Cả gia đình bán tài khoản ngân hàng, công an cảnh báo 'khẩn'
Nhiều người nhận kết đắng khi bán tài khoản ngân hàng cho người khác để lấy tiền. Theo công an, hành vi này đã tiếp tay cho tội phạm khi chúng sử dụng các tài khoản ngân hàng đó để hoạt động phi pháp.
Mới đây, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Đồng Tháp xử phạt vi phạm hành chính 127,5 triệu đồng đối với 3 người trong cùng 1 gia đình về hành vi “Cho mượn và bán tài khoản ngân hàng để thanh toán”.
Anh H.V.Q. (ngụ huyện Tân Hồng) khai, thấy thông tin trên mạng xã hội "có người thu mua tài khoản ngân hàng” nên liên hệ bán tài khoản ngân hàng của mình được 3 triệu đồng. Thấy có tiền dễ dàng, anh "xúi" vợ, cha vợ bán tài khoản ngân hàng.
Với 3 tài khoản bán được, anh Q. thu về 9 triệu đồng. Kẻ gian sau khi mua các tài khoản ngân hàng này đã dùng vào mục đích “tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép" ở tỉnh Lạng Sơn.
Ngoài bị phạt gần 128 triệu đồng, công an còn buộc anh Q. nộp lại 9 triệu đồng thu lợi bất chính từ việc bán tài khoản ngân hàng.
Hồi tháng 8 vừa qua, Công an tỉnh Đồng Tháp xử phạt 13 người, đa phần là học sinh, sinh viên tổng cộng hơn 500 triệu đồng vì bán tài khoản ngân hàng cho các đối tượng dùng để cá cược trên mạng.
Anh T. (ngụ TP Cao Lãnh) 1 trong 13 người bị phạt cho biết, kẻ xấu đến hỏi mua tài khoản ngân hàng mới tạo chưa sử dụng hoặc các tài khoản không còn dùng.
“Họ ăn mặc rất lịch sự, nói chuyện văn minh đến hỏi mua mình tài khoản ngân hàng. Sau khi bán được 1 thời gian thì công an mời tôi lên làm việc, thông báo dính tới vụ mua bán thẻ ngân hàng và bị xử phạt 42,5 triệu đồng”, T. chia sẻ.
Qua điều tra, cơ quan An ninh điều tra Công an Đồng Tháp khởi tố 13 bị can trong các đường dây mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và đánh bạc quy mô lớn.
Công an cho biết, các bị can này đã liên kết, móc nối với nhau hình thành đường dây mua bán trái phép thông tin hàng trăm tài khoản ngân hàng của người khác, nhằm thu lợi bất chính.
Thủ đoạn của các đối tượng thường tìm kiếm học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động,… cần tiền tiêu xài để gợi ý, dụ dỗ họ mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho bọn chúng. Mỗi tài khoản đăng ký thành công, các đối tượng thu mua với giá từ 150-700 nghìn đồng.
Sau đó các bị can sử dụng các tài khoản này để đăng ký tài khoản đánh bạc và tham gia đánh bạc trực tuyến trong thời gian dài với quy mô lớn.
Đi tù vì mua bán tài khoản ngân hàng
Tại Trà Vinh, năm 2023, Cao Thanh Phong và Huỳnh Tấn Kiệt bị tòa phạt tù về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Theo đó, để có tiền tiêu xài cá nhân, Phong tìm mua tài khoản ngân hàng, thẻ ATM để đầu tư chứng khoán và bán lại cho người khác ở Campuchia. Qua mạng xã hội, Phong làm quen với Kiệt, sau đó cả hai thỏa thuận cách thức mua, bán tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, Kiệt tìm người làm tài khoản ngân hàng, kèm thẻ ATM bán cho Phong với giá 2 triệu đồng/tài khoản.
Kiệt đã tìm mua số tài khoản ngân hàng của nhiều người ở Trà Vinh, Long An và TPHCM, với giá từ 500.000-1 triệu đồng/tài khoản và bán cho Phong 70 tài khoản với số tiền là 140 triệu đồng.
Nhận được các tài khoản ngân hàng, Phong bán 55 tài khoản cho một người tên Quỳnh ở Campuchia và nhận được 5.500 USD.
Theo Công an tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan An ninh điều tra đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phát hiện 2 đường dây mua bán tài khoản ngân hàng. Qua điều tra xác định 700 cá nhân đã mở trên 1.000 tài khoản ngân hàng để bán cho các bị can trong vụ án.
“Việc cá nhân mở tài khoản ngân hàng nhưng không sử dụng mà mua bán, trao đổi, cho thuê thì tùy theo tính chất mức độ sẽ bị xem xét xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Xử lý hành chính mức phạt tiền cao nhất đến 100 triệu đồng, và xử lý hình sự, cao nhất đến 7 năm tù”, Công an Đồng Tháp cho biết.
>> Tài khoản ngân hàng bị mất 300 triệu sau khi cài đặt một phần mềm