Vĩ mô

Các nước áp dụng nhiều biện pháp quản lý thương mại điện tử

Hoàng Nam 30/06/2024 - 21:00

Nhu cầu mua sắm trực tuyến gia tăng mạnh mẽ, với mỗi giây trôi qua, Amazon ghi nhận 19 đơn hàng. Theo Research and Markets, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) toàn cầu sẽ đạt 47,7 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tương ứng mức tăng trưởng trung bình 12,2% trong giai đoạn 2022 - 2030.

Để đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn cho thị trường TMĐT, các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý khác nhau.

Mỹ - đặt tiêu chuẩn cao cho nhà bán hàng

Hiểu được tầm quan trọng của TMĐT, Mỹ đã xây dựng hệ thống pháp lý hoàn chỉnh để quản lý lĩnh vực này. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm liên quan đến quảng cáo và thương mại trực tuyến.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với nhà bán hàng trên sàn TMĐT. Để được phép kinh doanh, họ phải tuân thủ nhiều quy định và luật lệ được đề ra, nhằm đảm bảo sự minh bạch và an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong thị trường.

Bảo vệ người tiêu dùng luôn được Mỹ đặt lên hàng đầu. Các sàn TMĐT được yêu cầu cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm, dịch vụ, chính sách hoàn trả và bảo hành. Nhờ vậy, người tiêu dùng có thể đưa ra lựa chọn mua sắm sáng suốt và được bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra.

Với hệ thống quản lý chặt chẽ và hiệu quả, TMĐT tại Mỹ đã đạt được những thành tựu to lớn. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, trong năm 2023, tổng doanh thu từ các sàn TMĐT chiếm đến 22% tổng doanh thu của ngành bán lẻ. TMĐT đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Mỹ, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới.

Theo Jessica Hauf, chuyên gia về quản lý TMĐT của công ty Tư vấn DN hàng đầu thế giới McKinsey, để TMĐT phát triển bền vững và đóng góp cho nền kinh tế, cần sự chung tay của tất cả các đơn vị liên quan trong mọi khâu. Trách nhiệm lớn nhất nằm ở người cung cấp sản phẩm và dịch vụ; họ cần đảm bảo chất lượng và sự an toàn cho người tiêu dùng.

Kho trữ hàng của Amazon tại Birmingham, Vương quốc Anh. Ảnh: Birmingham Live
Kho trữ hàng của Amazon tại Birmingham, Vương quốc Anh. Ảnh: Birmingham Live

CEO của Amazon, Jeff Bezos, từng phát biểu với truyền thông về triết lý kinh doanh của mình rằng “chúng tôi luôn lấy khách hàng làm trọng tâm, và đó là yếu tố then chốt dẫn đến thành công của Amazon ngày hôm nay”. Ông đã nhiều lần chia sẻ về ba nguyên tắc: “phải luôn khiến khách hàng hài lòng, tôn trọng tiếp thu ý kiến, và kiên nhẫn”. Nhờ áp dụng những nguyên tắc này, Amazon đã tạo dựng được lòng tin của khách hàng và gặt hái được những thành công vang dội, giữ vị trí dẫn đầu trong hơn 20 năm.

Châu Âu - tăng cường lợi ích người mua hàng

Ủy ban châu Âu (EC) đã thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để phá bỏ các rào cản trực tuyến, tạo điều kiện cho người dân EC tiếp cận đầy đủ và an toàn các hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trực tuyến bởi các DN trong khối.

Nhờ vậy, việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn cho người tiêu dùng châu Âu, bất kể họ ở đâu trong khối. EC yêu cầu mọi giao dịch mua bán trên các nền tảng trực tuyến trong EC phải thực hiện qua chuyển khoản ngân hàng để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật. Người bán và mua được thông tin chi tiết về các quy định về thanh toán và thuế.

EC bổ sung các quy định mới nhằm bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn trước các hành vi gian lận, lừa đảo trực tuyến. Quyền lợi của người tiêu dùng khi mua sắm nội dung và dịch vụ kỹ thuật số cũng được củng cố rõ ràng hơn.

