Bộ Xây dựng chỉ ra cơ quan phân định trách nhiệm vụ sập cầu Phong Châu
Theo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Phú Thọ (hoặc Bộ Giao thông vận tải, khi được Thủ tướng Chính phủ giao) là cơ quan có thẩm quyển chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan.
Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Phú Thọ về việc giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu.
Trước đó, ngày 9/9, công trình cầu Phong Châu tại tỉnh Phú Thọ đã xảy ra sự cố nghiêm trọng, sập hai nhịp dàn thép khiến nhiều người tử vong và mất tích.
Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chức năng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng theo quy định tại Nghị định số 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, thực hiện một số nội dung.
Cụ thể là, tổ chức giải quyết sự cố công trình cầu Phong Châu theo quy định tại Điều 44, Điều 45 Nghị định số 06 năm 2021.
Trong số đó, đặc biệt lưu ý đến việc tiếp tục bảo vệ hiện trường và các biện pháp đảm bảo an toàn cho đến khi hoàn thành công tác giải quyết sự cố công trình theo quy định của pháp luật.
“Theo quy định tại Điều 46 Nghị định số 06 năm 2021 thì UBND tỉnh Phú Thọ (hoặc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, trong trường hợp này là Bộ Giao thông Vận tải, khi được Thủ tướng Chính phủ giao) là cơ quan có thẩm quyền chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố và phân định trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan”, văn bản của Bộ Xây dựng nêu.
Bộ này lưu ý, trong quá trình tổ chức giám định, hiện trường sự cố cần được chụp ảnh, quay phim, thu thập chứng cứ, ghi chép tư liệu cần thiết phục vụ công tác giám định nguyên nhân sự cố và lập hồ sơ sự cố trước khi triển khai các công việc tiếp theo.
Bên cạnh đó, lưu ý đến việc thu thập các tài liệu kỹ thuật có liên quan trong quá trình quản lý, khai thác, bảo trì, sửa chữa công trình.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các đơn vị chức năng tiến hành trục vớt, thanh thải lòng sông để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khi đảm bảo điều kiện cho công tác này; sớm báo cáo cấp có thẩm quyền, đề xuất phương án khắc phục để đảm bảo giao thông trên tuyến Quốc lộ 32C.
Nguyên nhân ban đầu vụ sập cầu Phong Châu
Trước đó, theo báo cáo nhanh của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ, cầu Phong Châu tại Km18+300 QL32C (tỉnh Phú Thọ) được xây dựng, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng năm 1995.
Cầu Phong Châu được xây dựng theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, quy mô vĩnh cửu, tải trọng thiết kế H18 - X60, tải trọng người đi 0,3T/m2. Cầu có chiều dài 375,36m.
Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa. Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Năm 2019, cầu Phong Châu được sửa chữa lần hai.
Năm 2023, cầu Phong Châu tiếp tục được sửa chữa nhỏ. Kết quả kiểm định cầu năm 2019 đánh giá cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng.
Đáng lưu ý, báo cáo của Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cũng nêu rõ: "Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Yagi, gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu là nhịp 6 và nhịp 7".
Cầu Phong Châu, bắc qua sông Hồng trên Quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ).
>>Thủ tướng chỉ đạo xây cầu Phong Châu mới an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ
Thủ tướng chỉ đạo xây cầu Phong Châu mới an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ
Vụ sập cầu Phong Châu: Đã tìm thấy thi thể 2 vợ chồng ở Thanh Thủy