Cách 'sống hòa bình' với tiểu đường, căn bệnh gần 5 triệu người Việt mắc phải
Từ ngày được chẩn đoán tiểu đường, ông B. chuyển sang cà phê đen không đường, không sữa. Chưa một ngày nào ông quên uống thuốc, ngay cả khi đi du lịch dài ngày cũng chuẩn bị đầy đủ.
8 năm trước, ông P.B.B (68 tuổi, Đồng Nai) đột ngột sụt cân và hay mệt, vã mồ hôi. Ông âm thầm chịu đựng vì bệnh viện tỉnh cách nhà khoảng 100km. Khoảng 1 tháng sau, ông quá mệt mỏi nên được con gái đưa thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) khám tổng quát, phát hiện bị đái tháo đường (tiểu đường) type 2.
“Lúc đầu tôi cũng sốc lắm vì bác sĩ dặn dò phải uống thuốc suốt đời và rất kỹ chuyện ăn uống, sinh hoạt. Cuộc sống giống như sang một trang mới, không thoải mái như trước”, ông B. tâm sự. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc khoảng 1 tháng, sức khỏe ông phục hồi rõ ràng.
Kể từ thời điểm mắc bệnh, ông B. chuyển sang uống cà phê không đường, không ăn đồ ngọt, bỏ hẳn rượu bia. Mỗi tuần, ông ra trạm y tế kiểm tra đường huyết và nhận thuốc bảo hiểm y tế theo lịch.
“Tám năm qua tôi không bỏ thuốc một ngày nào. Mới đây, nhân một chuyến đi chơi, tôi đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh ở TP.HCM. Bác sĩ bảo đường huyết tốt, không tăng huyết áp và dặn cứ duy trì thuốc thang, cách sinh hoạt như cũ”, ông B. vui vẻ chia sẻ.
Người em họ của ông B. là bà N.T.H (52 tuổi, Đồng Nai) cũng được chẩn đoán tiểu đường nặng sau một thời gian sụt cân kéo dài. Từ một người thừa cân, bà giảm gần 7kg không rõ nguyên nhân. Trong một lần ăn nhãn, bà H. bỗng nhiên thấy choáng váng, cảm giác như sắp ngất đi.
“Xét nghiệm mới biết mình bị đái tháo đường nặng và tăng huyết áp, phải điều trị lâu dài. Tuần đầu tiên uống thuốc, tôi mệt mỏi như mất hết sức lực. Việc thay đổi ăn uống rất khổ sở, thấy người khác ăn đồ ngọt là tôi phải đi chỗ khác cho đỡ thèm.
Bác sĩ nói tôi đã bị đái tháo đường nhiều tháng rồi mà không biết nên ngày càng nặng, nếu tôi không tuân thủ thì rất dễ biến chứng sang bệnh thận và tim mạch”, bà H. tâm sự. Bà cũng phải mua máy đo huyết áp và máy đo đường huyết tại nhà để kiểm soát tình hình.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Ngọc Anh, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), tăng huyết áp là bệnh lý thường gặp nhất trên những người mắc đái tháo đường. Để kiểm soát, người bệnh có thể đo huyết áp tại nhà hoặc mỗi khi đi khám, mức huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên cần được bác sĩ đánh giá và điều trị.
Đái tháo đường là một bệnh lý chuyển hóa, mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết kéo dài, dẫn đến các tổn thương nghiêm trọng cho các cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh.
Bệnh đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ 2-4 lần và tăng 2-4 lần nguy cơ bị đột quỵ so với so với người không bị đái tháo đường. Cứ 24 giờ trôi qua, ở Mỹ lại có thêm 17.280 bệnh nhân đái tháo đường mới nhưng vẫn còn 5% bệnh nhân chưa phát hiện được.
Một khảo sát cắt ngang trên 11.500 người bệnh đái tháo đường type 2 tại 33 quốc gia còn cho thấy 56% trường hợp có bệnh thận mạn. Đây là tần suất rất cao, nguy cơ tử vong của người bệnh khi đó cũng tăng cao.
Do đó, người bệnh cần kiểm soát tốt kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu, giảm cân và ngừng hút thuốc lá, làm chậm diễn tiến đến tổn thương các cơ quan. Đồng thời, cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng phù hợp theo tư vấn của bác sĩ, duy trì tập luyện và vận động phù hợp. Cần tầm soát sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, can thiệp, tránh hậu quả nặng nề như mù loà, đoạn chi, suy thận…
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam cho hay điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỷ lệ hiện mắc đái tháo đường của người từ 18-69 tuổi tại Việt Nam là hơn 4,5 triệu người. Tuy nhiên chỉ có hơn 31% bệnh nhân bị đái tháo đường được phát hiện, số còn lại vẫn chưa được chẩn đoán.
Đây là căn bệnh không lây nhiễm gây ra gánh nặng thương tật rất lớn như mù loà, suy thận, cắt cụt chi, thậm chí khiến người bệnh tử vong.
8 thói quen duy trì hàng ngày có thể đánh mất 20 năm tuổi thọ
Nghiên cứu kết luận món ăn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đến 21%