Bộ trưởng Bộ Xây dựng mới đây đã có những ý kiến về việc phát triển nhà ở cho công nhân, người dân lao động nghèo.
Trong thời gian qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người dân tuy nhiên thực trạng người lao động thu nhập khó lòng sở hữu một nơi để "an cư lập nghiệp" vẫn còn diễn ra.
Tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nêu ra những khó khăn, bất cập trong việc phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, ông cũng đã đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết vấn đề trên.
Cụ thể, theo ông Nghị cho rằng, trình tự thủ tục mua bán nhà ở xã hội còn dài, thậm chí còn phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp.
Chính sách cho chủ đầu tư còn chưa hấp dẫn; việc xác định giá đất trước khi cho thuê, bán theo ngân sách của nhà nước cũng gây mất nhiều thời gian của doanh nghiệp.
Còn đối với quy định phải dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm, trên thực tế có nhiều dự án không cho thuê phần diện tích trên dẫn đến việc có nhiều căn hộ để trống, không ai thuê.
Hiện Ngân sách Trung Ương vẫn chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: mới bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt thấp.
Và thực tế, hiện có rất ít địa phương quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho người dân lao động có thu nhập thấp. Bằng chứng rõ ràng nhất có thể nói đến như: Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội; chưa quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các dự án nhà ở xã hội từ nguồn ngân sách địa phương; chưa thực sự quyết liệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - ông Nguyễn Thanh Nghị đã đưa ra đề xuất cho việc phát triển nhà ở xã hội trong tương lai.
Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Thuế… đồng thời tách riêng chính sách nhà ở cho công nhân để có cơ chế khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp.
Cần lập phê duyệt đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2022-2030 do Bộ Xây dựng chủ trì .
Chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc việc triển khai nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Phối hợp Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được vay gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.
'Ông lớn' xi măng Vicem lỗ kỷ lục hơn 1.400 tỷ đồng
Sáp nhập Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông: Không phân biệt ‘bên anh - bên tôi’