Cạm bẫy T+0 và ham thú "đi tàu nhanh" của nhà đầu tư chứng khoán

29-06-2022 12:35|Trần Trung

Thời gian gần đây, trên các không gian mạng như zalo, facebook xuất hiện một số hội nhóm, group hô hào, mời chào, lôi kéo nhà đầu tư giao dịch mua và bán cổ phiếu trong ngày (T+0) hoặc đầu tư vào một số mã cổ phiếu sẽ đem lại tỷ lệ sinh lời rất cao.

Theo quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, nhà đầu tư không phân biệt cá nhân hay tổ chức đều giao dịch theo chu kỳ T+3 trên thị trường chứng khoán cơ sở.

Ví dụ, sau khi giao dịch mua thành công, đến 16h30 sau 2 ngày làm việc, tức là ngày T+2 cổ phiếu mới về tài khoản và vào ngày làm việc tiếp theo (tức ngày T+3) mới có thể bán. Tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện một số nhóm Zalo hô hào các nhà đầu tư góp vốn để có thể giao dịch T+0, tức có thể mua và bán cổ phiếu cơ sở ngay trong ngày. Đặc biệt, hoạt động của các nhóm này có rất nhiều điểm bất thường.

Theo chia sẻ của một nhà đầu tư trong nhóm, ban đầu có người gọi điện tự xưng là nhân viên của công ty tư vấn đầu tư mời chào tham gia vào nhóm Zalo để chia sẻ cơ hội đầu tư chứng khoán.

Sau khi được thêm vào nhóm, người này được hướng dẫn cài đặt ứng dụng có tên là StockX qua một đường link, sau đó chuyển tiền qua một tài khoản cá nhân để nạp tiền vào ứng dụng và có thể thực hiện giao dịch T+0. 

stockx.png

Mặc dù những lời quảng cáo trên khó tin, nhưng do lợi nhuận quá hấp dẫn nên hàng nghìn người đã bỏ tiền vào ứng dụng này.

Khi giao dịch mua bán chứng khoán qua StockX, nhà đầu tư được các môi giới của ứng dụng cam kết cho giao dịch T+0, đặc biệt là cam kết sẽ mua được cổ phiếu giá thấp hơn nhiều so với thị trường và có thể mang lại lợi nhuận đến 600%/năm.

Sau khi được mời chào qua điện thoại, một người đàn ông được môi giới của ứng dụng StockX gửi đường link để tải và cài đặt ứng dụng. Sau khi truy cập vào app này, anh thấy app cũng hiển thị biến động về giá của các mã chứng khoán giống như trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, nên đã tin tưởng. Thậm chí, môi giới còn gửi cho anh 1 bản hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng cổ phiếu với tên: Công ty TNHH Sequoia và còn hào phóng tặng luôn cho anh 1 triệu đồng trong tài khoản.

"Cho tôi 1 triệu đồng vào cái tài khoản và tôi có rút trên app đó ra 1 triệu đồng, thì nó thông qua được tài khoản đấy về, tôi cũng tin", người tham gia vào ứng dụng StockX chia sẻ.

Thấy rút được tiền, anh đã mạnh dạn nạp tiền vào tài khoản trên ứng dụng StockX để đầu tư chứng khoán. Mỗi ngày môi giới chỉ được phép mua 1 mã nhất định, thậm chí còn được mua bán T+0.

"Họ cam kết T+0 lợi nhuận từ 2 - 7% ngay khi mua và bán ra và có thể là mua từ chiều, từ khoảng 14h45 - 15h, thì đến đầu sáng hôm sau có thể bán được ngay", người tham gia vào ứng dụng StockX chia sẻ thêm.

Ngoài cho phép nhà đầu tư giao dịch T+0, ứng dụng StockX còn hào phóng tới mức bán cho các nhà đầu tư các mã cổ phiếu với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Với mã chứng khoán DDG được niêm yết tại sàn HNX, ngày 21/6/2022, mã chứng khoán này đang được giao dịch xung quanh mức 39.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, app StockX lại cho phép nhà đầu tư được mua mã cổ phiếu này chỉ với giá 25.230 đồng một cổ phiếu, thấp hơn 60% so với giá thị trường.

"Họ nói là bên một quỹ nào đó, họ được mua, tức là được mua từ đầu nên họ có thể bán cổ phiếu với giá thấp để những nhà đầu tư như bọn mình mới được mua", một người tham gia vào ứng dụng StockX khác cho biết.

"Tôi tưởng là công ty chứng khoán chính thống. Tôi tưởng nhóm giới thiệu là khóa học nên lúc đó tôi đồng ý cho add vào room. Lúc đầu thấy trong nhóm cứ trò chuyện, giao dịch lợi nhuận lãi 600%, nhóm giao dịch hô hào là có giao dịch T0. Mình thấy có mấy cái nick cứ nhắn chuyển tiền vào 1 tài khoản cá nhân, rồi cứ yêu cầu mình lập tài khoản", một nhà đầu tư bị lôi kéo vào nhóm cho biết.

