Nửa đầu năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp tại Bình Thuận ước đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngày 5/7, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận đã tổ chức Hội nghị giao ban chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp các khu công nghiệp nhằm đánh giá tình hình hoạt động nửa đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm.
Cụ thể qua nửa đầu năm 2023, doanh thu của doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận ước đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 110 triệu USD, tăng 4,7% và nộp ngân sách khoảng 65 tỷ đồng, tăng gần 12% so cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra các khu công nghiệp cũng thu hút thêm 2 dự án đầu tư mới: Dự án nhà máy sản xuất nhôm AME (của Công ty TNHH Ame Aluminium), dự án chế biến xỉ titan Sông Bình (của Công ty TNHH Khoáng sản Rạng Đông). Phần lớn doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp đều chấp hành tương đối tốt quy định của pháp luật có liên quan về phòng cháy chữa cháy, lao động, môi trường, xây dựng…
Dù vậy so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra thì vẫn còn mặt tồn tại, hạn chế như công tác kiểm kê, thông báo thu hồi đất đền bù giải tỏa của khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, khu công nghiệp Tân Đức còn chậm. Hay như khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển hình thức trả tiền thuê đất hàng năm sang trả tiền thuê đất một lần, bên cạnh đó một số hạng mục hạ tầng khu công nghiệp cũng chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp thứ cấp.
Hướng đến hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong nửa cuối năm. Theo đó tập trung triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác xác định giá đất cụ thể, đền bù giải tỏa tại các khu công nghiệp, thực hiện giao đất và chuẩn bị mặt bằng khởi công khu công nghiệp Tân Đức theo kế hoạch, đồng thời đôn đốc chủ đầu tư khu công nghiệp Sơn Mỹ I đẩy nhanh thi công hạ tầng đúng tiến độ.
Phối cảnh khu công nghiệp Sơn Mỹ I |
Mặt khác còn phối hợp các sở ngành, địa phương hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp theo kế hoạch vốn năm 2023.
Hội nghị giao ban lần này cũng dành thời gian để chủ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh trong khu công nghiệp, đại diện các sở ngành, địa phương trao đổi những nội dung liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và khắc phục mặt hạn chế, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển khu công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận vào thời gian tới.
Tỉnh dài nhất Việt Nam tính theo Quốc lộ 1A được rót hơn 2.000 tỷ vào lĩnh vực khu công nghiệp
Hé lộ vị trí xây ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở Bình Thuận