Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2022-2027 (ACFTA). Theo đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong ACFTA giai đoạn 2022 – 2027 dự kiến vào khoảng 85,4 % số dòng thuế.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc giai đoạn 2022-2027 (ACFTA). Dự kiến Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2022.
Để thực hiện cam kết của Việt Nam về thuế nhập khẩu trong Hiệp định
ACFTA, Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018-2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
Nhằm tiếp tục triển khai cam kết giai đoạn từ năm 2022, tuân thủ Hiệp định hải quan ASEAN liên quan đến việc áp dụng danh mục biểu thuế hài hòa ASEAN (AHTN) phiên bản 2022 của ASEAN và danh mục hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa phiên bản 2022 của Tổ chức Hải quan thế giới, Bộ Tài chính tiến hành chuyển đổi biểu thuế ACFTA từ AHTN 2017 sang AHTN 2022, làm cơ sở ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam cho giai đoạn 2022-2027.
Do thay đổi danh mục từ AHTN 2022 sang AHTN 2027, biểu thuế bao gồm 42 dòng hàng ảnh hưởng bởi việc thay đổi mã hàng, tách gộp dòng. Đối với những dòng hàng này, Bộ Tài chính xây dựng thuế suất theo nguyên tắc không làm xói mòn cam kết quốc tế quy định tại tài liệu hướng dẫn chuyển đổi HS trong Ủy ban thực thi Hiệp định ACFTA, đồng thời đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Các nhóm hàng chính thực hiện tách dòng 10 số khi chuyển đổi biểu thuế ACFTA theo AHTN 2022 là hàng thủy sản, hàng hóa khác, thuốc trừ sâu, linh kiện, phụ tùng ôtô sản phẩm từ sắt, thép và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.
Theo kết cấu mới của Biểu thuế ACFTA, số dòng thuế thuộc các danh mục cam kết theo AHTN 2022 đều tăng hơn so với AHTN 2017, tuy nhiên, xét về tỷ lệ của từng danh mục trên tổng biểu thuế thì hầu như không thay đổi.
Bên cạnh đó, "theo lộ trình cắt giảm thuế quan ASEAN – Trung Quốc, mức thuế suất bình quân (tính các dòng có thuế suất) cho giai đoạn 2023 – 2027 tính trên tổng biểu thuế Nghị định ban hành vào khoảng 3,05%", Bộ Tài chính cho hay.
Cũng theo dự thảo Nghị định, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất ACFTA phải đáp ứng đủ 4 điều kiện.
Thứ nhất, thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ban hành kèm theo Nghị định này.
Thứ hai, được nhập khẩu từ các nước là thành viên của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, bao gồm các quốc gia và vùng lãnh thổ sau: BruneiDarussalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Mianma, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam (hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước).
Thứ ba, được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Nghị định này vào Việt Nam, do Bộ Công Thương quy định.
Thứ tư, đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu E, theo quy định hiện hành của pháp luật.
Về tỷ lệ hàng hóa đủ điều kiện hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt ACFTA (có Giấy chứng nhận xuất xứ C/O mẫu AC), trung bình giai đoạn 2018 - 2021 đạt khoảng 11% tổng kim ngạch từ Trung Quốc và ASEAN, tương đương khoảng 13,05 tỷ USD mỗi năm. Có thể thấy tác động từ việc thực hiện ACFTA lên việc tận dụng ưu đãi thuế trong giai đoạn 2018 - 2021 là rất đáng kể.
Các nhóm hàng tận dụng được thuế suất ACFTA (có giá trị nhập khẩu trên 50 triệu USD) bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, sản phẩm từ sắt thép, than đá, hàng điện gia dụng và linh kiện...
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Về kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, thống kê hải quan cho thấy, số liệu nhập khẩu trung bình giai đoạn 2018 - 2021 đạt 118,6 tỷ USD, chiếm trung bình 45% tỷ trọng nhập khẩu thế giới.
Diện mặt hàng nhập khẩu chính từ Trung Quốc có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên gồm nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 7,5 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 6,7 tỷ USD; máy móc thiết bị 2,97 tỷ USD; xăng khoảng 2 tỷ USD; hạt điều 1,95 tỷ USD,....