Tại Hội nghị Thượng đỉnh COP26 (vào tháng 11/2021), nhiều quốc gia và các nhà sản xuất ô tô hàng đầu đã cam kết loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.
Thái Lan là quốc gia có nền công nghiệp xe hơi phát triển nhất trong khu vực. Quốc gia này sản xuất khoảng 2 triệu xe mỗi năm và đang ráo riết cho các kế hoạch chuyển đổi sang xe điện. Năm ngoái, Thái Lan công bố lộ trình đưa 30% sản lượng ô tô là xe điện vào năm 2029 với nhiều chính sách thúc đẩy và thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp này.
Indonesia, nhà sản xuất Niken lớn nhất thế giới - thành phần quan trọng trong Pin Lithium - đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu xe điện.
Với lợi thế của mình, Indonesia đã đưa sản xuất pin trở thành phần cốt lõi trong chiến lược xe điện của riêng mình dựa trên nguồn tài nguyên khổng lồ là quặng Niken.
Quốc gia này đã cấm xuất khẩu Niken vào năm 2020 để bảo vệ ngành công nghiệp của mình nhờ thu hút các hãng sản xuất pin lớn đến đầu tư. Hãng sản xuất pin CATL (Trung Quốc) cam kết đầu tư 5 tỷ USD; LG Chem sẽ tham gia liên minh với Tập đoàn pin Indonesia (IBC) và Foxconn cũng thông báo sẽ sản xuất xe điện và pin ở Central Java (Indonesia).
Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển với VinFast, hãng xe mới đang khao khát chinh phục thị trường Mỹ và châu Âu. Việt Nam cũng đã có các chính sách để "đón đầu" làn sóng ô tô điện. Đáng kể là ưu đãi miễn lệ phí trước bạ cho người mua ô tô điện hay việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện để khuyến khích đầu tư, sản xuất.
VinFast cũng công bố kế hoạch mở các cơ sở sản xuất tại Mỹ vào năm 2024 và Đức vào năm 2025. Tại Việt Nam, hãng xe cũng đang xây dựng một nhà máy pin trị giá 174 triệu USD, ban đầu sẽ sản xuất 100.000 bộ pin và có thể đạt công suất lên tới 1 triệu.