Xã hội

Cần “bước đệm” chính sách để tạo sự đồng thuận

Minh Tường 01/11/2024 - 09:33

Hà Nội đang lấy ý kiến cộng đồng về việc hạn chế xe cơ giới cá nhân vào 5 khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao.

Đa số người dân cho rằng, ở thời điểm hiện tại, việc hạn chế xe cơ giới tại một số khu vực đã không còn quá đáng ngại nếu có sự hỗ trợ từ phía chính quyền TP.

Việc nên làm

UBND TP đang lấy ý kiến công khai về dự thảo Nghị quyết “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp trên địa bàn TP Hà Nội” được xây dựng để cụ thể hóa quy định tại khoản 2, Điều 28, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp; các biện pháp được áp dụng trong vùng phát thải thấp theo lộ trình phù hợp.

Việc hạn chế xe cơ giới tại một số khu vực là cần thiết, nhưng phải bảo đảm đi lại cho người dân. Ảnh: Hải Linh
Việc hạn chế xe cơ giới tại một số khu vực là cần thiết, nhưng phải bảo đảm đi lại cho người dân. Ảnh: Hải Linh

Dự thảo Nghị quyết đang được lấy ý kiến công khai và sẽ trình lên HĐND TP xem xét. Nếu thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng giúp Hà Nội sớm hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.

Nội dung quy định này đang nhận được sự quan tâm rất lớn của Nhân dân Thủ đô. Trong đó có lo ngại việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân còn quá sớm khi mà hệ thống giao thông công cộng (GTCC) chưa đáp ứng tốt nhu cầu. Sinh viên Hoàng Thị Thùy Linh (Học viện Báo chí & tuyên truyền) chia sẻ: “Nếu cấm xe máy vào khu vực trường tôi đang học thì tôi chuyển sang đi xe buýt và tàu điện. Tất nhiên việc phải sử dụng nhiều loại hình GTCC cho một chuyến đi sẽ có những bất tiện nhưng tôi nghĩ có thể làm quen được. Vấn đề môi trường đang ngày càng trở nên cấp bách, việc hạn chế xe máy lưu thông là nên làm và cấp bách với Hà Nội trong lúc này”.

Anh Trần Thanh Tùng (phường Thành Công, quận Ba Đình) cho biết: “Tôi thường sử dụng xe máy để đi làm hàng ngày, nhưng lộ trình di chuyển không nhiều chỉ từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Nếu không được dùng xe máy, tôi sẽ chuyển sang đi xe buýt. Chỉ cần xe buýt cải thiện được thời gian đi lại, không quá lâu là chấp nhận được”. Anh Tùng cũng cho rằng, nhiều cán bộ, nhân viên khác nếu bắt buộc, có thể chuyển đổi tốt từ xe máy cá nhân sang xe buýt, tàu điện, đi bộ hoặc xe đạp công cộng.

Chị Trương Thị Thanh Huyền (phường Việt Hưng, quận Long Biên) bày tỏ: “Ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã ở mức báo động rất cao. Việc hạn chế xe cơ giới tại một số khu vực là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất là phải bảo đảm đi lại cho người dân. Không chỉ xe buýt, tàu điện mà còn cần có cả chỗ gửi xe, đỗ xe cho những người ở ngoại thành tại những đầu mối GTCC, vì không phải ai cũng có thể đi bộ xa được”.

Ông Nguyễn Văn Dần (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) bày tỏ: “Công việc chính để kiếm sống của tôi là chạy xe ôm. Nếu cấm xe cơ giới vào một số nơi tất nhiên sẽ gây hạn chế không nhỏ cho công việc. Nếu thật sự cấm xe máy ở khu vực nào, TP cần xem xét đến các quy định đặc thù riêng cho xe ôm, xe giao hàng ở khu vực đó”. Ông Dần cũng khẳng định, chủ trương hạn chế xe máy chạy xăng, dầu để giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường là hợp lý. Nhiều người hành nghề xe ôm, giao hàng đang nghiên cứu chuyển đổi sang xe máy điện để chủ động phương án làm việc, kiếm sống.