Quyền cho người tiêu dùng mua sắm trực tuyến được chú trọng hơn từ năm 2018 với những đạo luật cải tiến. Người mua hàng có thời hạn 14 ngày để quyết định thanh toán kể từ ngày nhận sản phẩm, các công tác đổi trả được thực hiện dễ dàng. Người bán hàng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về thông số và nội dung của sản phẩm. Ngoài ra, các sàn TMĐT cũng có trách nhiệm thông tin cho khách hàng biết về nguồn gốc sản phẩm và tích cực hỗ trợ xử lý khiếu nại.

EC đã thiết lập các quy định để việc xóa bỏ những trang web và tài khoản mạng xã hội lừa đảo trở nên nhanh chóng hơn. Các nhà quản lý cũng thường xuyên yêu cầu thông tin để xác định hành vi bán hàng trực tuyến gian lận. EC áp dụng hệ thống quản lý thuế thống nhất giúp đơn giản hóa quy trình thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TMĐT.

Theo Giám đốc điều hành của công ty tư vấn thương mại toàn cầu Blue Pasture Advisor, ông Rob Novick, thị trường TMĐT của châu Âu đang triển khai song song hai công tác: hỗ trợ DN thực hiện nghĩa vụ pháp lý dễ dàng hơn và mở rộng cơ hội đến DN cỡ nhỏ. “Với sự phát triển và kết nối của công nghệ, các DN mới gia nhập thị trường dễ dàng hơn trước đây rất nhiều” - ông Rob Novick chia sẻ.

Trung Quốc - ứng dụng công nghệ và hỗ trợ doanh nghiệp

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ để quản lý và thúc đẩy sự phát triển của TMĐT. Khác với cách tiếp cận truyền thống, Trung Quốc sử dụng các nền tảng mạng xã hội như WeChat cho hoạt động TMĐT. Điều này giúp tích hợp các yếu tố tương tác xã hội, tiếp thị thông qua người ảnh hưởng, và tạo ra trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.

Chính phủ Trung Quốc thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của TMĐT thông qua các chính sách và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Sáng kiến "Con đường tơ lụa số" (Digital Silk Road) là một ví dụ điển hình nhằm mở rộng phạm vi TMĐT của Trung Quốc ra toàn cầu.

Để bán hàng trên nền tảng TMĐT như Taobao, người bán cần đáp ứng các yêu cầu pháp lý và tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về giao dịch tài chính. Cụ thể, người bán phải đăng ký kinh doanh hợp pháp, sở hữu mã số thuế cá nhân, và mở tài khoản ngân hàng tại Trung Quốc.

Quy trình này bao gồm việc xin giấy phép kinh doanh, thuê văn phòng thực tế tại Trung Quốc, và mở tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán. Toàn bộ giao dịch mua bán trên sàn TMĐT bắt buộc phải thực hiện qua ngân hàng, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.

Người bán phải nộp thuế thu nhập DN và thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các giao dịch TMĐT. Chính phủ Trung Quốc cung cấp các ưu đãi thuế cho các công ty đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và TMĐT tại các nước tham gia Sáng kiến Con đường tơ lụa số nhằm khuyến khích đầu tư.

Các khoản vay ưu đãi và trợ cấp cũng được cung cấp để thúc đẩy đầu tư và phát triển hạ tầng kỹ thuật số cho TMĐT.

Quản lý chặt chẽ các giao dịch tài chính là vô cùng quan trọng để ngăn chặn rửa tiền, gian lận tài chính, và các hoạt động bất hợp pháp khác trên Taobao. Hệ thống thanh toán điện tử như Alipay và WeChat Pay được khuyến khích sử dụng để tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong giao dịch TMĐT, đảm bảo an toàn và tin cậy cho mọi giao dịch.

>> Lazada bác bỏ tin đồn 'gã khổng lồ' TMĐT Alibaba thoái vốn

Viettel Post (VTP) sẽ hưởng lợi trực tiếp từ sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử

Dồn lực chống thất thu thuế thương mại điện tử

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/cac-nuoc-ap-dung-nhieu-bien-phap-quan-ly-thuong-mai-dien-tu.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Các nước áp dụng nhiều biện pháp quản lý thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS & INTECH