Bất động sản

'Sóng gió' trên thượng tầng bất động sản: Làn sóng từ nhiệm bất ngờ của các lãnh đạo doanh nghiệp

Quốc Chiến 24/07/2024 17:00

Trong nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản chứng kiến loạt biến động lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản.

Vừa qua, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị về việc thay đổi Chủ tịch HĐQT công ty.

Theo đó, ông Lương Trí Thìn - Chủ tịch Hội đồng quản trị DXG sẽ thôi giữ chức vụ hiện tại từ ngày 3/7/2024. Sau khi từ nhiệm vị trí đứng đầu Hội đồng quản trị, ông Thìn sẽ đảm nhiệm chức vụ mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược công ty. Người kế nhiệm ông Thìn là ông Lương Ngọc Huy - Phó Tổng Giám đốc công ty.

Với sự thay đổi này, cơ cấu thành phần Hội đồng quản trị của DXG gồm 5 thành viên Hội đồng quản trị trong đó, 4 thành viên gồm: ông Lương Trí Thìn, Bùi Ngọc Đức, Hà Đức Hiếu, Nguyễn Phạm Anh Tài.

'Sóng gió' trên thượng tầng bất động sản: Làn sóng từ nhiệm bất ngờ của các lãnh đạo doanh nghiệp
Ông Lương Trí Thìn - Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị DXG

Còn đối với ông Huy - Tân Chủ tịch HĐQT DXG vẫn kiêm chức Phó Tổng Giám đốc. Còn ông Thìn vẫn giữ chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Bên cạnh đó, ngày 23/7, CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán: DXS) cũng thông báo đã nhận đơn từ nhiệm của ông Phạm Anh Khôi rời khỏi các vị trí Thành viên HĐQT, Thành viên Ủy ban Kiểm toán và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Đất Xanh Services (DXS-FERI). Được biết, trong đơn, ông Phạm Anh Khôi nêu lý do từ nhiệm là vì lý do cá nhân.

Không chỉ Tập đoàn Đất Xanh, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng chứng kiến việc lãnh đạo từ chức chỉ trong nửa đầu năm 2024.

Vào tháng 4, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - TTC Land (mã chứng khoán: SCR) cũng có biến động về nhân sự.

Cụ thể, bà Huỳnh Bích Ngọc - Chủ tịch HĐQT TTC Land đã có đơn từ nhiệm với lý do theo nguyện vọng cá nhân.

Trước đây, bà Ngọc từng giữ vị trí Phó Chủ tịch của TTC Land và mới trở lại vị trí Chủ tịch công ty này từ năm 2022.

>> Vinhomes (VHM) sẽ mở bán hai dự án tại Hà Nội vào cuối năm 2024

Cũng trong tháng 4/2024, ông Đàm Mạnh Cường vừa xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc CTCP Phát triển nhà Thủ Đức - Thuduc House (mã chứng khoán: TDH) sau gần 2,5 năm giữ chức vì tự thấy không đáp ứng tiêu chí của Hội đồng quản trị mới.

Ông Cường đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc từ 30/11/2021. Bắt đầu từ tháng 8/2023, Nhà Thủ Đức đã có sự thay đổi về cổ đông lớn và các Thành viên Hội đồng quản trị mới.

Qua một khoảng thời gian hợp tác cùng, ông Đàm Mạnh Cường nhận thấy bản thân không đáp ứng được những tiêu chí mà Hội đồng quản trị mới yêu cầu cho những định hướng, hoạt động mới của Nhà Thủ Đức.

Tháng 5 vừa qua, CTCP Đầu tư Hải Phát - Hải Phát Invest (mã chứng khoán: HPX) thông báo thay đổi vị trí Tổng Giám đốc khi miễn nhiệm ông Đoàn Hoà Thuận và bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Phương.

Ông Thuận có đơn xin từ nhiệm với lý do có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành Công ty, vì vậy không thể tiếp tục thực hiện và tham gia vào các công việc Tổng Giám đốc. Được biết, ông Thuận gia nhập với Hải Phát từ năm 2017 với chức vụ Phó Tổng Giám đốc, đến tháng 7/2018 được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2018-2023 và ngày 24/7/2023, ông Thuận tiếp tục được tái bổ nhiệm giữ vị trí Tổng Giám đốc.

Vào tháng 6, tại CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã chứng khoán: AGG), Hội đồng quản trị đã thông qua việc miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Thanh Sơn kể từ 3/6, chỉ sau 5 tháng nhậm chức.

Gần đây nhất, trong tháng 7, Phó Tổng Giám đốc CTCP Sông Đà 11 (mã chứng khoán: SJE) - ông Phạm Văn Tuyền cũng có đơn từ nhiệm sau 1,5 năm đảm nhận chức vụ. Lý do, ông Tuyền nhận thấy trình độ, năng lực, khả năng không phù hợp với công việc được giao và định hướng phát triển công ty. HĐQT Sông Đà 11 đã có quyết định miễn nhiệm vị trí của ông Tuyền từ ngày 1/7. Người được bổ nhiệm thay thế là ông Nguyễn Ngọc Khuê, thời hạn 5 năm (2024-2029).

Áp lực tài chính và thách thức của thị trường

Thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2024 mặc dù có khởi sắc ở một số khu vực như Hà Nội, nhưng phần lớn vẫn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đang đối mặt với áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn, với giá trị trái phiếu đáo hạn năm nay lên đến 329.500 tỷ đồng, mức cao nhất trong ba năm qua.

Điều này dự báo sẽ tạo thêm nhiều thách thức cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm.

Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho biết, việc thay đổi lãnh đạo ở các doanh nghiệp lớn không chỉ phản ánh những khó khăn nội tại mà còn là dấu hiệu của những thách thức mà toàn ngành bất động sản đang đối mặt. Doanh nghiệp cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ và tìm kiếm những chiến lược mới để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn này.

>> Tỉnh có đường bờ biển dài top đầu Việt Nam thu 11.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nhờ có ‘vũ khí bí mật’

Bất động sản 6 tháng đầu năm sôi động với lượng 'chốt đơn' gia tăng: Báo hiệu ngày thị trường sắp 'khỏe' trở lại

Sớm đưa các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản vào cuộc sống

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/song-gio-tren-thuong-tang-bat-dong-san-lan-song-tu-nhiem-bat-ngo-cua-cac-lanh-dao-doanh-nghiep-243042.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
'Sóng gió' trên thượng tầng bất động sản: Làn sóng từ nhiệm bất ngờ của các lãnh đạo doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS & INTECH