Khủng hoảng bất động sản leo thang, Trung Quốc thành lập Ủy ban Tài chính Trung ương mới
Điều này diễn ra trong bối cảnh cải tổ rộng rãi hơn các chức năng kinh tế nhà nước, xác định lại vai trò của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng |
Theo một nguồn tin từ tờ SCMP, Ủy ban Tài chính Trung ương mới được thành lập của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động từ cuối tháng 9.
Ủy ban này được thành lập vào tháng 3 vừa qua như một phần trong kế hoạch sâu rộng nhằm cải tổ thể chế, trao cho Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiều quyền kiểm soát hơn trong các lĩnh vực quan trọng như tài chính và công nghệ.
Nằm dưới sự giám sát trực tiếp của cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng, Ủy ban Tài chính Trung ương đóng vai trò là người lập kế hoạch chính cho hệ thống tài chính của Trung Quốc.
Cơ quan mới sẽ giám sát mọi vấn đề bao gồm sự ổn định chung, tài trợ cho nền kinh tế và việc sử dụng đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.
Tờ SMCP nhận định, động thái này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhìn nhận cuộc khủng hoảng bất động sản đang khá nghiêm trọng và có thể gây ra những tác động lây lan ra toàn bộ nền kinh tế.
Nguồn tin cho biết ủy ban đã thành lập một văn phòng chung trên “Phố Tài chính” của Bắc Kinh, với các hoạt động hàng ngày của văn phòng được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trung Quốc He Lifeng.
Địa điểm này nằm gần Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) – ngân hàng trung ương của đất nước này và cách Trung Nam Hải, khu phức hợp là nơi sống và làm việc của nhiều lãnh đạo Trung Quốc, 2km.
Wang Jiang, cựu Giám đốc tập đoàn tài chính khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước China Everbright Group, được truyền thông nhà nước đưa tin là phó giám đốc điều hành giám sát văn phòng này.
Theo SCMP, Ủy ban Tài chính trung ương đã chính thức thay thế Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính trực thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, một tổ chức do cựu Phó Thủ tướng Liu He đứng đầu có văn phòng tại ngân hàng trung ương.
Đồng thời, trách nhiệm của ngân hàng trung ương cũng được điều chỉnh. Cục Chính sách an toàn vĩ mô, một cơ quan trực thuộc PBOC, sẽ không còn chịu trách nhiệm giám sát thường xuyên các tập đoàn tài chính.
Những nhiệm vụ đó, cũng như những nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng, đều sẽ được chuyển giao cho Cơ quan quản lý tài chính quốc gia, một cơ quan quản lý tài chính khác được thành lập vào tháng 3.
Thay vào đó, Cục sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo và thực hiện các chính sách tín dụng và tài chính liên quan đến lĩnh vực bất động sản, vốn trước đây do Cục Thị trường Tài chính của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đảm nhiệm.
Cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn ra ở Trung Quốc trên thị trường bất động sản là lực cản lớn cho sự phục hồi kinh tế của đất nước và gây nghi ngờ về sức khỏe tài chính của các khoản vay ngân hàng.
The Post đưa tin trước đó rằng số dư nợ xấu (NPL) của các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc đã tăng 37% giá trị từ tháng 7 năm 2022 đến cuối tháng 6 vừa qua, lên tới tổng cộng 291 tỷ nhân dân tệ (40 tỷ USD). 18 trong số 20 ngân hàng được PBOC coi là “quan trọng về mặt hệ thống” đã chứng kiến tỷ lệ nợ xấu tăng lên.
Quỹ đầu tư nhà nước Trung Quốc mua cổ phiếu của “tứ trụ” ngân hàng