Các siêu dự án tỷ đô trên đất "vàng" của Vạn Thịnh Phát giờ ra sao?
Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm nhiều bất động sản vị trí đắc địa. Chỉ riêng cung đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn – phố đi bộ Nguyễn Huệ, tập đoàn này đã "nắm trong tay" hàng loạt tòa nhà lớn.
Sau khi công an vào cuộc điều tra vụ án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trụ sở chính của doanh nghiệp ngày đã cửa đóng then cài suốt nhiều tháng qua. Vậy các dự án bất động sản có liên quan đến Vạn Thịnh Phát vẫn hoạt động bình thường hay cũng “đắp chiếu” như trụ sở công ty là câu hỏi nhiều người đặt ra.
Trước đó, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thâu tóm được nhiều bất động sản thuộc vị trí đắc địa. Chỉ riêng trên cung đường đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn – phố đi bộ Nguyễn Huệ, tập đoàn này đã nắm trong tay hàng loạt dự án lớn như Time Square, Union Square…
Ngoài ra tập đoàn này còn sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như: Sai Gon Peninsuila, The Garden Mall, Saigon One Tower, An Đông Plaza – Winsor Hotel… Tuy nhiên, đa phần các dự án đang bất động hoặc hoạt động cầm chừng, vắng khách.
Dự án Sai Gon Peninsula
Sai Gon Peninsula có diện tích 118ha tại mặt tiền đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM; sở hữu tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD.
Dự án này Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ký hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài gồm Pavilion Group và Genting Group để cùng phát triển. Trong đó, CTCP Tập đoàn Sài Gòn Penisula là liên danh được lập ra để thực hiện dự án. Pavilion Group giữ vai trò chủ đạo trong quy hoạch tổng thể và triển khai xây dựng công trình điểm nhấn gồm trung tâm thương mại bán lẻ kết hợp với khách sạn 5 sao, khu căn hộ cao cấp và biệt thự nghỉ dưỡng cùng các cao ốc văn phòng hạng A...
Được biết, dự án được khởi công từ tháng 4/2016, nhưng hiện vẫn đang được quây tôn bao kín xung quanh. Bên trong gần như không có bóng dáng công nhân xây dựng.
Sau vụ việc bà Trương Mỹ Lan bị tạm giam và khởi tố hình sự, dự án chưa biết đến bao giờ mới khởi động trở lại.
Trung tâm thương mại Thuận Kiều
Một dự án khác là Thuận Kiều Plaza được CTCP An Đông (Công ty con của Vạn Thịnh Phát) mua lại vào năm 2015. Dự án là một khu cao ốc gồm 3 tầng có tổng diện tích sàn trên 24.000m2, trong đó diện tích kinh doanh 13.000m2 với nhiều tiện ích, dịch vụ, trong đó có cả nhà hát Théatre de ChoLon.
Sau khi về tay Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, dự án đã được đổi tên là The Garden Mall và được đồn đoán sẽ bị đập bỏ toàn bộ để thay bằng một dự án khác.
Tại thời điểm khai trương vào khoảng cuối năm 2017, rất nhiều thương hiệu nổi tiếng đã về đây thuê mặt bằng mở cửa hàng sau nhiều năm bỏ hoang. Nhưng đến hiện tại, tất cả các cửa hàng đã đóng cửa vì buôn bán quá ế ẩm.
Trước khi sang tay Vạn Thịnh Phát, Thuận Kiều Plaza do Công ty xây dựng thương mại Sài Gòn 5 (nay thuộc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn TNHH MTV) cùng hợp tác với Công ty Kings Harmony Intl Ltd (Hong Kong) xây dựng, trong đó phía Việt Nam góp 25%, tổng số vốn ước tính khoảng 55 triệu USD.
Dự án được khởi công từ năm 1994 và hoàn thành vào năm 1998, tòa nhà nằm tại khu vực sầm uất nhất của quận 5, Thuận Kiều nằm giáp 4 tuyến đường lớn là Thuận Kiều, Hồng Bàng, Dương Tử Ngang và Tân Hưng. Đặc biệt với vị trí gần khu Chợ Lớn - khu người Hoa sinh sống, buôn bán sầm uất nên khi vừa ra mắt, giá 1m2 mặt bằng kinh doanh trong Thuận Kiều có giá từ 150.000 đồng - 300.000 đồng (mức giá cao nhất tại Sài Gòn thời điểm đó).
Đến năm 2002, nhiều thông tin thất thiệt liên quan tới tâm linh lan truyền mạnh khiến các hộ dân đang buôn bán và sinh sống tại đây lần lượt tháo chạy khiến Thuận Kiều Plaza rơi vào cảnh "vườn không nhà trống".
Biệt thự cổ 700 tỷ nằm giữa quận 3
Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chi 700 tỷ đồng mua căn biệt thự cổ 3 mặt tiền đường Võ Văn Tần - Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Thị Diệu (quận 3, TP.HCM).
Sau khi rót khoản tiền lớn để mua căn biệt thự cổ xây dựng theo kiến trúc thời Pháp này, chủ nhân cũng để đó, không tiến hành xây dựng hay sửa chữa khai thác.
