Bóng dáng doanh nghiệp BĐS sàn HoSE tại dự án hơn 6.400 tỷ đồng vừa được Đồng Nai chấp thuận
3/4 công ty trong liên danh đăng ký thực hiện dự án có mối liên hệ với doanh nghiệp bất động sản sàn HoSE này.
Ngày 24/9 vừa qua, tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 155 ngàn tỷ đồng (6,2 tỷ USD) tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư.
Trong lĩnh vực đô thị, Dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước River với diện tích 49,7 ha có tổng vốn đầu tư 6.415 tỷ đồng.
Nghi thức trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư |
Theo biên bản mở hồ sơ đăng ký vừa được Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Đồng Nai công bố, liên danh CTCP Đầu tư Hà Phú Riverland; Công ty Thương mại - Đầu tư Xây dựng Thành Lợi (TNHH); CTCP HB Grand Land và CTCP Đầu tư G7 - Invest là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện Dự án Khu đô thị du lịch Đại Phước River.
Dự án này dự kiến sẽ được xây dựng và hoàn thành trong khoảng 6 năm kể từ khi nhà đầu tư được lựa chọn, công nhận và giao thực hiện dự án.
Đầu tháng 1/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hai dự án này, sau đó công bố danh mục dự án có sử dụng đất để tìm nhà đầu tư thực hiện.
Đến giữa tháng 1/2024, Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Bình đã phát thông báo mời thầu rộng rãi cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế quan tâm thực hiện dự án. Sau hai lần gia hạn để tìm nhà đầu tư, đến nay không có thêm nhà thầu nào mới đăng ký, và liên danh trên là nhà đầu tư duy nhất đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án này.
Bóng dáng Văn Phú Invest (VPI) tại liên danh
Theo tìm hiểu, trong liên danh đăng ký thực hiện dự án, 3 doanh nghiệp có mối liên hệ với CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI).
Cụ thể, CTCP Đầu tư Hà Phú Riverland được thành lập vào tháng 3/2021, hiện ông Mai Xuân Vĩnh đang là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc. Cuối năm 2023, doanh nghiệp đã tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, Văn Phú Invest đang nắm giữ trực tiếp 30% vốn của Hà Phú Riverland.
3/4 doanh nghiệp trong liên danh có mối liên hệ với Văn Phú - Invest (ảnh minh họa) |
Công ty Thương mại - Đầu tư Xây dựng Thành Lợi (TNHH), thành lập từ năm 2006, là một doanh nghiệp chuyên xây dựng công trình đường bộ. Hiện ông Nguyễn Đình Lợi đang là người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc. Cuối năm 2021, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ lên 1.890 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Đình Lợi nắm giữ 60%, còn 40% do bà Nguyễn Thị Hà nắm giữ.
Ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2023, doanh nghiệp Thành Lợi đang cho Văn Phú Invest vay 550 tỷ đồng theo hình thức tín chấp với mức lãi suất 8,5%/năm.
CTCP Đầu tư G7 - Invest, thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Hà Nội. Từ năm 2015, ông Tô Như Toàn - Chủ tịch Văn Phú - Invest - đã là thành viên HĐQT của G7 - Invest. Hiện nay, bà Trần Thu Thủy là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của G7 - Invest. Vào tháng 5/2021, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 230 tỷ đồng.
Văn Phú Invest đang kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2024, VPI ghi nhận lãi sau thuế hợp nhất đạt 95,7 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm lợi nhuận là do không còn ghi nhận lợi nhuận từ việc bàn giao sản phẩm thuộc dự án Khu biệt thự Hùng Sơn tại TP. Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa như trong quý II năm trước.
Ngoài doanh thu từ các dự án The Terra Bắc Giang, The Terra An Hưng và khu căn hộ dịch vụ khách sạn Tây Hồ, công ty đang triển khai một số dự án mới tại Bắc Giang và TP. Hải Phòng, dự kiến sẽ bàn giao trong các quý tới.
Tại thời điểm cuối quý II/2024, tổng tài sản của Văn Phú Invest đạt 11.800 tỷ đồng, giảm 700 tỷ đồng so với đầu năm. Cơ cấu tài sản bao gồm 435 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, 2.400 tỷ đồng các khoản phải thu và gần 3.860 tỷ đồng danh mục tồn kho (chủ yếu tại dự án The Terra Bắc Giang - 1.513 tỷ đồng và dự án Thủy Nguyên - Hải Phòng - 1.865 tỷ đồng).
BCTC soát xét bán niên 2024 của Văn Phú Invest |
Về nợ phải trả, doanh nghiệp ghi nhận số nợ hơn 7.700 tỷ đồng, trong đó hơn 6.200 tỷ đồng là nợ vay tài chính, tăng hàng trăm tỷ đồng so với đầu năm.
Được biết, VPI hiện đứng thứ 7 trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản có nợ vay cao nhất, sau NLG, KDH, BCM, NVL, VHM, và VIC. Chi phí lãi vay trong 6 tháng qua là 151 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của công ty là hơn 1,5 lần; tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản đạt 53% - tăng mạnh so với mức 43% hồi đầu năm. Theo đó, Văn Phú Invest hiện có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao nhất trong Top 10 doanh nghiệp bất động sản có vay nợ nhiều nhất, vượt qua các doanh nghiệp như DIC Corp (23%), Đất Xanh (18%), Vingroup (31%), Hà Đô (37%), Becamex IDC (39%) và Năm Bảy Bảy (40%).
Theo thuyết minh chi tiết, cơ cấu nợ vay bao gồm 3.800 tỷ đồng từ các ngân hàng (với lãi suất từ 8-12%/năm), gần 1.800 tỷ đồng dư nợ trái phiếu và gần 650 tỷ đồng vay từ các đối tượng khác. Các ngân hàng chủ nợ lớn của VPI là VPBank, MBBank và Indovina Bank.
Tài sản đảm bảo cho phần lớn các khoản vay là giá trị tồn kho bất động sản, cùng với khoảng 43 triệu cổ phiếu phổ thông của công ty và một số tài sản khác.
Trên sàn chứng khoán, kết phiên 26/9, cổ phiếu VPI đang đứng tại mốc 58.500 đồng/cp, vùng đỉnh lịch sử. Nhìn rộng hơn, thị giá mã bất động sản này đã tăng gần 30% kể từ đầu năm.
Đạm Cà Mau (DCM) được chấp thuận đầu tư kho cảng Nhơn Trạch
Đồng Nai chốt thời gian bàn giao mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu