Bài học về 'nghệ thuật đàm phán tăng lương' từ câu chuyện sa thải trợ lý thân cận của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới

22-05-2024 10:25|Hải Yến

Sau hơn một thập kỷ gắn bó cùng vị tỷ phú giàu thứ 3 thế giới, nữ trợ lý đã quyết định đề xuất được tăng lương nhưng cuối cùng nhận lại được câu trả lời cay đắng.

"Nếu không làm như vậy, chúng tôi sẽ phải trả rất nhiều tiền cho những người không làm gì cả!"

Năm 2015, trong cuốn tiểu sử về Elon Musk được viết bởi Ashlee Vance, câu chuyện về nữ trợ lý thân cận Mary Beth Brown bị sa thải sau 12 công hiến cho công ty của ông chủ Tesla đã trở thành đề tài được bàn tán xôn xao. Theo Vance, Brown đã sát cánh cùng Elon Musk trong 12 năm như hình với bóng, thậm chí gần như đã phải hy sinh đời sống cá nhân của mình để liên tục theo sát công việc.

Ashlee Vance viết: “Nếu Musk làm việc 20 giờ một ngày thì Brown cũng vậy. Trong nhiều năm, cô ấy đã mang bữa ăn cho Musk, sắp xếp các cuộc hẹn công việc, sắp xếp thời gian với các con và thậm chí là chọn quần áo cho ông. Cô sẽ giúp giải quyết các yêu cầu của báo chí và khi cần thiết, kéo Musk ra khỏi các cuộc họp để giữ ông đúng lịch trình. Cô ấy trở thành cầu nối duy nhất giữa Musk với tất cả những lợi ích hiện tại của vị tỷ phú và là tài sản vô giá đối với công ty".

Có lẽ cũng chính vì thế, Brown đã quyết định đưa ra lời đề nghị rằng cô muốn được tăng lương bằng một con số khác mà cô nghĩ điều đó là xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra trong suốt hơn một thập kỷ.

Câu chuyện sa thải nữ trợ lý thân cận của Elon Musk trở thành đề tài bàn tán trong một thời gian dài. Ảnh: Daniel Oberhaus/Flickr
Câu chuyện sa thải nữ trợ lý thân cận của Elon Musk trở thành đề tài bàn tán trong một thời gian dài. Ảnh: Daniel Oberhaus/Flickr

Elon Musk khi đó đã đưa ra một quyết định bất ngờ. Ông đã yêu cầu Brown nghỉ việc trong 2 tuần vì cho rằng, nếu vị trí của Brown quan trọng thì sự vắng mặt của cô chắc hẳn sẽ để lại khoảng trống và ảnh hưởng không nhỏ tới công việc.

Musk nói: “Tôi đồng ý là cô rất quan trọng với tôi và công ty. Có lẽ yêu cầu tăng lương là chính đáng nhưng cô hãy cứ nghỉ ngơi hai tuần. Tôi sẽ đánh giá xem việc tăng lương có thực sự đúng đắn”.

Tuy nhiên, khi Brown trở lại với công việc, Musk đã thẳng thừng nói với cô rằng vị trí của cô là dư thừa. Lý do là bởi ông đã tìm được cách làm việc hiệu quả mà không cần đến cô.

CEO Tesla có lẽ cũng có chút thương tình, sau đó ông đã đề xuất Brown làm ở một vị trí khác nhưng không thể hưởng một mức lương ngang bằng như một giám đốc, người phụ nữ đã từ chối.

Sau đó, Elon Musk cũng đã tiến hành thanh lọc rất nhiều nhân sự. Không quan trọng người đó đã gắn bó cùng công ty bao nhiêu lâu, nếu vị trí của họ dư thừa, họ hoàn toàn có thể bị sa thải.

“Tôi không muốn phải sa thải bất kỳ ai. Nhưng nếu không làm như vậy, chúng tôi sẽ phải trả rất nhiều tiền cho những người không làm gì cả”, Musk nói về vụ việc.

Trước đó, Elon Musk cũng từng ra quyết định sa thải một nữ giám đốc trung thành có tên là Esther Crawford. Theo thông tin từ hồ sơ LinkedIn của bà Crawford, bà đã làm việc tại Twitter trong hơn hai năm, tham gia vào các dự án như Twitter Blue và Spaces. Bà Crawford cũng được biết đến như là người dẫn đầu trong việc triển khai văn hóa làm việc chăm chỉ, thậm chí ở lại làm việc tại trụ sở chính của Twitter để hoàn thành nhiệm vụ.

Bài học về 'nghệ thuật đàm phán tăng tương' từ câu chuyện sa thải trợ lý thân cận của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới:
Elon Musk chia sẻ về những chiến dịch "lọc máu" doanh nghiệp của mình. Ảnh: The New Yorker

Không chỉ riêng bà Crawford, mà hơn 6.000 nhân viên khác của Twitter cũng đã bị sa thải sau chiến dịch "thay máu nhân sự". Điều này đã đẩy nền tảng này vào một loạt các vụ kiện và hành động pháp lý từ phía những nhân viên đã bị sa thải. Một vài nhân viên của Twitter khi đó còn ví chiến dịch "lọc máu" này của Elon Musk giống như cái búng tay "xóa nửa vũ trụ" của kẻ phản diện trong bom tấn Avengers: Infinity War.

