Xung đột thường bắt nguồn từ sự mất niềm tin và đánh mất lợi ích chung, vì vậy các giá trị nhân, lễ, nghĩa, trí, tín cần được tôn trọng, bởi đây là trụ cột cốt lõi của sự phát triển của nhân loại.
Người xưa rất coi trọng đạo đức kinh doanh, họ luôn buôn bán dựa trên nhân nghĩa, không tham lợi và từ đó thu phục được lòng tin của khách hàng, đối tác và thậm chí cả đối thủ.
Binh pháp có viết: “Địa hình hỗ trợ cho việc binh, biết địch mới mong cầu thắng, tính đến lúc hiểm nguy, xa gần là đạo của người làm tướng. Biết đạo lý đó ắt sẽ thắng, kẻ không biết điều đó ắt thua”. Điều này chỉ ra rằng, từ thời xa xưa, địa hình đã đóng một vai trò không thể phủ nhận trong các cuộc chiến, và một tướng lĩnh xuất sắc luôn phải chú ý đến địa hình để triển khai chiến lược quân sự.
Thương trường cũng như chiến trường, người chủ kinh doanh cũng giống như đang điều khiển hàng ngàn quân mã. Người tướng có trí tuệ, mưu lược luôn chiếm giữ vị trí địa hình có lợi, cuối cùng mới giành được thắng lợi. Những câu chuyện dưới đây đã đúc kết được: Người kinh doanh phải trọng "nhân, lễ, nghĩa, trí, tín" nếu muốn thành công.
1. Phú mà có thể nhân, coi trọng nhân nghĩa, không hám lợi
Phạm Lãi, một nhà mưu lược tài ba thời Xuân Thu chiến quốc, đã chứng tỏ tầm nhìn chiến lược của mình. Ông nhận thấy Đào địa là vùng đất lý tưởng để giao dịch hàng hóa do thông thương với các chư hầu, và chọn nơi đây làm nơi kinh doanh.
Trong kinh doanh, Phạm Lãi luôn đề cao nhân nghĩa, không tham lợi. Ông khiêm tốn với đối tác và hào phóng với người làm thuê. Những năm mất mùa, ông miễn giảm địa tô và phát chuẩn cứu tế.
Ông ký kết hiệp ước thu mua với nông dân và thương nhân đầu năm và cuối năm tuân thủ giá thị trường hiện tại. Nếu giá tăng, ông mua theo giá cao, nếu giá giảm, ông vẫn giữ cam kết.
Nhờ vậy, Phạm Lãi thu phục lòng tin của thương nhân, nông dân và thợ thủ công, tạo ra mối quan hệ hợp tác ổn định. Sự chân thành giúp ông giảm tổng chi phí và đôi bên cùng có lợi.
Trong vòng 10 năm, Phạm Lãi tích lũy được tài sản khổng lồ. Tên tuổi ông, còn gọi là Đào Chu Công, được người đời yêu mến và truyền tụng đến ngày nay.
2. Muốn nhận được sự giúp đỡ thì phải tạo được lòng tin, muốn tạo lòng tin phải giữ chữ tín
Hoàng Sở Cửu xuất thân từ một gia đình làm nghề y thời Nhà Thanh. Ngay từ nhỏ, ông đã được rèn luyện và học hỏi kiến thức về y học để chữa bệnh cứu người. Đến năm 16 tuổi, ông quyết định chuyển đến Thượng Hải (Trung Quốc) để lập nghiệp. Mặc dù có chí hướng lớn, nhưng do tuổi còn trẻ, ông gặp không ít khó khăn trong việc mưu sinh.
Cuộc sống của Hoàng Sở Cửu sau đó đã dần được cải thiện nhờ việc buôn bán các phương thuốc bí truyền của gia đình. Khi đó, ông đã có ý định mở một cửa hiệu thuốc. Tuy nhiên, số tiền ông tiết kiệm được từ việc bán thuốc dạo vẫn chưa đủ để mở một hiệu thuốc ở Thượng Hải. Ông băn khoăn "hay là mình đi vay?".
Nhờ có mối quan hệ với tầng lớp quý tộc Thượng Hải trong quá trình bốc thuốc chữa bệnh, ông bắt đầu hỏi vay tiền từ mỗi người một ít. Tuy nhiên, số tiền vay được vẫn chưa đủ để ông mở một cửa hiệu nhỏ.
Mối quan hệ của ông Hoàng Sở Cửu chỉ mang tính xã giao, nên ông không dám vay một số tiền lớn. Không ai sẵn lòng cho ông vay số tiền lớn như vậy. Vì vậy, ông vay những khoản nhỏ nhưng không tiêu, sau đó đều trả lãi đúng hạn. Mục đích của ông là xây dựng uy tín và ông dùng tiền túi để trả lãi.
Sau một thời gian, khi đã xây dựng được uy tín, ông mới mạnh dạn vay số tiền lớn hơn. Người cho vay cũng tin tưởng hơn và sẵn lòng cho ông vay.
Khi đã vay đủ tiền, ông mở một hiệu thuốc. Hiệu thuốc của ông làm ăn phát đạt, và ông nhanh chóng trả hết nợ. Nhiều năm sau, ông đã trở thành một trong những tỷ phú giàu có nhất Thượng Hải, Trung Quốc, với cách làm giàu có 1 không 2 của mình.
Câu chuyện làm giàu của Hoàng Sở Cửu là một bài học rất điển hình về tầm quan trọng chữ tín trong kinh doanh: Muốn nhận được sự giúp đỡ, trước hết phải tạo dựng lòng tin. Để tạo lòng tin, cần giữ chữ tín.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều câu chuyện liên quan tới chữ tín trong kinh doanh của các tỷ phú hiện đại. Đối với các tỷ phú hàng đầu, uy tín được xem như một nguồn sức mạnh thứ hai, là yếu tố quyết định và là hướng dẫn trong mọi hoạt động kinh doanh của họ. Thực tế, uy tín đã trở thành bài học quan trọng được rút ra từ kinh nghiệm của nhiều nhân vật nổi tiếng trên thị trường.
Trong một bài phỏng vấn, ông chủ Zara, tỷ phú Amancio Ortega, cũng từng chia sẻ rằng: "Là một doanh nhân, tôi quan tâm đến một số các nguyên tắc giá trị trong kinh doanh, trong đó hàng đầu là lòng trung tín”.
Tương tự như vậy, Lý Gia Thành được biết đến như một người đàn ông có quyền lực và giàu có nhất châu Á, một tỷ phú, một nhà đầu tư, doanh nhân công nghiệp, nhà từ thiện và người truyền cảm hứng. Ông từng nói nói: "Cả đời tôi làm kinh doanh, cũng chẳng có thành tựu gì lớn lao ngoài việc làm bất cứ việc gì cũng phải giữ chữ tín... khi bạn để mất chữ tín của mình thì cho dù có đánh đổi bao nhiêu công sức, tiền bạc cũng chẳng thể lấy lại được".
Trong khi đó, Đặng Lê Nguyên Vũ, ông vua cà phê Trung Nguyên, đã chia sẻ rằng, trong những thời điểm khó khăn nhất, ông đã phải vay vốn chỉ dựa vào "chữ tín" của bản thân. Ông Vũ nhấn mạnh: “Chữ tín là cái vốn lớn nhất trong kinh doanh. Thương hiệu Trung Nguyên được xác định trên giá trị cốt lõi là niềm tin”.
*Tổng hợp