Các xu hướng thị trường bán lẻ năm 2022

01-02-2022 22:53|Nam Anh

Dưới đây là một số xu hướng bán lẻ chủ yếu của năm 2022, được các chuyên gia trong và ngoài nước khuyến cáo, các nhà bán lẻ cần quan tâm.

Bán hàng trực tuyến không thể đảo ngược

Mua sắm trực tuyến là điều thiết yếu cho người tiêu dùng và là cơ hội lớn cho nhà bán lẻ. Ngày nay, người tiêu dùng thực hiện 37% giao dịch mua sắm hàng tháng của họ trực tuyến và các nhà bán lẻ nỗ lực đáp ứng một cách nhanh chóng những nhu cầu đó. Với bán hàng trực tuyến, nhà bán lẻ độc lập không chỉ kết nối với khách hàng tại địa phương mà còn có thể mở rộng phạm vi tiếp cận của mình đến các địa phương khác trong một quốc gia và ra thị trường quốc tế.

Trên thực tế, trong số các nhà bán lẻ có kênh trực tuyến, 51% doanh thu của họ hiện nay đến từ bán hàng trực tuyến. Để bán hàng trực tuyến thật hiệu quả, David Rusenko, Giám đốc Thương mại điện tử tại Square for Retail cho biết: “… bạn thực sự cần vận hành các hoạt động kinh doanh của mình một cách kỹ thuật số/với sự trợ giúp của các công cụ số” (using digital tools).

Các công cụ đa kênh đang tạo ra nhiều trải nghiệm mua sắm có ý nghĩa hơn

Mặc dù có sự chuyển dịch khá rầm rộ sang Thương mại điện tử nhưng trên thị trường bán lẻ không chỉ đơn độc kênh bán hàng Online mà tầm quan trọng của chiến lược đa kênh đã được khẳng định vài năm gần đây và đa kênh tiếp tục là một trong những xu hướng của năm 2022 và tương lai.

Theo Khảo sát của Tạp chí Kinh doanh Harvard (Harvard Business Review), 73% trong số 46.000 người tiêu dùng đánh giá cao trải nghiệm đa kênh của cửa hàng online cho thấy các công cụ đa kênh đóng vai trò rất quan trọng với thị trường bán lẻ hiện đại. 97% cửa hàng online áp dụng bán lẻ đa kênh. Trong đó, hơn 54% chủ shop sở hữu 5 kênh bán hàng (Báo cáo thường niên năm 2018 của Sapo).

Có thể nhấn mạnh rằng, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao và sử dụng trải nghiệm đa kênh linh hoạt như mua hàng trực tuyến và nhận hoặc trả lại tại cửa hàng. Thói quen mua sắm đang phát triển và một giải pháp tích hợp kết nối nhiều kênh với nhau, hợp lý hóa các hoạt động trước và sau bán hàng được coi là có thể giúp các nhà bán lẻ tìm thấy thành công.

tmdt.jpeg

Thương mại xã hội là một trong những xu hướng kỹ thuật số lớn nhất trong ngành bán lẻ và sẽ bùng nổ trong 2022

Từ việc bán hàng trên Instagram đến việc tung ra một cửa hàng trực tuyến, các nhà bán lẻ đang thử nghiệm nhiều cách để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Bối cảnh đa kênh mới này rất thú vị, với 75% nhà bán lẻ được khảo sát hiện đang bán hàng trên mạng xã hội.

Cũng theo Square for Retail, 43% nhà bán lẻ bán hàng trên các nền tảng xã hội cho biết một nửa hoặc nhiều hơn doanh thu của họ đến từ việc bán hàng trên mạng xã hội. Facebook, Instagram, Twitter và TikTok … được coi là mang về cho các nhà bán lẻ nhiều doanh thu nhất. Vì vậy, không có gì lạ khi các chuyên gia cho rằng, thương mại xã hội đã trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc tạo ra tỉ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư. Đây chính là kết quả kinh doanh về hiệu suất của doanh nghiệp.

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội trên thế giới, Việt Nam đã ra mắt nhiều mạng xã hội cạnh tranh với các ông lớn như Facebook, Instagram,… tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có nhiều người dùng Việt Nam biết tới những trang mạng xã hội thuần Việt như: Zing Me, Zalo, Lotus, Gapo, Biztime, Vietnamta… và khách hàng sử dụng các mạng này chủ yếu ở góc độ giải trí hơn là mua sắm hàng hóa trực tuyến.

Ngành bán lẻ và nền kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững trên thế giới, đây là xu hướng của tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ góc độ của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ muốn phát triển bền vững phải chú trọng đến kinh tế tuần hoàn. Một nghiên cứu sơ bộ của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam gần đây về thị trường bán lẻ của một số nước trên thế giới đã cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa nền kinh tế tuần hoàn với các hoạt động bán lẻ muôn màu sắc và vai trò của các nhà bán lẻ trong việc định hình, khuyến khích và phát triển nền kinh tế tuần hoàn, mang lại những cơ hội lớn cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Kinh tế tuần hoàn bước đầu đang được thực hiện khá linh hoạt trong các lĩnh vực bán lẻ khác nhau như thời trang (Thời trang tuần hoàn thay thế cho Thời trang nhanh); bán lẻ sản phẩm điện và điện tử; bán lẻ đồ nội thất; mua bán đồ cũ; lĩnh vực nhà hàng và quán ăn; v.v..

