Tài chính Ngân hàng

Các ngân hàng trung ương lớn vẫn tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát

Linh Nhi 31/07/2023 - 17:03

Về lạm phát, IMF dự báo CPI toàn phần của thế giới năm 2023 tăng 6,8%, giảm tốc so với mức 8,7% của năm 2022.

Trong báo cáo Cập nhật Triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, IMF dự báo GDP toàn cầu tăng 3% trong năm 2023 (+0,2 % so với dự báo tháng 4), nguyên nhân chính là các rủi ro về hệ thống ngân hàng Mỹ và Thụy Sỹ hồi đầu năm đã được kiềm tỏa.

Theo đó, IMF dự báo kinh tế Mỹ tăng 1,8% trong năm nay (+0,2 %), Nhật Bản tăng 1,4% (+0,1 %), Anh tăng 0,4% (+0,7 %) và Eurozone tăng 0,9% (+0,1 %) mặc dù Đức suy thoái 0,3% (-0,2 %). Về các nước đang phát triển, IMF dự báo Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm nay (không thay đổi) và Ấn Độ tăng trưởng 6,1% (+0,2 %). Năm 2024, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng 3%, không tăng tốc so với năm 2023 và cũng không thay đổi so với dự báo trước.

Về lạm phát, IMF dự báo CPI toàn phần của thế giới năm 2023 tăng 6,8%, giảm tốc so với mức 8,7% của năm 2022. Tuy nhiên CPI lõi vẫn tăng 6% trong năm nay, chỉ hạ nhiệt rất nhẹ từ mức 6,5% của năm trước.

Trong cuộc họp ngày 25-26/7, Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC (thuộc Fed) khẳng định vẫn tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát. Theo đó, cơ quan này quyết định tăng lãi suất cơ sở thêm 0,25% nhằm đạt được lạm phát mục tiêu 2%. FOMC sẽ tiếp tục đánh giá sự tích lũy của việc thắt chặt chính sách tiền tệ và độ trễ của chính sách lên các hoạt động kinh tế và lạm phát để đưa ra các quyết định tiếp theo.

ECB cũng có nhịp tăng lãi suất cơ sở trong tháng 7. Trong phiên họp ngày 27/7, ECB quyết định tăng bộ lãi suất cơ sở thêm 0,25% mỗi loại nhằm chắc chắn kiểm soát lạm phát trung hạn về mức mục tiêu 2% trong một thời gian hợp lý. Đây là lần tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, và cũng là mức lãi suất cơ sở cao nhất của cơ quan này trong vòng 23 năm. ECB cho biết sẽ tiếp tục đánh giá triển vọng lạm phát nhằm đưa ra các quyết định tiếp theo.

Liên quan đến kinh tế Eurozone, PMI lĩnh vực sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tại Eurozone lần lượt ở mức 42,7 và 51,1 điểm trong tháng 7, cùng giảm từ 43,4 và 52,0 điểm của tháng 6, đồng thời thấp hơn mức 43,5 và 51,7 điểm theo dự báo. Tiếp theo, tại nước Đức, CPI quốc gia này tăng 0,3% m/m trong tháng 7, bằng với mức tăng của tháng trước đó và khớp với dự báo.

Tăng trích lập dự phòng rủi ro gấp 3 lần, MSB báo lãi trước thuế quý 2 tăng nhẹ 8%

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-ngan-hang-trung-uong-lon-van-tap-trung-cao-do-vao-rui-ro-lam-phat-194718.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Các ngân hàng trung ương lớn vẫn tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát
POWERED BY ONECMS & INTECH