Hệ thống KRX "hâm nóng" ngành Chứng khoán

28-05-2023 07:07|Băng Băng

VN-Index liên tục sideway vùng 1.000 - 1.100 điểm 6 tháng qua kéo theo tâm lý chán chường và rệu rã của các phe "tham chiến". Với câu chuyện từ hệ thống KRX, chỉ số có thể thoát xu hướng hiện tại? Nhà đầu tư giao dịch thế nào trong nửa cuối năm?

Thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục nhẹ trong những tháng đầu năm 2023, song quy mô giao dịch vẫn còn thấp bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các yếu tố trái chiều. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động kinh doanh của khối công ty chứng khoán (CTCK).

Với nguồn thu môi giới chưa thể hồi phục, hoạt động cho vay trầm lắng trong khi tín hiệu từ mảng tự doanh vẫn chưa như kỳ vọng, lợi nhuận sau thuế của 20 CTCK hàng đầu thị trường quý 1/2023 ghi nhận mức giảm 56% so với cùng kỳ về còn gần 2.400 tỷ đồng.

Hệ thống KRX
Biến động lợi nhuận quý 1/2023 của 20 CTCK (Đơn vị: %)

Bất chấp kết quả kinh doanh kém sắc, cổ phiếu nhóm chứng khoán nửa năm qua đã ghi nhận những nhịp tăng ấn tượng kể từ khi rơi về vùng giá thấp giữa tháng 11/2022. Đặc biệt khi nhận được hỗ lực từ 3 đợt điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN cũng như thông tin hệ thống KRX dự kiến được đưa vào vận hành thử cuối tháng 6 tới tiếp áp dụng vào tháng 9 năm nay.

Hệ thống KRX
Cổ phiếu nhóm chứng khoán bật tăng mạnh mẽ từ vùng đáy tháng 11/2022

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hệ thống KRX một khi đi vào vận hành sẽ giúp cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường triển khai các giải pháp giao dịch và thanh toán mới như: Giao dịch trong ngày, bán chứng khoán đang trên đường về, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán,… Thông tin này cũng được kỳ vọng trở thành yếu tố thúc đẩy thanh khoản trên thị trường chứng khoán vốn đã khá yếu trong 1 năm trở lại đây.

Khi KRX “chạy”, VN-Index sẽ thoát khỏi xu hướng sideway? Câu chuyện kinh doanh của các công ty chứng khoán có được cải thiện? Chúng tôi có cuộc trao đổi với Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trọng Đình Tâm (Nhà Phân tích & Tư vấn đầu tư chứng khoán)

Sau nhịp hồi từ giữa tháng 11/2022, VN-Index đã liên tục sideway trong vùng 1.000 - 1.100 điểm 6 tháng trở lại đây kéo theo tâm lý chán chường và dòng tiền giao dịch rệu rã của các phe "tham chiến". Với câu chuyện từ hệ thống KRX, những tháng cuối năm 2023, VN-Index có thể tạo bất ngờ về mặt điểm số và thanh khoản thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm: Trong trường hợp hệ thống KRX được đưa vào vận hành, điều này có thể tạo ra hiệu ứng tốt trên thị trường nhờ triển vọng trong việc triển khai sản phẩm mới, tối ưu hóa hoạt động giao dịch của nhà đầu tư cũng như tiến gần hơn đến việc hoàn thiện yêu cầu nâng hạng của FTSE Rusell.

Hệ thống KRX
Biến động chỉ số VN-Index 1 năm qua

Mặc dù vậy, KRX là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thị trường. Tôi cho rằng hiệu ứng tâm lý khả quan có thể xuất hiện ngắn hạn song để tạo ra sự đột phá về xu hướng thì vẫn cần thêm những tín hiệu về khả năng hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng như khả năng cải thiện tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023.

