tìm 35 nạn nhân tử vong, đã hoàn tất bàn giao tất cả thi thể để tổ chức mai táng.

Theo báo Quân đội Nhân dân, một trong 10 nạn nhân may mắn sống sót trong vụ tàu Vịnh Xanh QN-7105 trên vịnh Hạ Long là cháu Hoàng Nhật Minh (10 tuổi), ở Hoàng Mai, Hà Nội (cháu đang học tại Trường Tiểu học Chu Văn An, Hà Nội). Khi sức khỏe đã ổn định, Minh kể rằng vào đầu giờ chiều 19/7, khi tàu rời cảng khoảng 30 phút thì sương mù dày đặc, trời có mưa và gió khá to. Khi tàu từ từ bị lật, cháu Minh cùng bố mẹ đang ngồi ở cuối đuôi tàu.

Trong lúc hoảng loạn, Minh nhớ lời bố dặn, nhảy xuống, bơi ra, giữ nhịp thở thật tốt và bám vào vật nổi. Tuy nhiên, vì sóng to, Minh bị dội vào boong tàu, phải trèo vào khoang động cơ. Khi nghe thấy tiếng người cứu hộ bên ngoài, Minh trèo qua cửa sổ ra ngoài và được các chú bộ đội đưa lên xuồng, chuyển thẳng đến bệnh viện.

Tuy nhiên, trong chuyến đi du lịch này, cả gia đình Minh chỉ còn cháu sống sót; bố mẹ và nhiều hành khách xấu số khác đã qua đời trong vụ tai nạn thảm khốc.

Bên cạnh đó, anh Đinh Đức Hiệp (35 tuổi, Quảng Ninh) – một du khách trên tàu – cũng đã liên tục lặn xuống, không phải để tìm đường thoát cho mình mà để cứu người. Chia sẻ với Vietnamnet, anh Hiệp cho biết khi tàu lật, anh và mẹ đều ở trong tàu nhưng mẹ anh bị kẹt lại. Mẹ bảo anh tìm cách thoát đi vì bà sắp không thở được nữa. Anh Hiệp đã tìm cách đưa mẹ lên phía đầu nổi của tàu, rồi tiếp tục lặn xuống cứu người.

Trong khoảnh khắc sinh tử, anh Hiệp đã cứu được mẹ, một người đàn ông và hai phụ nữ. Anh cũng cố gắng kéo một người đàn ông khác lên, nhưng người này đã qua đời do bị thương nặng. Anh Hiệp cùng mọi người phải lấy dây cột thi thể lại để không bị nước cuốn đi.

Mặc dù đã cứu được nhiều người, anh Hiệp vẫn day dứt vì không thể cứu được bạn gái. Khi đưa được bạn gái lên, cô ấy đã uống nhiều nước, lẫn cả xăng từ khoang tàu nên bị ngạt thở, không thể qua khỏi.

Mỗi người may mắn sống sót đều mang trong mình những nỗi đau khôn nguôi. Cháu Minh, anh Hiệp… đều phải chịu nỗi đau mất người thân yêu. Đó là nỗi ám ảnh về mảnh ký ức cuối cùng với người thân – ký ức đầy đau thương khiến ai nấy không khỏi xót xa.

>>Thủ tướng chỉ đạo khẩn Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về vụ lật tàu du lịch chở 53 người ở Quảng Ninh

Bệnh viện kích hoạt ‘báo động đỏ’, huy động khẩn 5 xe cứu thương cùng 150 y bác sĩ cấp cứu nạn nhân vụ lật tàu ở Quảng Ninh

Vụ lật tàu du lịch: Bệnh viện bật báo động đỏ, huy động 150 y bác sĩ cấp cứu thảm họa

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/pgstsbs-nguyen-lan-hieu-noi-ve-vu-tai-nan-lat-tau-o-quang-ninh-phai-thay-doi-nham-phong-tranh-va-lam-giam-ty-le-thuong-vong-nhung-vu-viec-do-thien-tai-147188.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu nói về vụ tai nạn lật tàu ở Quảng Ninh: Phải thay đổi nhằm phòng tránh và làm giảm tỷ lệ thương vong những vụ việc do thiên tai
    POWERED BY ONECMS & INTECH