Đảo quốc sư tử Singapore đang già hóa nhanh chóng. Đến năm 2030, ước tính cứ 4 người Singapore lại có một người từ 65 tuổi trở lên.
Hình ảnh người già tiếp tục làm việc trong những năm tháng hưu trí không còn là hiếm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề già hóa dân số, thiếu lao động đã được giải quyết phần nào nhờ lực lượng “tóc bạc” này.
Bài 1: Lý do người cao tuổi ‘chiếm lĩnh’ thị trường lao động ở Hàn Quốc
Những năm gần đây, tuổi thọ của người Singapore ngày càng cao hơn. Tỷ lệ kết hôn thấp và sinh ít con khiến nhiều người cao tuổi cuối đời thường phải sống một mình. Bên cạnh việc nâng cao chăm sóc sức khỏe, Singapore còn hỗ trợ người cao tuổi có việc làm, cũng như duy trì sự kết nối và tương tác với xã hội.
Vào năm 2022, Singapore đã nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động từ 62 lên 63 tuổi, và tuổi đi làm lại (tiếp tục tham gia thị trường lao động) từ 67 lên 68 tuổi. Chính phủ Singapore còn đặt mục tiêu nâng tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi, và tuổi đi làm lại lên 70 tuổi vào năm 2030.
Cũng trong năm 2022, đối với người cao tuổi từ 65 - 69 tuổi đã có 47,5% có việc làm, tăng khoảng 3% so với năm 2019. Đối với những người từ 55 - 64 tuổi, tỷ lệ có việc làm đã tăng lên 70,6% vào năm 2022, so với mức 67,6% vào năm 2019.
Để hỗ trợ việc làm cho người lao động cao tuổi, Chính phủ Singapore đã xây dựng khoản trợ cấp và chương trình tín dụng. Theo đó, Singapore sẽ gia hạn tín dụng việc làm cho người cao niên từ năm 2023 - 2025 để cung cấp các khoản bù đắp tiền lương cho người sử dụng lao động từ 60 tuổi trở lên, và khoản tiền này có thể lên tới 4.000 đôla Singapore/tháng.
Trước đó, khi khoản tín dụng việc làm này được triển khai vào năm 2020, người sử dụng lao động thuê nhân công từ 55 tuổi trở lên có thể nhận được khoản hỗ trợ lên tới 8% tiền lương hàng tháng của người lao động. Mục đích là khuyến khích người sử dụng lao động cam kết tạo cơ hội việc làm bán thời gian cho nhân viên cao tuổi.
Tính đến tháng 9/2022, chương trình tín dụng dành cho người lao động cao tuổi đã giải ngân hơn 450 triệu đôla Singapore, mang lại lợi ích cho gần 100.000 người sử dụng lao động, và hơn 460.000 người lao động cao tuổi.
Trong năm 2022, những người già tìm việc làm bao gồm khoảng 58% là nam và 42% là nữ. Năm ngành nghề hàng đầu sử dụng nhiều lao động từ 65 tuổi trở lên nhất ở Singapore là thương mại bán buôn và bán lẻ; dịch vụ hành chính và hỗ trợ; vận tải và kho bãi; lưu trú và ăn uống; sản xuất.
“Công việc giúp tôi năng động hơn"
“Không ngừng học, không ngừng dạy học” là câu thần chú của ông Thirumaran Thangaraju (63 tuổi), một giáo viên dạy tiếng Tamil đã làm việc tại trường Trung học Woodlands kể từ khi ngôi trường được thành lập vào năm 1982.
Ông đã nghỉ hưu vào tháng 12/2022, nhưng quyết định tiếp tục công việc dạy học để truyền niềm yêu thích ngôn ngữ cho các học trò.
“Làm việc với học sinh luôn mang lại năng lượng mới cho tôi, và tôi đánh giá cao sự tương tác mà tôi có với học sinh và các đồng nghiệp”, ông Thangaraju nói.
Theo tờ Straits Times, số liệu của Bộ Giáo dục Singapore cho thấy tính trung bình từ năm 2020 - 2022, gần 70% giáo viên nghỉ hưu ở tuổi 63 đủ điều kiện để được tái tuyển dụng hàng năm. Những người được tái tuyển dụng cần đáp ứng đủ các tiêu chí về hiệu suất công việc, đạo đức và sức khỏe.
Ông Leslie Danker (84 tuổi) đang làm việc bán thời gian chuyên tổ chức các chuyến tham quan lịch sử tại khách sạn Raffles. Ông là 1 trong 18 người lao động trên 65 tuổi đang làm việc toàn thời gian hoặc bán thời gian tại khách sạn.
“Sau 51 năm gắn bó với Raffles Hotel Singapore, tôi vẫn mong muốn được đến làm việc mỗi ngày, vì tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và kỷ niệm cá nhân về khách sạn mang tính biểu tượng với các khách hàng, đồng nghiệp và công chúng để duy trì sự phong phú của các di sản”, ông Danker tâm sự.
Bà Edna Goh (68 tuổi) làm việc tại công ty UOB, ngay sau khi bà nghỉ hưu vào tháng 12/2021. Công việc của bà là giúp khách hàng giải đáp thắc mắc vào các ngày trong tuần từ 9h30 - 16h30.
“Sau khi nghỉ hưu, tôi cảm thấy buồn chán sau mỗi ngày thức dậy. Bây giờ tôi đã có nơi để đi và có thể kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt và đi lại”, bà Goh chia sẻ.
Bà Emily Tann (70 tuổi) từng đi tìm việc làm trong 6 tháng trước khi tìm được công việc bán hàng tạp hóa trên ứng dụng FastGig. Bà làm việc theo ca từ 11h – 18h30, hoặc từ 14h30 - 22h, với công việc chọn hàng cho các đơn đặt hàng trực tuyến của siêu thị.
“Nó giúp tôi trang trải chi phí sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe cá nhân. Tôi thích thời gian linh hoạt, và công việc giúp tôi luôn năng động”, bà Tann cho biết.
Bài 3: Vì sao Trung Quốc kêu gọi người cao tuổi trở lại làm việc?
Từ 1/7/2025, người 60 tuổi không có lương hưu được hưởng chính sách gì?
Trường mẫu giáo biến thành nhà dưỡng lão, 'nền kinh tế bạc’ lên ngôi ở Trung Quốc