Bốn bảo vật lớn lưu danh kim cổ của Việt Nam: Bị quân địch tìm mọi cách để phá hủy, sau nghìn năm vẫn được coi như kỳ quan của dân tộc

20-02-2024 06:36|Quỳnh Như

Đây được coi như bốn kỳ quan, bốn quốc bảo, bốn công trình nghệ thuật dưới thời Lý, Trần.

An Nam tứ đại khí hay Thiên Nam tứ đại khí là tên gọi chỉ bốn bảo vật lớn nhất trong buổi đầu dựng nước, phản ánh khát vọng, ý chí của dân tộc ta. Những bảo vật này bao gồm: tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm. Đây được coi như bốn kỳ quan, bốn quốc bảo, bốn công trình nghệ thuật dưới thời Lý - Trần.

Bốn bảo vật quốc gia nằm trong An Nam tứ đại khí do 2 triều đại phong kiến Lý - Trần sáng tạo ra. Ảnh minh họa

Bốn bảo vật nằm trong An Nam tứ đại khí do 2 triều đại phong kiến Lý - Trần sáng tạo ra. Ảnh minh họa

Tháp Báo Thiên

Trong An Nam tứ đại khí, tháp Báo Thiên là công trình được xây dựng sớm nhất. Tháp có tên gọi đầy đủ là Đại Thắng Tư Thiên bảo tháp, được xây cất vào năm Đinh Dậu (1057) đời Lý Thánh Tông. Theo Đại Việt sử lược, tháp cao 20 trượng (khoảng 70m) và gồm 30 tầng (có tài liệu chép là 12 tầng). Tháp nằm trong khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên (nay ở vào khoảng bên phải đền Lý Quốc Sư đến đầu phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) nên còn gọi là tháp Báo Thiên.

Lý do để tháp được coi là tứ đại khí là vì tầng trên cùng của đỉnh tháp đều được đúc bằng đồng. Trận bão năm Mậu Ngọ (1258) đời Trần Thánh Tông đã làm ngọn tháp này bị đổ! Sau khi được trùng tu, tháp lại bị sét đánh sạt mất 2 tầng về góc bên Đông vào năm Nhâm Tuất (1322) đời Trần Minh Tông. Đến tháng 6 năm Bính Tuất (1406) đời Hồ Hán Thương, nghĩa là 84 năm sau khi được trùng tu lần thứ hai, đỉnh tháp lại bị đổ, mặc dù không gặp phải sự cố mưa bão hoặc sấm chớp gì.

An phủ sư Đông Đô lúc đó là Lê Khải vì không báo tin này cho Hồ Hán Thương biết mà bị biếm tước một tư (giáng xuống một trật). Thời thuộc Minh (1414-1427), quân Minh đã cho phá tháp chế súng. Chỗ tháp bị phá sau đó được trổ đất thành gò cao để dựng tràng.

Chuông Quy Điền

Chuông được đúc trong lần sửa lại chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) vào tháng 2 năm Canh Thân (1080) đời Lý Nhân Tông. Để đúc quả chuông này, vua Lý Nhân Tông đã cho sử dụng đến 7,3 tấn đồng. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng đó là thành khí nên không tiêu hủy, nhà vua bèn sai người vần ra khu ruộng sau chùa.

Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở nên có tên là Quy Điền (ruộng rùa), nhân đó gọi là chuông Quy Điền. Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), chuông Quy Điền đã bị Vương Thông (nhà Minh) cho phá hủy để chế súng đạn, hỏa khí.

Tượng chùa Quỳnh Lâm

Chùa Quỳnh Lâm (xã Hà Lôi, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất đời Trần. Tại chùa có hai pho tượng lớn nổi tiếng được đúc vào hai thời kỳ khác nhau. Một pho thời Lý do sư Nguyễn Minh Không cho đúc và pho thứ hai thời Trần do thiền sư Pháp Loa tạo dựng. Pho tượng được liệt trong Thiên Nam tứ đại khí theo nhiều ý kiến có lẽ là pho được đúc vào thời Lý.

Chùa Quỳnh Lâm ngày nay. Ảnh: N.H/Thanh Niên

Chùa Quỳnh Lâm ngày nay. Ảnh: N.H/Thanh Niên

Theo lịch sử thì nhà sư có công xây dựng chùa Quỳnh Lâm đầu tiên là sư Minh Không. Tương truyền, khi đúc pho tượng khổng lồ ở chùa Quỳnh Lâm, sư Minh Không đã dùng một cái túi lớn để thu gom đồng ở Trung Quốc đem về nước đúc nên các vật kim loại lớn. Theo các tài liệu còn lại thì pho tượng Phật Di Lặc ở chùa Quỳnh Lâm thời Lý cao 6 trượng (khoảng 20m).

