Bất động sản

Cận cảnh nhà máy của Việt Nam tạo ra vỏ hầm 4km cho dự án tuyến Metro được hơn 8 triệu dân Thủ đô chờ đợi

Quốc Chiến 24/07/2024 23:06

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo đoạn trên cao của tuyến metro phải khai thác thương mại trước ngày 28/7/2024.

Theo thông tin Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - MRB cho biết, dự án đường sắt đô thị (metro) tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội có hơn 4km đi ngầm.

Hiện nay, dự án đã chuẩn bị hai máy đào hầm TBM để đào 2 đường ống ngầm chạy song song từ ga S9 (quận Cầu Giấy) về ga Hà Nội của dự án.

Theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu khoan máy TBM1 “Thần tốc” từ Ga S9 - Kim Mã tại độ sâu 17,8m. Sau một thời gian vận hành TBM1, máy TBM2 - “Táo bạo” sẽ bắt đầu quá trình khoan hầm.

Toàn cảnh nhà máy (nguồn ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội)

Toàn cảnh nhà máy (nguồn ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội)

Việc thi công khoan hầm sẽ được tiến hành với sự cẩn trọng và giám sát nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các công trình hiện hữu và đảm bảo chất lượng cho công trình đang thi công.

Để chuẩn bị cho các máy TBM hoạt động và hoàn thiện luôn vỏ hầm khi đào đất lên, thiết bị vỏ hầm được đúc sẵn ở xưởng cũng được vận chuyển về công trường dự án để đưa vào buồng chứa các máy sẵn sàng lắp đặt, hoàn thiện cho từng mét hầm đào được.

Những tấm bê tông vỏ hầm của tuyến Nhổn - ga Hà Nội được sản xuất tại nhà máy AMACCAO Hà Nam - chuyên sản xuất các cấu kiện bê tông chất lượng cao.

Quy trình sản xuất vỏ hầm (tunnel lining segments) tại nhà máy đã được phê duyệt trước khi tiến hành sản xuất, bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau nhằm đảm bảo các cấu kiện đạt chất lượng, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Một góc khác của nhà máy (nguồn ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội)

Một góc khác của nhà máy (nguồn ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội)

Các vòng vỏ hầm sẽ là loại vạn năng, bao gồm có 6 miếng ghép lại. Các kích thước chính của vòng vỏ hầm như sau: Đường kính trong: 5.700mm; đường kính ngoài 6.300mm; bề rộng vòng 1.500mm; chiều dày 300mm. Tổng số vòng vỏ hầm của dự án là 3.488 vòng, bao gồm 120 vòng loại cốt thép nặng, 30 vòng được quan trắc và 3.338 vòng loại cốt thép tiêu chuẩn. Khối lượng tấm vỏ hầm lớn nhất là 4 tấn.

Quy trình sản xuất vỏ hầm bao gồm 10 giai đoạn: Thiết kế và lập kế hoạch, chuẩn bị nguyên vật liệu và kiểm soát chất lượng vật liệu, kiểm tra và nghiệm thu ván khuôn, lắp đặt cốt thép, đổ bê tông, bảo dưỡng bê tông, tháo khuôn và kiểm tra chất lượng, hoàn thiện và xử lý bề mặt, phủ lớp sơn chống thấm ngoài vỏ hầm, lắp đặt phụ kiện vỏ hầm.

Nguyên vật liệu để sản xuất vỏ hầm bao gồm: xi măng, cốt thép, cốt liệu (đá, cát), nước, phụ gia và các phụ kiện vỏ hầm. Sau quá trình chuẩn bị, bê tông được trộn bằng trạm trộn tự động theo tỷ lệ cấp phối đã được xác định, sau đó được đổ vào khuôn đúc đã lắp cốt thép, sử dụng các kỹ thuật đầm rung để loại bỏ bọt khí và đảm bảo bê tông phân bố đều.

Sau đó, bê tông được bảo dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật bằng cách giữ ẩm và kiểm soát nhiệt độ để đảm bảo cường độ và chất lượng. Thời gian bảo dưỡng có thể kéo dài từ vài giờ đên vài ngày, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, trung bình khoảng 8 tiếng.

Sau khi bê tông đạt cường độ cần thiết, đội ngũ công nhân sẽ tiến hành tháo khuôn và kiểm tra chất lượng, các thông số kỹ thuật như kích thước, độ phẳng, và cường độ nén. Bề mặt bê tông được xử lý để đảm bảo độ mịn và thẩm mỹ, vỏ hầm được quét phủ lên 2 lớp sơn chống thấm, mỗi lớp dày ≥100µm. Sau khi lớp sơn thứ nhất chờ khô từ 7-8 tiếng thì tiếp tục thực hiện sơn lớp thứ 2. Lớp sơn phủ được kiểm tra bằng thiết bị đo bề dày chuyên dụng nhằm đảm bảo đạt ≥200 µm.

Bên trong nhà máy (nguồn ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội)

Bên trong nhà máy (nguồn ảnh: Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội)

Quá trình xây dựng, hoàn thiện dự án metro Nhổn - ga Hà Nội, máy móc, thiết bị từ nhiều nước tiên tiến trên thế giới được nhập khẩu về song thật tự hào khi bê tông làm nên vỏ hầm 4km chạy ngầm của dự án được "made in Vietnam".

Được biết, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội là công trình mà 8,4 triệu người dân Thủ đô chờ đợi cả thập kỷ qua.

Tuyến số 3 Nhổn - ga Hà Nội được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009, khởi công năm 2010.

Theo quyết định phê duyệt đầu tư tại thời điểm khởi công, dự án có tiến độ hoàn thành năm 2016 với tổng mức đầu tư 18.408 tỷ đồng. Dự án đã điều chỉnh tổng mức đầu tư hiện nay lên 34.826 tỷ đồng.

Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5km, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km dự kiến vận hành trong tháng 7/2024 và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km dự kiến hoàn thành năm 2027.

Nhưng đến đầu tháng 7 năm 2024, đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn chưa thể vận hành thương mại. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo đoạn trên cao phải khai thác thương mại trước ngày 28/7/2024, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành.

>> 'Sóng gió' trên thượng tầng bất động sản: Làn sóng từ nhiệm bất ngờ của các lãnh đạo doanh nghiệp

Chốt phương án xây cầu đi bộ nối tuyến Metro số 1 tới nút giao lớn tại phía Đông TP. HCM

TP. HCM sắp bội thu nhờ việc bán quỹ đất metro và Vành đai 3

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/can-canh-nha-may-cua-viet-nam-tao-ra-vo-ham-4km-cho-du-an-tuyen-metro-duoc-hon-8-trieu-dan-thu-do-cho-doi-d128550.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cận cảnh nhà máy của Việt Nam tạo ra vỏ hầm 4km cho dự án tuyến Metro được hơn 8 triệu dân Thủ đô chờ đợi
    POWERED BY ONECMS & INTECH