Buôn làng ẩn mình lặng lẽ phía Tây Nam dãy Trường Sơn được xem xét lên thành phố
Mỗi khi nhắc đến du lịch Lâm Đồng, người ta lại nhớ đến cao nguyên Lâm Viên mà quên rằng tại đây còn có một vùng đất xinh đẹp không kém.
Ngày 17/9, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã ký tờ trình gửi Bộ Xây dựng về việc đề nghị thẩm định, công nhận thị trấn Di Linh, huyện Di Linh là đô thị loại IV (thành phố trực thuộc tỉnh).
Đề án công nhận đô thị Di Linh là đô thị loại IV đã được UBND huyện Di Linh và đơn vị tư vấn tổ chức lập và đã lấy ý kiến và tiếp thu, chỉnh sửa theo góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan. Bên cạnh đó, đề án cũng đã được Hội đồng Nhân dân huyện Di Linh và Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng thông qua.
Tổng hợp các tiêu chí phân loại đô thị, thị trấn Di Linh đạt các tiêu chuẩn đô thị loại IV với tổng số điểm là 85,58/100 điểm.
Thị trấn Di Linh nằm trên cao nguyên xinh đẹp. Ảnh internet
Mỗi khi nhắc đến du lịch Lâm Đồng, người ta lại nhớ đến cao nguyên Lâm Viên mà quên mất rằng tại đây còn có một vùng đất xinh đẹp không kém. Đó là cao nguyên Di Linh. Nếu như Lâm Viên nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng cao cấp thì Di Linh vẫn ẩn mình lặng lẽ trong núi non Trường Sơn với vẻ đẹp hoang sơ trữ tình.
Thị trấn Di Linh được thành lập vào năm 1981, nằm trên cao nguyên Di Linh, phía Tây Nam dãy Trường Sơn, ở độ cao 1.000m so với mặt nước biển. Cái tên Di Linh bắt nguồn từ Djiring - tên của người đầu tiên có công thành lập ra buôn làng nơi đây.
Hiện tại, sau bao nhiêu năm bị "lãng quên" so với sự sầm uất của cao nguyên Lâm Viên, thị trấn Di Linh được xác định là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện. Thị trấn Di Linh có diện tích tự nhiên 2.465ha với dân số khoảng trên 26.500 người. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,3%.
Thị trấn Di Linh có vị trí thuận lợi trên trục Quốc lộ 20, Quốc lộ 28 nên có lợi thế trong giao lưu kinh tế và hội tụ đủ điều kiện phát triển thành điểm phân phối, lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh thương mại, dịch vụ, có vai trò đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và các vùng lân cận, đầu mối kinh tế Phan Thiết - Di Linh - Đắk Nông, thành phố Hồ Chí Minh - Di Linh - Đà Lạt.
>> Tăng tiến độ dự án căn hộ cao cấp đầu tiên tại thành phố lớn nhất vùng hạ lưu sông Mê Kông
Các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng đã xác định, thị trấn Di Linh là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, thương mại dịch vụ của huyện Di Linh, là đô thị trung tâm tiểu vùng II, là trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch cấp vùng, có vai trò là trung tâm chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải Nam Trung bộ.
Thị trấn Di Linh vẫn còn nhiều quỹ đất để phát triển đô thị. Ảnh internet
Đô thị Di Linh được định hướng theo hình thái các khu đô thị tập trung với các trục hành lang kinh tế như quốc lộ 20, Quốc lộ 28 liên kết không gian xanh với cảnh quan hồ Tây Di Linh, hồ Đông Di Linh, hồ Tân Lập, sông Đại Bình, hồ Ka La.
Cũng theo quy hoạch, đô thị Di Linh sẽ tập trung phát triển một số dự án bất động sản như Khu dân cư đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí tổng hợp khu vực hồ Tây (250ha) và hồ Đông (60ha), Khu đô thị mới, thương mại, dịch vụ, du lịch tổng hợp (228ha); Khu dân cư tổ dân phố 3,4 (14ha), Khu dân cư thương mại dịch vụ tổ 20 (hơn 56ha),…
Tổng vốn đầu tư phát triển thị trấn Di Linh đến năm 2030 dự kiến khoảng 4.726 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách khoảng 1.082 tỷ đồng, vốn kêu gọi đầu tư 3.644 tỷ đồng.
>> 'Láng giềng' Thủ đô quyết tìm lại 'thương cảng' vang bóng một thời bằng tuyến đường gần 10.000 tỷ