Pho tượng lớn đến nỗi người ta phải xây dựng một tòa điện cao 7 trượng (khoảng 23,5m) để đặt tượng. Chính vì chiều cao, độ lớn của tượng và điện chứa tượng nên tục truyền rằng, đứng phía Nam thị xã Ðông Triều, cách chùa Quỳnh Lâm ước chừng 10 dặm, vẫn còn thấy nóc điện che sát đầu pho tượng.

Pho tượng Phật lớn thứ hai của Quỳnh Lâm cũng là tượng Di Lặc được thiền sư Pháp Loa - ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho đúc. Tượng được đúc xong từ năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Ðộng thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng.

Thời gian giặc Minh xâm lược nước ta (1407-1427), chùa bị phá hủy, pho tượng bị cướp mang đi (đầu thời Lê, chùa Quỳnh Lâm được dựng lại, nhưng đến đời Thiệu Trị (1841-1847) lại bị đốt trụi).

Vạc Phổ Minh

Vạc được đúc vào tháng 2 năm Nhâm Tuất (1262) đời Trần Thánh Tông (lúc đó là Thượng Hoàng) về chơi Tức Mặc.

Theo Việt sử thông giám cương mục: Tại đây, Trần Thái Tông đã ban yến cho dân làng. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên được ban tước hai tư, lão bà thì được hai tấm lụa. Nhân đây, đổi Tức Mặc làm phủ Thiên Trường. Dựng cung Trùng Quang để các vua sau khi đã nhường ngôi về ở; lại dựng một cung điện riêng gọi là cung Trùng Hoa cho Tự Quân (vua Mới) khi đến chầu Thượng Hoàng thì ngự ở đó. Đặt người chức dịch ở hai cung ấy để phòng khi sai khiến, hầu hạ và chức lưu thủ để trông coi.

Phía Tây cung Trùng Quang dựng chùa Phổ Minh. Tại đây cho đúc một chiếc vạc lớn và khắc bài Minh vào vạc. Tương truyền, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó. Cùng với chuông Quy Điền, tháng 10 năm Bính Ngọ (1426) khi bị vây ở Đông Quan, Vương Thông đã cho phá vạc Phổ Minh đã được Quân Minh chuyển từ Thiên Trường (Nam Định) về Đông Quan (Hà Nội).

Chiếc vạc đen phía trước đại điện của chùa Tam Chúc mô phỏng lại vạc Phổ Minh. Vạc được chế tác từ 22 tấn đồng, với đường kính 4m, tương đương chiều cao, kích cỡ, cân nặng so với bản gốc. Ảnh: Trung Nghĩa/VnExpress

Chiếc vạc đen phía trước đại điện của chùa Tam Chúc mô phỏng lại vạc Phổ Minh. Vạc được chế tác từ 22 tấn đồng, với đường kính 4m, tương đương chiều cao, kích cỡ, cân nặng so với bản gốc. Ảnh: Trung Nghĩa/VnExpress

Về bốn ngôi chùa liên quan đến Tứ đại khí, ngoài chùa Quỳnh Lâm bị đốt trụi thời Thiệu Trị, chùa Sùng Khánh thời thuộc Pháp cũng bị phá để xây Nhà thờ Lớn. Hiện chỉ còn chùa Diên Hựu và chùa Phổ Minh.

>> Ngôi chùa tháp bằng gạch cao nhất Việt Nam: Là nơi cất giữ 3 bảo vật quốc gia đặc biệt quý hiếm, một trong "An Nam tứ đại khí" cũng từng nằm ở đây

Ngôi chùa cổ nghìn năm chứa 2 bảo vật quốc gia, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật

Ngôi chùa nằm trên đỉnh núi ở miền Bắc Việt Nam, nổi tiếng với bộ tượng thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng được công nhận là bảo vật Quốc gia

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bon-bao-vat-lon-luu-danh-kim-co-cua-viet-nam-bi-quan-dich-tim-moi-cach-de-pha-huy-sau-nghin-nam-van-duoc-coi-nhu-ky-quan-cua-dan-toc-d116431.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bốn bảo vật lớn lưu danh kim cổ của Việt Nam: Bị quân địch tìm mọi cách để phá hủy, sau nghìn năm vẫn được coi như kỳ quan của dân tộc
    POWERED BY ONECMS & INTECH