Bầu Đức chính thức xóa sạch lỗ lũy kế gần 7.500 tỷ đồng: Cái kết có hậu cho giấc mơ nông nghiệp
Từ cú ngã với cao su đến hồi sinh nhờ cây chuối, giấc mơ nông nghiệp quy mô lớn của HAGL đang dần hái trái ngọt.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - HoSE: HAG) vừa thông tin, công ty đã hoàn thành hơn 60% kế hoạch cả năm 2025 sau 6 tháng. Giá bán chuối duy trì ổn định ở mức cao đầu năm đến nay là yếu tố then chốt giúp công ty đạt kết quả tích cực.
Năm nay, doanh nghiệp nhà bầu Đức đặt mục tiêu lãi ròng 1.114 tỷ đồng. Ước tính, lợi nhuận 6 tháng là hơn 669 tỷ đồng.
Trong nửa cuối năm, HAGL dự kiến sẽ bắt đầu ghi nhận doanh thu từ sầu riêng - mảng được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Trên cơ sở này, HAGL đang xem xét điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2025 lên 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong quý III/2025, nếu hoàn tất các thủ tục cần thiết, công ty sẽ được phép ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 1.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận sau thuế năm 2025 có thể đạt mốc 2.500 tỷ đồng.
Dựa vào BCTC kiểm toán 2024 và kết quả 6 tháng đầu năm 2025, HAGL chính thức xóa lỗ lũy kế và ghi nhận khoản lợi nhuận 247 tỷ đồng. Đỉnh cao vào quý I/2021, doanh nghiệp này từng lỗ lũy kế 7.474 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Bỏ bất động sản sang làm nông nghiệp: 18 năm đầy chông gai
Trước khi rẽ sang nông nghiệp, HAGL của bầu Đức từng là một đại gia bất động sản với quy mô tài sản và lợi nhuận thuộc hàng đầu trên thị trường. Năm 2008, công ty lãi ròng 765 tỷ đồng, năm 2007 đạt 622 tỷ đồng; tổng tài sản tại ngày 31/12/2008 lên đến 8.872 tỷ đồng - đây là những con số "khổng lồ" vào thời điểm đó.
Dù đang gặt hái lợi nhuận lớn từ bất động sản, ông Đức lại trăn trở với khát vọng vươn ra thế giới bằng mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn. Bắt đầu từ năm 2007, HAGL từng bước chuyển hướng, đầu tư hàng tỷ USD để sở hữu 51.000ha trồng cao su và cây tràm, dù bất động sản vẫn là ngành chủ lực.
Năm 2010, HAGL đầu tư 765 triệu USD xây dựng nhà máy chế biến gỗ, khai thác mủ cao su và thành lập CTCP Cao su Hoàng Anh Gia Lai với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Đến năm 2011, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sang mía đường với nhà máy công suất 7.000 tấn mía/ngày, đồng thời xây dựng nhà máy ethanol và nhà máy nhiệt điện 30 MW sử dụng bã mía làm nhiên liệu.
![]() |
Ảnh minh họa |
Năm 2013 đánh dấu bước ngoặt khi bầu Đức tuyên bố tái cấu trúc toàn diện, thu hẹp ngành nghề để tập trung vào nông nghiệp. HAGL bán toàn bộ các dự án thủy điện (gồm 4 dự án đang vận hành, 2 dự án đang xây dựng), thoái vốn ngành gỗ và tách mảng căn hộ tại Việt Nam sang công ty riêng để gọi vốn đầu tư vào nông nghiệp.
Sau tái cơ cấu, HAGL giữ lại các lĩnh vực trồng cao su, cọ dầu, mía đường, và mở rộng thêm cây bắp. Dự án bất động sản duy nhất còn lại là tổ hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center.
Không dừng lại ở trồng trọt, năm 2014, HAGL đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt và bò sữa theo mô hình tiên tiến, với tổng vốn dự kiến khoảng 6.300 tỷ đồng. Tính đến năm 2015, tổng đàn bò của tập đoàn đã vượt 43.500 con.
