Business Insider: Phép màu giúp kinh tế Trung Quốc bùng nổ chính thức chấm dứt
Trong khoảng chục năm trở lại đây, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu mất đà. Nhưng kể từ khi chính sách Zero Covid được dỡ bỏ thì câu chuyện mô hình tăng trưởng không còn phù hợp mới trở nên rõ nét.
Trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã ở đỉnh của siêu chu kỳ tăng trưởng với khả năng mở rộng năng lực sản xuất cũng như tiêu dùng siêu nhanh, tưởng chừng như không ai có thể ngáng đường.
Nước này trở thành cỗ máy tăng trưởng chính của kinh tế toàn cầu. Không chỉ thúc đẩy kinh tế nội địa, phép màu này còn mang lại lợi ích cho rất nhiều bên. Các quốc gia phục vụ nhu cầu khổng lồ của Trung Quốc trên lộ trình hiện đại hóa và công nghiệp hóa cũng tự tạo ra được mức tăng trưởng ấn tượng. Các tập đoàn Mỹ coi Trung Quốc là thị trường quan trọng bậc nhất và dồn nhiều công sức để đặt cược vào đây. Nhưng đến thời điểm này, họ đã phán đoán sai.
Vài năm trở lại đây, Trung Quốc có sự thay đổi lớn về phương hướng phát triển kinh tế. Nước này không còn đặt mục tiêu trở nên giàu có bằng mọi giá. Do đó, dù ở thời điểm này nền kinh tế xuất hiện nhiều dấu hiệu đi xuống, Chính phủ của ông Tập Cận Bình vẫn hành động rất thận trọng, tránh đưa ra gói kích thích quy mô lớn trị giá hàng trăm tỷ USD như trong quá khứ.
Trong quan hệ đối ngoại, Trung Quốc cũng không còn đặt yếu tố kinh tế lên hàng đầu. Thay vào đó là những chính sách phát triển công nghiệp nội địa để đảm bảo vị thế dẫn đầu và an ninh quốc gia.
Hệ lụy từ sự thay đổi này là từ người nông dân cho tới các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đang chứng kiến nhu cầu suy giảm đáng kể và chuỗi cung ứng mất ổn định. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến bức tranh địa chính trị thế giới.
Nhức nhối thị trường bất động sản
Thực chất thì trong khoảng chục năm trở lại đây, kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu mất đà, bộc lộ những điểm yếu mang tính cấu trúc. Tuy nhiên, kể từ khi chính sách Zero Covid được dỡ bỏ thì câu chuyện mô hình tăng trưởng không còn phù hợp mới trở nên rõ nét. Cả thế giới từng kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ bật tăng mạnh sau đại dịch giống như các nền kinh tế lớn khác. Thế nhưng thay vào đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lại bị bỏ lại phía sau.
Hiện nay, tâm điểm rắc rối chính là thị trường bất động sản. Không chỉ là nguồn của cải lớn nhất của các hộ gia đình Trung Quốc, bất động sản còn là nguồn thu rất lớn của ngân sách các địa phương. Thay vì thu thuế bất động sản, các tỉnh thành thường bán đất cho các nhà phát triển và sau đó sử dụng nguồn doanh thu này tài trợ cho các dịch vụ xã hội cơ bản như sửa chữa đường sá, chi trả lương hưu.
Những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải thu hút được rất nhiều sự chú ý, nhưng chúng chỉ đóng góp một phần nhỏ. Các doanh nghiệp BĐS chủ yếu tập trung xây dựng ở những thành phố cấp 3, nơi thu nhập của người dân còn thấp. Đó chính là nơi mà bạn có thể tìm thấy những “thành phố ma” nổi tiếng.
Trung Quốc chỉ có dân số 1,4 tỷ người nhưng đã xây dựng số nhà ở đủ cho 3 tỷ người, theo ước tính của các chuyên gia. Rất nhiều siêu dự án hoàn thành nhưng không có người ở. Ở Shengyang, thậm chí cả 1 khu biệt thự cao cấp trở thành nơi chăn thả gia súc.
Lo ngại lĩnh vực BĐS sẽ sụp đổ, Bắc Kinh đã nhiều lần thắt chặt dòng chảy tín dụng vào thị trường. Tuy nhiên, bởi vì ngành này đóng vai trò quá quan trọng, Trung Quốc vẫn phải tiếp tục xây dựng. Chính phủ khó có thể cho phép giá giảm quá sâu vì túi tiền của các địa phương cũng như của các hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng.
