TS. Lê Xuân Nghĩa: Ý kiến cho rằng ông Phạm Nhật Vượng 'nợ đầm đìa' là sự ngộ nhận tai hại
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng Vingroup là hình mẫu tiêu biểu cho chiến lược phát triển hệ sinh thái và huy động vốn hiệu quả, minh chứng rằng doanh nghiệp lớn có thể dẫn dắt thị trường mà không phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ngân hàng.
Phát biểu tại diễn đàn “Đầu tư bất động sản trong kỷ nguyên mới: Tư duy mới - Vận hội mới”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầy cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức, đòi hỏi cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ cần có chiến lược ứng xử phù hợp nếu muốn tồn tại và bứt phá.
![]() |
TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu tại diễn đàn |
Nguy cơ lặp lại chu kỳ dư cung
TS. Nghĩa cho biết, vào năm 2016, ông từng tham gia xây dựng đề án nhằm kiểm soát tình trạng dư thừa nhà ở. Tuy nhiên, việc siết cung quá mạnh khiến số lượng dự án bất động sản tại Hà Nội chỉ còn khoảng 3 dự án mỗi năm. Hệ quả là thị trường rơi vào giai đoạn trầm lắng kéo dài.
“Chúng tôi từng dự báo bất động sản có thể bùng nổ trở lại vào năm 2023, thậm chí có thể xảy ra khủng hoảng nếu chính sách không điều chỉnh kịp thời” - ông nói.
Liên hệ với Nghị quyết 68 và tiến trình cải cách thể chế hiện nay, TS. Nghĩa ví von: “Trước đây, doanh nghiệp lớn, nhỏ cùng chen chúc trong một ngõ hẹp. Nay ngõ đã mở thành đại lộ, xe đạp, xe máy, ô tô mỗi loại có một làn riêng. Ai có hệ sinh thái đầy đủ, đi xe to, sẽ chạy nhanh hơn. Đó là thực tế”.
Theo ông, các tập đoàn lớn đang sở hữu chuỗi giá trị khép kín, từ giáo dục, y tế, công nghệ, nhà ở đến năng lượng sẽ chiếm lĩnh cuộc chơi. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu không chuẩn bị kịp về mô hình phát triển, tài chính và minh bạch thông tin thì sẽ tụt lại phía sau.
Cần hiểu đúng về cấu trúc tài chính của doanh nghiệp lớn
TS. Nghĩa phản bác luồng quan điểm cho rằng một số tập đoàn bất động sản lớn hiện nay đang “ngập trong nợ”. Ông cho rằng nhiều đánh giá thiếu cơ sở, thậm chí hiểu sai về khái niệm tài chính.
Cụ thể, trường hợp của Vingroup, một số ý kiến cho rằng tỷ phú Phạm Nhật Vượng “nợ đầm đìa” vì lấy tổng tài sản trừ vốn chủ sở hữu ra con số nợ phải trả.
“Cách tính đó là sai. Thực chất, nợ ngân hàng của Vingroup chỉ khoảng 117.000 tỷ đồng, cộng với khoảng 60.000 tỷ đồng trái phiếu. So với vốn chủ sở hữu khoảng 170.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ chỉ ở mức 1 - 1,1 lần, rất an toàn theo chuẩn mực quốc tế” - TS. Nghĩa phân tích.
Ông cũng chỉ ra rằng hàng chục nghìn tỷ đồng khác là khoản đặt cọc từ khách hàng, thể hiện niềm tin của thị trường chứ không phải nợ vay theo nghĩa thông thường.
“Chính nhờ uy tín và hệ sinh thái vững chắc, Vingroup có thể huy động vốn trong dân dễ dàng mà không cần phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. Đó là một mô hình mà các doanh nghiệp bất động sản cần học hỏi nếu muốn vươn lên” - ông nhấn mạnh.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tìm cách huy động vốn trên thị trường chứng khoán
TS. Nghĩa cũng cảnh báo rằng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, đặc biệt là sau khi Mỹ công bố áp thuế lên hàng hóa Việt Nam, áp lực tỷ giá sẽ tăng mạnh, khiến Chính phủ khó có thể hạ lãi suất thêm.
“Theo tôi, lãi suất sẽ duy trì quanh mức 8 - 10% trong thời gian tới. Trong khi đó, người dân hiện tiết kiệm không còn lãi thực vì lạm phát gần bằng lãi suất. Họ sẽ đổ tiền vào vàng, chứng khoán, và quan trọng nhất là bất động sản” - ông nói.
Chính vì vậy, ông cho rằng đây là thời điểm để thị trường bất động sản xây dựng lại niềm tin và hình thành chu kỳ mới dựa trên nền tảng là các dự án quy mô lớn, có hệ sinh thái hoàn chỉnh, gắn liền với các thành phố vệ tinh, thành phố song sinh.
Các doanh nghiệp bất động sản nên tập trung làm truyền thông bài bản, minh bạch thông tin, đẩy mạnh huy động vốn từ người dân thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân hàng.
“Ngay cả với những doanh nghiệp mạnh như Vingroup, ông Phạm Nhật Vượng cũng chủ trương hạn chế vay ngân hàng, chuyển sang phát hành trái phiếu, huy động vốn từ thị trường chứng khoán” - ông nói.
>> Đón cơ hội đầu tư bất động sản thời điểm 'sắp xếp lại giang sơn'