Mỗi lần nghĩ lại, chồng tôi lại nói rằng trước đó quá liều mới cầm 100 triệu đồng đi mua nhà 1,5 tỷ đồng.
Tôi 33 tuổi, chồng 38 tuổi, từ quê lên thành phố sinh sống và làm việc. Sau 7 năm kết hôn, chúng tôi có 3 con, 1 gái 2 trai. Những năm đầu ở thành phố, chúng tôi thuê nhà với chi phí khoảng 5-7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc đi thuê nhà ở không ổn định, chúng tôi thường xuyên phải chuyển nhà. Dù đông người, nhiều đồ đạc nhưng có năm gia đình tôi chuyển đến 5, 7 lần khiến tôi vô cùng mệt mỏi. Hai vợ chồng tôi quyết định mua nhà chung cư để ở.
Chúng tôi nhẩm tính rằng cố tiền thuê nhà hàng tháng chính là tiền trả nợ và lãi ngân hàng hàng tháng. Dù sao cũng mất số chi phí đó nhưng lại có nhà của riêng mình, ở thoải mái, ổn định không lo đến việc chủ nhà đột xuất lấy nhà phải chuyển đi nữa. Vì thế, chỉ có 100 triệu đồng tiền mặt, hai vợ chồng vay mượn thêm bạn bè, nhờ người thân ở quê cắm sổ đỏ, vay ngân hàng để mua nhà. Căn nhà hơn 60m2 có 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh có giá 1,5 tỷ đồng. Số tiền chúng tôi phải vay lên đến 1,4 tỷ đồng nhưng vẫn quyết liều mua nhà.
Hai vợ chồng tôi có một shop bán đồ thể thao nhỏ, trước dịch mỗi tháng thu về khoảng 70 triệu đồng. Trừ chi phí vốn, tiền để quay vòng vốn, chi phí sinh hoạt ăn uống, tiền học của các con mỗi tháng dư được khoảng 30-40 triệu đồng. Chồng tôi cho rằng chỉ khoảng 3-4 năm sẽ trả hết nợ.
Người ta vẫn nói "tính trước bước không qua", vừa mua nhà xong thì dịch bệnh ập đến, cửa hàng kinh doanh khó khăn hơn rất nhiều. Có những ngày mở cửa hàng từ sáng sớm đến tối muộn 9, 10h đêm vẫn không có ai vào mua hàng. Thứ 7, chủ nhật cũng không dám nghỉ, chỉ lo không mở cửa hàng khách đến không thấy lại mất khách. Từ mỗi tháng 70 triệu, thu nhập của vợ chồng tôi giảm còn 20-30 triệu, chỉ vừa đủ chi phí kinh doanh và sinh hoạt.
Chưa kể, số tiền vay từ bạn bè và người thân cũng bất ngờ bị giục trả vì người làm nhà, người làm ăn thua lỗ cần tiền... Chính vì thế, vợ chồng tôi xoay như chong chóng, vay chỗ nọ đắp vào chỗ kia.
Sau 3 năm mua nhà, chúng tôi vẫn còn số nợ 1,1 tỷ đồng. Trong khi đó, tình hình kinh doanh vẫn khó khăn do suy thoái kinh tế chung. Các con ngày càng lớn, chi phí ăn uống, sinh hoạt ngày càng tăng nên khó khăn chồng chất khó khan. Mỗi lần nghĩ lại, chồng tôi lại nói rằng trước đó quá liều mới cầm 100 triệu đồng đi mua nhà 1,5 tỷ đồng.
Tính thêm nhiều phương án, chồng tôi quyết định vay tiền đi xuất khẩu lao động nhưng tôi không đồng ý. Một mình tôi vừa kinh doanh vừa chăm 3 con thật sự không xuể. Đưa đón con đi học, nấu nướng ăn trưa, ăn tối, chăm sóc các con đã khiến tôi không kịp thở, đừng nói thêm kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại chúng tôi vẫn chưa có thêm phương án mới. Liệu chúng tôi có phải bán căn nhà đang ở đi để trả nợ, trở về những ngày tháng đi thuê nhà?
Mang 2 bằng đại học đi chạy xe ôm công nghệ, tài xế mua nhà sau 1 năm
Đa số người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam đều chọn chung cư, đầu tư chờ tăng giá