Quan điểm về hành động của Elon Musk cũng bị chia thành hai hướng, một số cho rằng ông ta quá tàn nhẫn và khắc nghiệt, đặt lợi ích kinh doanh lên trên sự trung thành của nhân viên. Trong khi đó, một số khác lại ủng hộ các quyết định của Musk, đặc biệt trong bối cảnh các giám đốc điều hành phải đối mặt với áp lực từ việc tăng trưởng lợi nhuận cũng như phản ứng tiêu cực từ phía người lao động.

Câu chuyện thẳng thừng sa thải nữ trợ lý của Elon Musk đã trở thành đề tài bàn tán trong suốt một thời gian dài. Có phải chăng nguyên do là vì Mary Beth Brown đã đưa ra đề xuất tăng lương theo cách không khéo léo, hay chỉ đơn giản là ông chủ Tesla đã quá tàn nhẫn với nhân sự kỳ cựu của mình như suy nghĩ của nhiều người?

Khả năng đàm phán một cách thiện chí và cam kết thể hiện năng lực

Năm 2021, theo một khảo sát của trang Salary.com, có đến 44% người lao động đã thừa nhận rằng họ chưa bao giờ đề cập đến việc tăng lương trong các buổi đánh giá năng lực. Tại sao họ lại không dám hỏi xin tăng lương? Lí do chính là sự sợ hãi. Họ lo lắng về việc tỏ ra tự phụ có thể khiến những người chủ cảm thấy không thoải mái và sợ rằng điều này sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực.

Bài học về 'nghệ thuật đàm phán tăng tương' từ chuyện sa thải trợ lý thân cận của tỷ phú công nghệ: CEO đã quá mệt mỏi vì phải chiều chuộng nhân sự?
Nghiên cứu cho thấy phần lớn nhân sự không dám đề xuất tăng lương là do sợ sẽ ảnh hưởng tới công việc của họ hiện tại. Ảnh: Internet

Không thể loại trừ khả năng trong câu chuyện của Mary Beth Brown là do cô đã chưa thật sự khéo léo. Theo ông Chris Williams, một cựu Phó Giám đốc Nhân sự Microsoft và cũng là người sáng tạo podcast về các vấn đề liên quan đến nhân sự, bí quyết để nhân sự có thể đề nghị tăng lương với ông chủ nằm ở khả năng đàm phán một cách thiện chí. Việc diễn đạt mong muốn một cách ý nghĩa với công ty và xác định rõ ràng lý do vì sao muốn tăng lương hoặc cải thiện điều kiện đãi ngộ có thể giúp bạn làm việc hiệu quả hơn. Ông Williams nhấn mạnh rằng bí quyết nằm ở sự bình tĩnh, rõ ràng và sẵn lòng mở lòng lắng nghe.

Đối với người làm quản lý, điều quan trọng là phải lắng nghe, tạo động lực cho nhân sự và tạo điều kiện phát triển cho họ. Hãy tạo cơ hội cho nhân viên dưới quyền có thể thể hiện năng lực và cam kết của họ và cống hiến hết mình trong công việc.

Theo CEO Michael Friedman của công ty đầu tư First Level Capital, ông đồng tình với quan điểm của Elon Musk về việc quản lý nhân sự. Ông Friedman chia sẻ rằng, khi ông còn làm môi giới chứng khoán, thậm chí ông còn không được cung cấp một bàn làm việc đủ thoải mái cho đến khi ông kiếm được 100 tài khoản khách hàng đầu tiên.

“Tôi nghĩ rằng những CEO giỏi hiện nay đã quá mệt mỏi với việc phải chiều chuộng người lao động”, ông Friedman nói, bày tỏ sự phê phán đối với trào lưu hiện nay của việc từ bỏ công việc để tập trung vào bản thân, vì ông cho rằng nó chỉ làm tăng thêm sự đòi hỏi về tăng lương từ phía nhân viên trong khi họ không chịu làm việc hết sức.

*Theo: BI, Fortune

>> Bill Gates của Ấn Độ: 'Không học không biến tham vọng thành hiện thực'

Sau 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ, một tỷ phú công nghệ của Việt Nam khẳng định: Bí quyết thành công là chọn đúng vợ!

Startup AI 'lớn mạnh thần tốc' của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: 5 năm lớn gấp 20 lần, hợp tác với 180 bệnh viện khắp thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bai-hoc-ve-nghe-thuat-dam-phan-tang-luong-tu-cau-chuyen-sa-thai-tro-ly-than-can-cua-ty-phu-giau-thu-3-the-gioi-235450.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bài học về 'nghệ thuật đàm phán tăng lương' từ câu chuyện sa thải trợ lý thân cận của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới
POWERED BY ONECMS & INTECH