Các địa phương nào sẽ là điểm nóng đầu tư BĐS sau sáp nhập tỉnh, thành?
Việc sáp nhập tỉnh, thành đã tái định hình địa giới hành chính Việt Nam, nhiều địa phương bất ngờ trở thành “tọa độ vàng” mới cho giới đầu tư bất động sản. Tại diễn đàn ngày 3/7, các lãnh đạo doanh nghiệp đã trực tiếp chỉ tên nhiều điểm nóng.
Việc sắp xếp lại tỉnh thành đã giúp nhiều địa phương nổi lên như những “điểm rơi” mới của dòng vốn bất động sản. Góc nhìn cơ hội đầu tư đã được các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ tại diễn đàn “Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới” tổ chức ngày 3/7, ở Hà Nội.
Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nam (cũ): 3 điểm nóng nổi bật
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Tổng Giám đốc Mai Việt Land nhận thấy có 3 địa phương đáng chú ý, kỳ vọng sẽ đón dòng tiền đầu tư.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Long - Phó Tổng Giám đốc Mai Việt Land |
Hải Phòng là địa phương đầu tiên được nhắc đến nhờ vị trí chiến lược, hạ tầng cảng biển và sức hút từ giới đầu tư các tỉnh lân cận như Hưng Yên. Dòng tiền đổ về khu vực này cho thấy kỳ vọng vào sự chuyển mình mạnh mẽ, nhất là khi Hải Phòng được hưởng lợi từ các chính sách phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Tiếp đến là Bắc Ninh, nơi từng bùng nổ đầu năm 2025 khi có thông tin về việc sáp nhập với Bắc Giang. Tiềm năng dài hạn khu vực này vẫn còn lớn nhờ vào nền tảng công nghiệp phát triển.
Khu vực Hà Nam (cũ) là cái tên đáng chú ý tiếp theo. Không chỉ được sáp nhập về Ninh Bình, Hà Nam (cũ) còn hưởng lợi lớn từ xu hướng giãn dân của Hà Nội, đặc biệt khi có quy hoạch di dời hàng loạt bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô. "Thiên thời, địa lợi, nhân hòa" hội tụ đang khiến khu vực này trở thành “vùng đất kim cương” trong mắt nhà đầu tư, nhất là khi các tập đoàn lớn như Sun Group đã đặt dấu ấn tại đây với những đại dự án đô thị.
Phải nhìn đúng nhu cầu, tránh “sai sân”
Ông Lê Xuân Nga - Tổng Giám đốc BHS Property cho rằng: “Cơ hội hiện diện ở khắp nơi, nhưng phải hiểu người đến đó để làm gì. Nếu không đủ giáo dục, y tế, việc làm, giao thông… thì bất động sản khó có thể phát triển thực sự”.
Ông cũng cảnh báo nhiều doanh nghiệp đang triển khai dự án không đúng với đặc thù địa phương. “Khu đô thị mà không có tiện ích sinh sống, hoặc khu nghỉ dưỡng mà chỉ khai thác dòng tiền thì khó bền vững” - ông Nga nói.
![]() |
Ông Lê Xuân Nga - Tổng Giám đốc BHS Property |
Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes dẫn chứng số liệu, 78% nhà đầu tư hiện nay ưu tiên các sản phẩm bất động sản có thể bảo toàn và sinh lời dòng tiền, thay vì chỉ kỳ vọng lướt sóng.
Ông Chung nhận định có 2 phân khúc đang được quan tâm nhất là bất động sản cho thuê ngay và bất động sản đô thị có thể khai thác dài hạn. Những khu vực được đánh giá cao phải đạt đủ các điều kiện: đầu tư hạ tầng mạnh, có động lực di dân, kết nối giao thông tốt, mật độ dân cư cao và có tốc độ đô thị hóa thực chất.
![]() |
Ông Lê Đình Chung - Tổng Giám đốc SGO Homes |
Ba khu vực đang nổi bật theo đánh giá của ông Chung gồm:
Thứ nhất, Hưng Yên được hưởng lợi từ sáp nhập và hệ thống giao thông hiện đại, là cửa ngõ công nghiệp phía Nam Hà Nội. Ông Chung đặc biệt nhấn mạnh tiềm năng của khu vực Thái Bình (cũ).
Thứ hai, Bắc Ninh tiếp tục là cực tăng trưởng nhờ hệ sinh thái công nghiệp đã phát triển và thu hút FDI mạnh.
Thứ ba, Quảng Ninh và Hải Phòng đang hồi phục sau giai đoạn điều chỉnh, với Hải Phòng giữ vai trò cửa ngõ cảng biển, còn Quảng Ninh đang mở rộng kết nối và không gian phát triển.
Sáp nhập hành chính không chỉ là tái định hình địa giới, mà còn là cú hích cho tư duy quy hoạch mới, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Những địa phương hội tụ đầy đủ yếu tố về hạ tầng, dòng dân cư, công nghiệp và chính sách sẽ là tâm điểm hút dòng vốn trong trung và dài hạn.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận định, nhà đầu tư đang không còn hành động theo phong trào, mà ngày càng tỉnh táo và có chiến lược rõ ràng hơn. Đó cũng là tín hiệu tích cực cho thị trường trong giai đoạn sắp tới.
>> Đón cơ hội đầu tư bất động sản thời điểm 'sắp xếp lại giang sơn'
TS. Lê Xuân Nghĩa: Ý kiến cho rằng ông Phạm Nhật Vượng 'nợ đầm đìa' là sự ngộ nhận tai hại
Sau ‘sắp xếp lại giang sơn’: Thủ tướng yêu cầu ‘3 tăng tốc’ để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%