Quyết liệt với các giải pháp đồng bộ

Việc thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân của người dân ban đầu sẽ khó tránh khỏi những phản ứng trái chiều, đòi hỏi TP phải có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng với những giải pháp ứng phó phù hợp và trên hết là quyết tâm chính trị cao nhất từ chính quyền cho đến người dân.

Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh nhận định, Hà Nội đang quá tải trầm trọng hạ tầng và ô nhiễm không khí ở mức báo động do lượng phương tiện cá nhân quá lớn, đặc biệt là xe máy với khoảng 8 triệu chiếc.

“Nếu không hành động quyết liệt, TP sẽ phải trả giá đắt với những hệ lụy ngày càng phức tạp như: ùn tắc giao thông, thiệt hại kinh tế…, trong đó chất lượng cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất” - ông Trần Tuấn Anh cho biết. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân phải được kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng, bảo đảm không gây xáo trộn lớn trong đời sống Nhân dân. TP cần xác lập các tiêu chí cụ thể, hài hòa quyền lợi của cả cộng đồng như: tỷ lệ GTCC phải đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại, xe máy phát thải mức nào phải bị cấm, mức nào phải nộp phí lưu thông…

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung chia sẻ, một trong những nhóm cư dân lo ngại nhất về việc hạn chế xe máy là những người sử dụng thường xuyên hàng ngày để đi lại, kinh doanh, chở hàng thuê… “Với nhóm này TP có thể nghiên cứu các chính sách hỗ trợ để họ chuyển đổi sang xe máy điện, hoặc cho phép xe đăng ký vận chuyển có nộp phí để ra vào khu vực hạn chế” - ông Vũ Hoàng Chung nói. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, hiện không ít người dân sử dụng xe máy, ô tô cá nhân chỉ để đi một hành trình từ nhà tới cơ quan, trường học hàng ngày. Với nhóm này, biện pháp cưỡng chế cấm xe cơ giới hoặc thu phí vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, ô nhiễm sẽ khiến người dân xem xét lại thói quen đi lại của mình, hướng tới GTCC nhiều hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có một bước đệm trong thay đổi chính sách. Một thời gian trước khi hạn chế xe cơ giới cá nhân bằng mệnh lệnh hành chính, cần có những chính sách ưu đãi, khuyến khích người dân vừa hạn chế sử dụng xe riêng, vừa chuyển đổi xe cơ giới sang sử dụng nhiên liệu sạch.

Với những khu vực được xác định là vùng phát thải thấp, mạng lưới GTCC cần được tối ưu về hạ tầng, lộ trình vận chuyển. Nhất là xe buýt phải có hành lang tiếp cận dễ dàng, thông thoáng, xây dựng thêm nhiều nhà chờ che mưa nắng, duy trì ưu đãi giá vé… Vùng phát thải thấp có thể áp dụng mức giá trông giữ phương tiện riêng, cao hơn hẳn các khu vực khác, cấm hoặc thu phí xe cá nhân ra vào, coi biện pháp kinh tế này như là một trong những chế tài chủ yếu.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý đối với việc kiểm định khí thải xe máy. Những xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn không cho lưu thông hoặc hỗ trợ tiền để người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, xe đạp điện.

Tại thời điểm này, việc nghiên cứu hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một vài khu vực cụ thể trong trung tâm TP nhằm giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm không khí đã không còn là bài toán quá khó. Đã có những lời giải cụ thể, bảo đảm lợi ích cho người dân. Vấn đề cần quan tâm lúc này là phải có một bước đệm chính sách hiệu quả để người dân hiểu và đồng thuận.

Thạc sĩ quản lý đô thị Trần Tuấn Anh

>> Hà Nội lên phương án cấm xe máy trong nội thành vào năm 2030

Tránh ùn tắc giao thông dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tài xế cần lưu ý gì?

Nh­­ững rào chắn gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/can-buoc-dem-chinh-sach-de-tao-su-dong-thuan.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần “bước đệm” chính sách để tạo sự đồng thuận
    POWERED BY ONECMS & INTECH