Quốc tế

Các nhà máy châu Á chao đảo vì kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt

Quỳnh Vân 03/01/2024 - 06:51

Ngành sản xuất ở châu Á vẫn đang trong tình trạng suy thoái do triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn.

Các hoạt động sản xuất ở châu Á đã kết thúc năm 2023 bằng một nốt trầm do hoạt động kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và các thị trường phát triển khác làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa do khu vực này sản xuất ra.

Theo chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) do S&P Global công bố ngày 2/1 mới đây, hầu hết các nước châu Á đều chứng kiến số lượng đơn đặt hàng mới suy giảm và khối lượng sản xuất chậm lại trong tháng 12/2023 khi nhu cầu của khách hàng yếu đi. Chi phí nguyên vật liệu cũng tăng và hiệu suất chuỗi cung ứng trở nên tệ hơn.

Các số liệu này được đưa ra khi Trung Quốc báo cáo các kết quả trái chiều. Chỉ số tư nhân về hoạt động nhà máy cho thấy sự cải thiện nhỏ trong tháng trước, trái ngược với chỉ số chính thức giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng.

Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tăng cường động lực kinh tế và tạo việc làm trong bài phát biểu năm mới vào ngày 31/12 vừa qua.

Sự phục hồi ‘chắp vá’ của Trung Quốc khiến các nhà máy châu Á tiếp tục rơi vào tình trạng suy thoái
Kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Ảnh: Bloomberg

Việc kinh tế Trung Quốc chưa thể phục hồi đang đè nặng lên các nền kinh tế châu Á khác. Bloomberg cho biết chỉ số của Đài Loan (Trung Quốc) chứng kiến mức suy thoái mạnh mẽ xuống 47,1 điểm vào tháng 12, sau khi đạt mức cao nhất trong 8 tháng là 48,3 điểm vào tháng 11.

Trong khi đó, PMI của Hàn Quốc chỉ giảm nhẹ xuống mức 49,9 nhưng vẫn là dưới ngưỡng 50 điểm. Bất chấp hoạt động xuất khẩu của quốc gia này được cải thiện, S&P Global vẫn ghi nhận số lượng đơn đặt hàng mới hàng tháng tiếp tục giảm do nền kinh tế nội địa yếu kém và nhu cầu từ Trung Quốc chậm lại.

Không chỉ vậy, hoạt động sản xuất tại Đông Nam Á cũng giảm trong tháng 12, với chỉ số của Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong nhóm này, Indonesia có chỉ số PMI cao nhất khu vực là 52,2 điểm, theo sau là Philippines với mức 51,5. Cả hai đều được hỗ trợ chủ yếu bởi người tiêu dùng trong nước.

Các nhà máy châu Á chao đảo vì kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt
Chỉ số PMI đồng loạt giảm cho thấy các nhà máy ở châu Á phải cắt giảm sản xuất do nhu cầu suy yếu. Nguồn: S&P Global

Nhà kinh tế S&P Global Maryam Baluch nhận xét: “Mặc dù sự suy thoái gần đây trong lĩnh vực sản xuất của ASEAN nhìn chung chỉ ở mức độ nhẹ, các dấu hiệu suy yếu về nhu cầu ngày càng tăng có thể dẫn đến việc cắt giảm sản lượng mới khi chúng ta bước sang năm 2024”.

Baluch cung cấp thêm rằng các nhà sản xuất ở khắp khu vực này đang trông đợi vào đà tăng của lượng đơn hàng mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2024.

Tuy nhiên, dữ liệu PMI mới nhất ở châu Á cho thấy rằng sự phục hồi có thể còn rất xa vời đối với trung tâm sản xuất của thế giới. Nó cũng báo hiệu thương mại toàn cầu sẽ phải đối mặt với một chặng đường gập ghềnh phía trước, khi đợt khô hạn El Nino khiến lạm phát lương thực quay trở lại, trong khi các cuộc tấn công ở biển Đỏ làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng các mặt hàng quan trọng như dầu mỏ.

Sự yếu kém vẫn đang tiếp diễn trong khu vực châu Á có khả năng gây nên nhiều trở ngại khác cho tăng trưởng toàn cầu - vốn được dự đoán sẽ chậm lại trong năm 2024.

>> Bloomberg: Không chỉ riêng Trung Quốc, khủng hoảng bất động sản đang lan rộng khắp châu Á

Những thách thức của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2024

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-nha-may-chau-a-chao-dao-vi-kinh-te-trung-quoc-phuc-hoi-yeu-ot-218104.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các nhà máy châu Á chao đảo vì kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu ớt
    POWERED BY ONECMS & INTECH