Căn biệt thự này trước đây có tên biệt thự Phương Nam do hai cụ Đặng Kim Chi (sinh năm 1938) và Nguyễn Kim Sa Dang (sinh năm 1934) là chủ sở hữu.
Căn nhà được xây dựng trên khu đất 2.819m2 theo kiến trúc Pháp cổ, là nhà cấp 2, 3 gồm 2 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 2.000m2. Khi thị trường bất động sản sôi động, căn nhà trên đã được rao bán với giá 47 triệu USD.
Ngay sau khi mua lại căn biệt thự này, bà Trương Mỹ Lan đã cho trùng tu lại theo nguyên bản vào năm 2019. Sở Xây dựng TP.HCM đã cấp phép xây dựng cho Công ty Stonewest Limited của Singapore là nhà thầu của công trình. Do căn biệt thự cổ nằm trong danh sách được bảo tồn nên chủ công trình chỉ được trùng tu, sửa chữa nguyên trạng mà không được xây dựng mới. Dự kiến tòa nhà sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, khi gần hoàn thành thì dự án phải dừng thi công.
Hiện tại, căn biệt thự này vẫn kín cổng cao tường, không ghi nhận có hoạt động nào bên trong. Phía bên ngoài, nhiều người bán hàng rong tụ tập, buôn bán nhộn nhịp.
Cao ốc Times Square
Dự án toạ lạc tại số 22-36 Nguyễn Huệ và và 57-69F Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh, góc đường đắt đỏ bậc nhất Sài thành, tòa nhà Times Square của Vạn Thịnh Phát được giới bất động sản ví như “viên ngọc quý” giữa lòng trung tâm Sài Gòn hoa lệ.
Khởi công vào năm 2007, toà cao ốc này có quy mô 3 tầng hầm và 39 tầng nổi, với tổng diện tích xây dựng khoảng 90.000m2. Với chiều cao lên tới gần 165m, Times Square là toà nhà sở hữu bãi đậu trực thăng trên sân thượng. Đây cũng là nơi tổ chức lễ cưới của Trương Huệ Vân - cháu gái bà Trương Mỹ Lan, cũng là doanh nhân thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương, với nhạc sỹ Thanh Bùi vào năm 2013.
Hiện tại tòa nhà này vẫn hoạt động bình thường, đang là nơi tập trung của các trụ sở công ty như: Chi nhánh các công ty thành viên của Deloitte Việt Nam; chi nhánh ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation, CTCP Đầu tư Times Square Việt Nam…
Trung tâm thương mại Vincom A (Union Square)
Một trong những sự kiện đầu tiên khiến cho Vạn Thịnh Phát bắt đầu được dư luận chú ý là vào hồi tháng 6/2013, doanh nghiệp này được cho là có liên quan đến nhóm cổ đông của ngân hàng Sài Gòn (SCB) và tập đoàn VIPD - đơn vị đã bỏ ra số tiền lên tới 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A (TP.HCM), sau đó đổi tên thành Union Square.
Union Square nằm ngay đầu phố Nguyễn Huệ, giáp 4 mặt tiền đường và gần kề với trụ sở UBND TP.HCM - dự án nổi bật trên tuyến đường đắt đỏ ở TP.HCM.
Nơi này có tổng diện tích sàn lên đến 91.000m2, quy mô 6 tầng hầm và 9 tầng nổi, trong đó có 5 tầng nổi là khách sạn 5 sao. Tuy nhiên nơi này hiện chỉ sử dụng tầng 1 - 2 cho các thương hiệu thời trang, nội thất thuê làm cửa hàng và 1 tầng hầm làm bãi đậu xe. Mặt bằng 2 tầng rộng lớn hơn nghìn mét vuông nói trên chỉ có khoảng 20 cửa hàng, phần còn lại bỏ trống.
An Đông Plaza – Winsor Hotel
An Đông Plaza – Winsor Hotel (18 đường An Dương Vương, quận 5, TP.HCM) có tổng vốn đầu tư hơn gần 1.300 tỷ đồng với tòa nhà cao 25 tầng và trung tâm thương mại, hội nghị.
Trong đó, Windsor Hotel là khách sạn đầu tiên do tư nhân Việt Nam đầu tư và quản lý, đạt tiêu chuẩn 5 sao của Tổng cục Du lịch Việt Nam, bao gồm 400 phòng lưu trú, trung tâm thương mại, các nhà hàng đặc sắc, phòng hội nghị có sức chứa đến 1.800 người và nhiều tiện nghi giải trí.
Thời điểm hiện tại, An Đông Plaza – Winsor Hotel vẫn hoạt động bình thường nhưng lại rơi vào trạng thái khá vắng khách.
>> Nhà ga sân bay Long Thành 35.000 tỷ dần lộ diện sau 2 tháng thi công
Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Cục trưởng thanh tra xin giảm nhẹ để về trị bệnh
Vụ Vạn Thịnh Phát: Một công ty Hàn Quốc muốn đầu tư vào các dự án bị kê biên của bà Trương Mỹ Lan