Các vấn đề Logistics trong bán lẻ và giao hàng nhanh ngày càng được coi trọng

Ưu tiên hàng đầu của khách hàng là được giao hàng nhanh.

Theo Stuart Logistics, 72% khách hàng cho biết họ sẽ mua nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn nếu được giao hàng trong ngày. Tuy nhiên, không phải nhà bán lẻ nào cũng đáp ứng được yêu cầu này do các bất cập và khó khăn về logistics và chuỗi cung ứng, nhất là trong thời buổi đại dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, các sàn thương mại điện tử hàng đầu và các nhà bán lẻ nói chung cũng rất nỗ lực để đáp ứng nhu cầu này. Tiki đi tiên phong với dịch vụ TikiNOW, giao hàng trong vòng 2 giờ chỉ giá dịch vụ chỉ 29.000 đồng; Lazada cũng triển khai giao hàng hỏa tốc trong ngày; Shopee trong vòng 4 giờ , Sendo 3 giờ… Các dịch vụ giao hàng trong ngày hầu hết đều có mức phí khá ưu đãi hoặc miễn phí trong một số trường hợp.

Máy bán hàng tự động: Mới mà cũ, cũ mà mới

Tại Việt Nam, máy bán hàng tự động trải qua một lịch sử khá thăng trầm, việc sử dụng rộ lên vào khoảng giữa năm 2016 và được khá đông người dân ủng hộ. Với nhiều tiện ích cho cả người dùng và nhà đầu tư/nhà bán lẻ khởi nghiệp, hệ thống máy bán hàng tự động được kỳ vọng là phù hợp với quốc gia có lượng khách du lịch nước ngoài nhiều như Việt Nam, tạo được hình ảnh đẹp và thân thiện trong mắt những du khách, và hơn thế nữa, thay thế hàng rong vỉa hè. Nhưng, đáng tiếc thực tế lại không được như mong muốn.

may.jpeg

Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, máy bán hàng tự động ngày nay đã có phiên bản máy bán hàng thông minh thế hệ mới. Bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đa dạng hình thức thanh toán và tiện ích khi mua sản phẩm chính là những điểm mới của máy bán hàng tự động thông minh, dự báo sẽ “lên ngôi” và giữ vững vị trí trong xu hướng ngành bán lẻ năm 2022.

Một số định dạng bán hàng hiện đại trở nên phổ biến hơn

Livestream trên thị trường bán lẻ được dự đoán tiếp tục đứng vững trong năm 2022 và tương lai. Với các điểm mạnh nổi bật của mình như tăng độ tương tác vô cùng lớn với khách hàng với chi phí hầu như bằng không; khai thác lợi ích tối đa từ tâm lí khách hàng đều muốn xem sản phẩm một cách chân thật, chi tiết nhất; tính chủ động cao cho người bán hàng… không có gì lạ khi ngày càng nhiều các nhà bán lẻ đủ mọi quy mô và thành phần đang và sẽ đưa việc livestream trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram…vào kế hoạch bán hàng của mình như một phần tất yếu để tăng doanh thu.

Ứng dụng thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) là một chiến lược khác mà các nhà bán lẻ đang sử dụng để giúp khách hàng trải nghiệm sản phẩm trước khi thêm vào giỏ hàng của họ và công nghệ VR có thể là một cách hiệu quả để cải thiện trải nghiệm thử tổng thể trước khi mua. Những lợi thế của công nghệ AR như hình ảnh 3D, trình diễn sản phẩm và dùng thử ảo … giúp giảm đáng kể tỷ lệ trả hàng cho các nhà bán lẻ và có thể làm tăng cao tỉ lệ quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Công nghệ đang cách mạng hóa trải nghiệm của khách hàng và không ít nhà bán lẻ sẽ đầu tư nhiều hơn vào VR và AR để tăng trải nghiệm phong phú hơn cho khách hàng năm 2022.

Sự lên ngôi của kinh doanh hàng hóa đã qua sử dụng. Dự báo thị trường đồ cũ, đặc biệt là kinh doanh các mặt hàng xa xỉ second-hand, trên các kênh trực tuyến và ngoại tuyến sẽ tăng trưởng gấp đôi trong vòng 5 năm tới. Ngoài giá cả thấp hơn, khía cạnh bền vững của bán lẻ hàng hóa đã qua sử dụng (được coi là một trong các hình thức kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực bán lẻ) là động lực chính của sự lên ngôi này.

Quy mô thị trường bán lẻ dự báo đạt xấp xỉ 500 tỷ USD, đâu là tứ trụ cổ phiếu tiêu dùng năm 2025?

'Gã khổng lồ' bán lẻ Thái Lan thu về gần 28.000 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam sau 9 tháng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-xu-huong-thi-truong-ban-le-nam-2022-131708.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Các xu hướng thị trường bán lẻ năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH