“Bom nợ” của các nước lớn đe dọa nền kinh tế toàn cầu

13-05-2023 10:59|Thủy Tiên

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh mức nợ toàn cầu cao kỷ lục cần phải sớm được giải quyết.

Nền kinh tế thế giới đang chao đảo trước sự kết hợp chưa từng có của các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính và nợ sau sự bùng nổ của thâm hụt, vay nợ và đòn bẩy lớn trong những thập kỷ gần đây.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông David Malpass nhận định “bom nợ” của các nước phát triển sẽ là đón giáng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang đau đầu vì lạm phát dai dẳng. Do đó, ông Malpass nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý các khoản nợ công cao chưa từng thấy trên toàn cầu.

Tỷ lệ nợ trên GDP cao kỷ lục

Phát biểu tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 tại Nhật Bản, ông Malpass cho biết “Tỷ lệ nợ trên GDP của các nền kinh tế tiên tiến đang cao hơn bao giờ hết… Điều đó có nghĩa là các nền kinh tế phải làm việc chăm chỉ hơn nhiều chỉ để trả lại số tiền đã vay”.

“Bom nợ” của các nước lớn đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông David Malpass.

Trong báo cáo công bố vào tháng 12 năm ngoái, WB cho biết tổng nợ nước ngoài của các nước thu nhập thấp và trung bình đã tăng 5,6% theo giá trị danh nghĩa lên 9 nghìn tỷ USD .

Đối với tất cả các quốc gia, hồi đầu năm nay, Viện Tài chính Quốc tế đã ước tính giá trị danh nghĩa của nợ toàn cầu đã giảm xuống thấp hơn so với mức của năm 2020, ở mức dưới 300 nghìn tỷ USD vào năm 2022.

Do đó, ông Malpasss nhấn mạnh sự cấp thiết phải minh bạch trong việc giải quyết núi nợ đang phình to, trong bối cảnh nền kinh tế đang phải gánh chịu áp lực từ tình trạng căng thẳng của hệ thống ngân hàng và lạm phát dai dẳng.

Theo Chủ tịch WB, lãi suất phi rủi ro tại các nền kinh tế tiên tiến đang tăng lên. Nhưng chênh lệch lãi suất đối với những quốc gia đang phát triển cũng bị nới rộng.

“Các nhà đầu tư luôn lựa chọn các nền kinh tế tiên tiến, an toàn nhất trước tiên, vì vậy những gì còn lại mới có thể chảy vào các nước đang phát triển, và chừng đó là không đủ”, theo ông Malpass, đồng thời cho biết thêm rằng các nền kinh tế kém phát triển hơn sẽ phải đối mặt với “sự sụp đổ kép”: chi phí gánh nặng nợ gia tăng và không có cơ hội để đảo ngược tình thế”.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Khủng hoảng trần nợ công không phải chuyện mới ở Mỹ. Các nhà lập pháp và nhà quản lý từng có lần suýt không thể giải quyết thời hạn nâng trần nợ vào năm 2011. Song, họ vẫn đạt được thoả thuận trước khi số dư tiền mặt của Bộ Tài chính trở nên quá thấp để thanh toán các khoản nợ đúng hạn.

“Bom nợ” của các nước lớn đe dọa nền kinh tế toàn cầu
Mỹ chạm ngưỡng giới hạn cho vay nợ 31.400 tỷ USD.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng tình hình lần này có thể sẽ khác.

Hồi tháng 1 vừa qua, khi nền kinh tế chạm ngưỡng giới hạn cho vay nợ 31.400 tỷ USD, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đưa ra cảnh báo chính phủ nước này sẽ vỡ nợ vào đầu tháng 6 nếu không tăng trần nợ. Tuy vậy, vài tháng qua, các nhà hoạch định chính sách nước này vẫn chưa thống nhất được về trần nợ mới.

Theo Goldman Sachs, thỏa thuận về trần nợ Mỹ có thể đạt được trước hoặc sau một ngày Chính phủ Mỹ cạn tiền. Còn CEO Jamie Dimon của JPMorgan cho biết ngân hàng này đã thành lập “phòng tác chiến” để xem xét các tình huống bất ngờ.

Mỹ có thể vỡ nợ nếu cả hai đảng không đạt được thỏa thuận. Việc Washington không thể thanh toán tất cả các hóa đơn đúng hạn sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái sâu sắc, gây thiệt hại cho sản lượng kinh tế.

Còn với thế giới, một khi nền kinh tế lớn nhất vỡ nợ, sẽ là đón giáng nặng nề đối với hệ thống tài chính toàn cầu, vốn đã trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua.

Ngoài ra, thị trường trái phiếu toàn cầu cũng sẽ chịu tác động nặng nề, bởi trái phiếu kho bạc Mỹ thường được coi là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng đô la Mỹ.

Xuất khẩu rau củ quả 'bùng nổ', lập kỷ lục mới - vượt 1 tỷ USD chỉ trong 3 tháng đầu năm

Chưa kịp 'hồi sinh', chủ tòa nhà làm 'xấu mặt' TPHCM 16 năm bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn

Nhu cầu vàng 'bùng nổ' cao nhất 7 năm, Việt Nam lọt top 10 quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bom-no-cua-cac-nuoc-lon-de-doa-nen-kinh-te-toan-cau-183007.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
“Bom nợ” của các nước lớn đe dọa nền kinh tế toàn cầu
POWERED BY ONECMS & INTECH