Dẫu vậy, ngành BĐS vốn được hậu thuẫn bởi tiền rẻ và đầu cơ vẫn đang bắt đầu xuất hiện những vết nứt. Nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc là Country Garden đang bên bờ sụp đổ. Chủ tịch “bom nợ” Evergrande mới đây đã bị quản thúc. Các tỉnh thành cạn tiền buộc phải xin cứu trợ từ trung ương và thanh lý tài sản.
Hệ thống ngân hàng trong bóng tối khổng lồ vốn là bệ đỡ cho thị trường BĐS bùng nổ cũng đang đứng trước rất nhiều áp lực. Quỹ tín thác nổi tiếng Zhongrong (đang quản lý khoảng 87 tỷ USD) mùa hè vừa qua đã không thanh toán cho nhà đầu tư và làm dấy lên những cuộc biểu tình.
“Chúng tôi chưa bao giờ ở trong tình trạng có nhiều công ty vỡ nợ đến vậy. Trước đây mọi người đều nghĩ giá nhà tăng quá nhanh và mình cần phải mua ngay. Giờ thì giá liên tục đi xuống, mọi người đều đứng ngoài chờ đợi”, Charlene Chu – chuyên gia phân tích cao cấp tại Autonomous Research nói.
Giá nhà tại các đô thị lớn như Thâm Quyến và Thượng Hải giảm khoảng 15%. Còn ở những thành phố cấp 2 và cấp 3, mức giảm lên tới 50%, trong khi 80% các giao dịch tập trung ở các thành phố này.
Những đốm lửa nhỏ bùng lên ở khắp mọi nơi
BĐS là lĩnh vực nổi cộm nhất nhưng nhiều phần chủ chốt khác của kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp khó. Trong khi cả thế giới đối mặt với lạm phát, Trung Quốc lại có nguy cơ giảm phát. CPI tháng 9 tăng 0%, sau khi tăng 0,1% trong tháng 8 và giảm 0,3% trong tháng 7. Từ tháng 5 đến nay, xuất khẩu liên tục sụt giảm còn đối với nhập khẩu, tháng gần nhất tăng trưởng là từ đúng 1 năm trước.
Theo Chu, những điểm yếu của Trung Quốc hiện nay không phải mang tính chu kỳ mà do bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trên chuỗi cung ứng. Căng thẳng thương mại với châu Âu và Mỹ sẽ không dễ đảo ngược. Và, một khi các tập đoàn đa quốc gia không còn coi Trung Quốc là thị trường màu mỡ, họ sẽ bắt đầu thay đổi kế hoạch đầu tư. Cùng lúc đó, những khó khăn của thị trường lao động sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi tiêu dùng, sức mua – thứ từng giúp kinh tế Trung Quốc trỗi dậy. Điều này lại tạo nên vòng luẩn quẩn kéo theo đầu tư và tiêu dùng tiếp tục sụt giảm.
Trong dài hạn, kinh tế Trung Quốc có 1 yếu tố bất lợi khác: dân số. Nằm trong xu hướng của thế giới và còn bị ảnh hưởng bởi chính sách 1 con, dân số nước này đang già đi nhanh chóng, thậm chí số dân đã sụt giảm trong năm 2022. Điều đó đồng nghĩa lực lượng lao động bị co hẹp. Hiện chỉ có 3 người trưởng thành trong độ tuổi lao động trên 1 người nghỉ hưu và đến năm 2050 tỷ lệ được dự báo sẽ là 1:1.
Nếu kinh tế không tăng trưởng đủ mạnh hoặc giá nhà không bùng nổ, bộ phận người cao tuổi sẽ trở thành gánh nặng rất lớn đối với nền kinh tế. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện ở mức khoảng 12.800 USD, trong khi của Nhật Bản vào khoảng 41.266 USD khi có cơ cấu dân số, nợ và cơ cấu dân số ở mức tương tự.
Viễn cảnh “già trước khi giàu” đang đến rất gần với Trung Quốc.
Khủng hoảng bất động sản leo thang, Trung Quốc thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương mới
Loại trái cây từng dành cho giới nhà giàu, nay tràn ngập chợ Việt với mức giá 'không tưởng'
Triệt phá 263 nhóm tội phạm, lật tẩy 100 tổ chức tài chính ngầm với gần 12 tỷ USD giao dịch phi pháp