Theo ghi nhận, tất cả các hình ảnh về biên nhận chuyển tiền được gửi đều đặn lên nhóm và đều có chung một người nhận, với số tiền ngày một lớn, từ vài trăm triệu lên đến hàng tỷ đồng; cùng với đó là những hình ảnh khoe tài khoản lãi khủng, giá trị hiển thị trên ứng dụng lên tới hàng chục tỷ đồng.

"Trong trường hợp này, tôi cho rằng có dấu hiệu bất thường, gian lận, lừa dối khách hàng. Nộp tiền cũng phải qua công ty chứng khoán, qua tài khoản chứng khoán và ngân hàng trung gian. Những đơn vị không rõ lai lịch, không rõ phần mềm đứng ra tổ chức như vậy thì có dấu hiệu vi phạm pháp luật", Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đánh giá.

Bên cạnh đó, nhóm này thường xuyên tổ chức các lớp học trực tuyến, thường vào 8h tối. Tuy nhiên theo tìm hiểu, đây gần như là những video đã được thu sẵn, người được gọi là "thầy" cũng chưa bao giờ lộ mặt và phần tương tác chỉ là những bình luận tự động.

Đến thời điểm hiện tại, các nhóm này vẫn đang hoạt động khá sôi nổi, với các nhà đầu tư kinh nghiệm có lẽ cũng không khó để nhận ra các dấu hiệu bất thường trên và có thể tránh được rủi ro. Tuy nhiên, những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường cần hết sức thận trọng với các lời mời chào tương tự, đặc biệt cần tìm hiểu rõ về các quy định giao dịch về thị trường chứng khoán.

Theo quy định, nhà đầu tư muốn giao dịch chứng khoán sẽ phải mở tài khoản qua công ty chứng khoán là các thành viên của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Vì vậy, các ứng dụng không rõ nguồn gốc và chủ sở hữu như StockX về cơ bản sẽ không thể thực hiện giao dịch với các cổ phiếu trên thị trường.

"Các nhà đầu tư muốn giao dịch bắt buộc phải thông qua một công ty chứng khoán, là nơi nhà đầu tư có thể mở tài khoản và công ty chứng khoán là thành viên của các Sở Giao dịch Chứng khoán. Các công ty này là đơn vị trực tiếp đặt lệnh của các nhà đầu tư đẩy vào sàn giao dịch, sau đó sẽ trả kết quả khớp lệnh hoặc không", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho biết.

"Giao dịch chứng khoán ở Việt Nam được luật định. Các nhà đầu tư cần biết một điều quan trọng đó là tài khoản lưu ký, tức là tài khoản đó là tên của bạn và bạn có quyền sở hữu chứng khoán trong tài khoản đó", ông Nguyễn Tuấn Anh, Nhà sáng lập Finpeace, cho hay.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng cần nắm rõ các quy định về việc chuyển tiền, chức năng thanh toán của các đơn vị trung gian.

"Các công ty chứng khoán đều là những đại lý trung gian để kết nối nhà đầu tư với Sở Giao dịch Chứng khoán. Những tổ chức khác nếu có chỉ là tập hợp các môi giới, giới thiệu cho nhau về việc giao dịch thôi chứ không được phép thu tiền, không ai được cam kết chắc chắn thắng hay thua", Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, nhận định.

Như vậy, hoạt động giao dịch, chuyển tiền trong các hội nhóm trên qua ứng dụng riêng có nhiều dấu hiệu không khớp với quy định thực tế của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư cần chủ động nắm rõ các quy định này và cân nhắc kỹ trước những lời mời chào tương tự.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên tiếng

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát đi một số khuyến cáo với nhà đầu tư.

Theo đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc khi tham gia vào các hội nhóm trên các không gian mạng xã hội, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có.

Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nên tìm hiểu, kiểm chứng thật kỹ lưỡng thông tin dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan chức năng, từ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán được cơ quan quản lý cấp phép.

Theo quy định pháp luật hiện hành, nhà đầu tư muốn giao dịch trên thị trường cổ phiếu đều phải thông qua công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ mà nhà đầu tư mở tài khoản, và công ty chứng khoán đó phải là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán. Do đó, các giao dịch phát sinh liên quan (tiền, cổ phiếu,…) đều phải thông qua pháp nhân là công ty chứng khoán.

Cùng với đó, theo quy định hiện hành, giao dịch T+0 vẫn chưa được áp dụng mà chỉ đang trong quá trình nghiên cứu và khi được cho phép được cơ quan quản lý công bố thông tin chính thức, rộng rãi. Nhà đầu tư nên tìm hiểu và cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm, group trên các mạng xã hội.

UBCKNN cho biết, trong quá trình thực hiện công tác quản lý, giám sát, Ủy ban rất chú trọng việc giám sát, xử lý thông tin trên không gian mạng đồng thời cơ quan quản lý đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật chứng khoán và các quy định pháp luật có liên quan.

Ngày 21/8 họp phương án triển khai hệ thống KRX

Chạy hệ thống KRX, nhà đầu tư chứng khoán sắp được giao dịch T+0?

Hệ thống KRX "hâm nóng" ngành Chứng khoán

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cam-bay-t0-va-ham-thu-di-tau-nhanh-cua-nha-dau-tu-chung-khoan-138174.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cạm bẫy T+0 và ham thú "đi tàu nhanh" của nhà đầu tư chứng khoán
POWERED BY ONECMS & INTECH