Nếu đánh giá thị trường từ góc nhìn của phân tích kỹ thuật, VN Index vẫn đang chủ yếu đi ngang trong kênh giá 1.020 - 1.100 điểm. Nếu muốn xác nhận xu hướng tăng trở lại, chỉ số cần break cận trên của kênh giá (vượt cản 1.100 điểm) cùng với sự xác nhận của thanh khoản.

Trong bức tranh kinh doanh vốn đã bị “xộc xệch” trong 3 - 4 quý gần đây, theo ông các giải pháp giao dịch và thanh toán mới có hóa giải được nút thắt mảng môi giới, cho vay và hoạt động tự doanh của nhóm công ty chứng khoán?

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm: Với giải pháp giao dịch, thanh toán mới, thanh khoản trên thị trường nhiều khả năng sẽ được cải thiện đáng kể. Chẳng hạn với cơ chế giao dịch T+0, tốc độ quay vòng tài sản sẽ cải thiện khi nhóm nhà đầu tư chuyên trading ngắn hạn có thể chốt lời/dừng lỗ ngay trong phiên thay vì chờ đến T+2,5. Trong khi đó với short-sale, nhà đầu tư thay vì phải chờ điểm mua và kiếm lời trong các sóng tăng của cổ phiếu hoàn toàn có thể nghĩ tới việc tìm kiếm lợi nhuận khi giá cổ phiếu điều chỉnh.

Tiềm năng của thanh khoản cũng được đóng góp bởi các chính sách hỗ trợ thị trường gần đây, đặc biệt là 3 đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN.

Thanh khoản tốt kéo theo khả năng hồi phục về mảng dịch vụ chứng khoán (thu phí giao dịch,..) cũng như mảng tài chính (margin, ứng trước tiền bán,…) của toàn ngành. Tuy nhiên về danh mục tự doanh, tôi cho rằng cần có thêm những đánh giá cụ thể cho từng CTCK do thị trường đi ngang kể từ đầu năm và có sự phân hóa tại các nhóm cổ phiếu.

Hiện thị trường đã ghi nhận nhiều nhóm ngành giao dịch khởi sắc như Đầu tư công, Điện hay Chứng khoán nhưng vẫn có nhiều lĩnh vực đang cần thêm chất xúc tác để hồi phục hoặc quay lại với xu hướng tăng.

Hệ thống KRX
Chuyên gia chứng khoán Nguyễn Trọng Đình Tâm

Ít ra thì các công ty chứng khoán đang có những câu chuyện để kỳ vọng. Vậy theo ông, nhà đầu tư có nên nương theo những kỳ vọng này trong thời gian tới - nhất là khi nhóm cổ phiếu chứng khoán đã tăng bằng lần trong nửa năm qua?

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm: Có một điểm thú vị khi đầu tư chứng khoán là giá cổ phiếu thường phản ứng trước khi thông tin hoặc sự kiện chính thức được công bố. Khi dòng tiền lớn nhìn thấy được tiềm năng của KRX, bên cạnh hiệu ứng đến từ chính sách hạ nhiệt lãi suất, cổ phiếu chứng khoán cũng đã ghi nhận giao dịch ấn tượng trong giai đoạn gần đây, đặc biệt tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Tôi cho rằng khi các thông tin nâng đỡ đã có sự phản ánh nhất định, cách quản trị tối ưu dành cho nhà đầu tư là nắm giữ và canh các nhịp break để hiện thực hóa một phần lợi nhuận. Với những nhà đầu tư chưa có vị thế, việc giải ngân mới chỉ nên thực hiện tại các nhịp điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ hoặc tại các nền tích lũy thắt chặt của cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán chưa thể bứt tốc nhờ hạ lãi suất điều hành

Theo dấu dòng tiền, kiếm tìm cơ hội ở nhóm chứng khoán

Điện khí đón “tín hiệu sáng”, NT2 bứt phá mạnh mẽ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/he-thong-krx-ham-nong-nganh-chung-khoan-185088.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Hệ thống KRX "hâm nóng" ngành Chứng khoán
POWERED BY ONECMS & INTECH