Bầu Đức "ngã đau" với cây cao su. Sau 5 năm trồng, đến khi bắt đầu thu hoạch, giá cao su từ mức 5.000 USD/tấn rớt xuống còn dưới 1.000 USD/tấn. Quỹ đầu tư lớn của Singapore là Temasek, khi rót 120 triệu USD vào HAGL thời điểm đó, dự kiến kịch bản xấu nhất thị trường cũng chỉ giảm xuống khoảng 3.000 USD/tấn. Không ai ngờ giá cao su lại lao dốc mạnh hơn nhiều, thậm chí thấp hơn cả giá vốn.
"Năm đó, tôi tính nếu giá cao su là 5.000 USD, thì từ năm 2016, mỗi năm HAGL sẽ có 500 triệu USD lợi nhuận" - bầu Đức từng kỳ vọng khi đầu tư vào cây cao su.
Việc này trở thành nguyên nhân chủ chốt khiến HAGL mất thanh khoản trong những năm về sau. Mảng chăn nuôi bò cũng chỉ mang lại lợi nhuận gộp thấp. Đến cuối năm 2016, nợ vay của HAGL lên tới đỉnh điểm 27.337 tỷ đồng. Đây cũng là năm khó khăn nhất của doanh nghiệp, khi không còn ngân hàng nào dám cho HAGL vay vốn.
![]() |
Nguồn: Tổng hợp |
Hồi sinh nhờ cây chuối
HAGL sau đó phải xoay sở mọi cách để tồn tại: trồng chanh dây, trồng mía, trồng ớt, thanh long, chuối... Cuối cùng, chanh dây và ớt không còn, nhưng chuối thì còn. Cho đến hôm nay, cây chuối là mảng mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhất cho doanh nghiệp.
"Vào lúc HAGL mất thanh khoản, tôi may mắn có một người bạn - một đối tác cũ người Đài Loan. Vì thấy tôi khó khăn nên người này đã đề xuất tôi trồng chanh dây và ớt, đồng thời tìm thị trường giúp HAGL tiêu thụ hai loại trái này tại Trung Quốc. Cũng nhờ đó mà tôi mới bắt đầu tìm đến thị trường này, rồi quyết định trồng chuối. Đó là người đã trao cơ hội sống cho HAGL trong cõi chết. Đó là một ký ức tôi nhớ" - ông Đức kể về việc bén duyên với cây chuối.
![]() |
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, từ năm 2018, HAGL bắt đầu trồng sầu riêng. Đến cuối năm 2024, HAGL đã sở hữu 7.000ha chuối và 2.000ha sầu riêng. Cây sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch từ cuối năm 2024 và sẽ đóng góp mạnh vào kết quả kinh doanh từ năm 2025. Công ty cũng mở rộng sang lĩnh vực chăn nuôi heo, sử dụng chuối làm thức ăn.
Mới đây, HAGL bắt đầu nuôi cá tra và chuẩn bị xuất lứa cá giống đầu tiên với 700.000 con vào tháng 9 - 10 năm nay. Công ty còn dự kiến triển khai phương án đầu tư trồng mới 2.000ha cà phê và 2.000ha dâu tằm tại các vùng quy hoạch trọng điểm từ tháng 7. Đây là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị chuỗi cung ứng nông sản, đồng thời mở rộng dư địa tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Như vậy, sắp tới, HAGL sẽ có 6 sản phẩm chủ lực gồm: chuối, sầu riêng, dâu tằm, cà phê, heo và cá tra. Ông Đức cũng tiết lộ kế hoạch lợi nhuận dài hạn, đặt mục tiêu đến năm 2028, HAGL sẽ đạt lợi nhuận sau thuế 5.000 tỷ đồng, đánh dấu hành trình hơn 20 năm làm nông nghiệp đầy chông gai.
Bầu Đức vừa dứt lời, giá sầu đã rớt thảm: Tuyên bố HAGL ‘bán 20.000 đồng/kg vẫn lãi’ liệu còn đúng?
Bầu Đức quyết định mua lại hơn 4.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, HAGL hết thời 'nợ như chúa chổm'