Tổ chức công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi do các đạo luật còn có sự chồng chéo, gây khó khăn khi thực hiện.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc" do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp với các đơn vị tổ chức chiều 21/7 tại Hà Nội.
Nhiều thủ đoạn tinh vi trốn đóng BHXH
Chia sẻ về hành trình nhiều năm đi "đòi" BHXH của hàng trăm người lao động, bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex) cho biết: "Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1/2017 và nợ BHXH từ tháng 7/2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân. Tính đến trước tháng 3/2023, số tiền Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỉ đồng".
Do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản mặc dù con của họ đã lớn; có 2 trường hợp người lao động chẳng may tử vong nhưng đến trước tháng 3/2023, gia đình họ chưa nhận được chế độ tử tuất. Do không chấm dứt hợp đồng lao động nên người lao động không xin được việc làm ổn định dù có tay nghề, họ phải đi làm thuê tại các xưởng gia công hoặc các công việc thời vụ như rửa bát thuê, xe ôm… để có tiền trang trải cuộc sống.
Trong 6 năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: "Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho người lao động". Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người lao động đã làm đơn kêu cứu đến nhiều nơi, nhưng vô vọng. Sau hàng chục lần đi đòi quyền lợi không được, người lao động đã phản ánh sự việc với các cơ quan báo chí. Đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đọng BHXH của người lao động; phía cơ quan BHXH thành phố Hà Nội đã tiến hành chốt sổ BHXH cho gần 100 người lao động còn lại của Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex để bảo đảm quyền lợi cho họ.
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trình bày tham luận về một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong việc trốn đóng BHXH bắt buộc, việc truy cứu trách nhiệm và kiến nghị, đề xuất.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì mức đóng BHXH bắt buộc do hai chủ thể có nghĩa vụ đóng là người sử dụng lao động và người lao động, trong đó, người sử dụng lao động đóng tổng số 18%, người lao động đóng tổng số 8%.
Từ câu chuyện ròng rã 12 năm người lao động bị nợ BHXH trên, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, vì mục đích vụ lợi hoặc động cơ, mục đích khác nên có nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã lợi dụng một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, quy định về chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH chưa nghiêm để có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc.
Ông Nguyễn Đức Hạnh nêu các thủ đoạn điển hình như: Một là, mặc dù không trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH bắt buộc đối với quỹ BHXH nhưng trốn tránh nghĩa vụ này đối với người lao động, chiếm đoạt phần BHXH bắt buộc của người lao động đã bỏ ra.
Hai là, người sử dụng lao động không đăng ký tham gia BHXH bắt buộc hoặc đăng ký tham gia BHXH bắt buộc sau thời gian mà pháp luật quy định.
Ba là, người sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động nhưng hết thời hạn định kỳ mà pháp luật quy định (1 tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng) phải có nghĩa vụ đóng, nhưng người sử dụng lao động vẫn không chịu đóng mặc dù đã được thông báo hoặc bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Bốn là, người sử dụng lao động đăng ký và đóng BHXH bắt buộc thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc theo quy định với các trường hợp.
Năm là, một số doanh nghiệp tuyển dụng người lao động làm việc tại các vị trí đơn giản đã xác định chỉ sau một thời gian sử dụng lao động sẽ sa thải và tuyển mới các đối tượng lao động khác nên chỉ ký kết hợp đồng thời vụ hoặc trả lương không có hợp đồng lao động...
Đồng thời, không kê khai, báo cáo về số lao động này và không đăng ký đóng BHXH để trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng nhận định theo số liệu thống kê của cơ quan này cho thấy kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực đến nay, các cơ quan tố tụng chưa truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bất cứ vụ án hình sự nào theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Việc người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc thời gian qua xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn... khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút BHXH một lần cũng không được, về già cũng không có lương hưu…
"Đây là những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội, khiến xã hội không thể phát triển bền vững. Phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc là đòi hỏi khách quan, bức thiết trong việc xây dựng, hình thành một xã hội văn minh, ổn định, vì quyền lợi của người dân" – ông Hạnh nhấn mạnh.
Cần xử lý hình sự đơn vị trốn đóng BHXH
Đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như xử lý, khắc phục tình trạng trốn đóng BHXH, ông Nguyễn Đức Hạnh cho biết, các cơ quan thanh tra lao động và chính quyền địa phương cần không ngừng đề cao trách nhiệm quản lý hoạt động sử dụng lao động; tuyên truyền giúp người lao động hiểu biết về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đóng BHXH bắt buộc…
Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự của đơn vị trốn đóng BHXH, cũng cần chú ý đến việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, hình phạt bổ sung.
Ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban quản lý Thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cũng cho biết, trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, cơ quan BHXH đã triển khai nhiều giải pháp từ việc cử cán bộ thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp để đôn đốc số nợ đọng BHXH đến gửi thông báo kết quả đóng BHXH về chủ doanh nghiệp.
Người lao động đều được xác nhận quá trình đóng BHXH của năm đó. Điều này thể hiện sự công khai thông tin với người lao động và chủ thể doanh nghiệp. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng triển khai sử dụng BHXH số, hiện nay, tỉ lệ người lao động được cài đặt VSSID hơn 90%, người lao động có thể kiểm tra quá trình đóng BHXH, BHYT tại ứng dụng này.
"Để hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, bên cạnh khởi kiện hình sự, cơ quan BHXH đề xuất với Bộ LĐTB&XH cấm xuất cảnh với chủ nợ từ 12 tháng trở lên; không vinh danh, không khen thưởng đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm...", ông Dương Văn Hào cho biết.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhận định, tình trạng nợ, trốn đóng BHXH đang diễn ra phức tạp, gây nhiều hệ luỵ, không những ảnh hưởng quyền lợi trước mắt, trực tiếp của người lao động mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi an sinh xã hội lâu dài, ảnh hưởng đến niềm tin của NLĐ vào hệ thống BHXH.
"Các doanh nghiệp trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ BHXH để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Lợi thế này không phải là lợi thế pháp luật cho phép, vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" – ông Ngọ Duy Hiểu đánh giá.
Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, mặc dù hệ thống pháp luật đã xác định hành lang pháp lý để giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất nên dẫn đến thiếu tính khả thi, khiến tình trạng nợ BHXH gia tăng và diễn biến phức tạp.
Lý giải nguyên nhân về việc công đoàn được giao quyền khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH của người lao động nhưng việc triển khai lại chưa được như mong đợi, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết việc khởi kiện bảo vệ quyền lợi về BHXH chịu sự chi phối của 4 luật: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH và Luật Tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng luật, thẩm tra luật đã không lưu ý đến sự thống nhất nên các đạo luật có sự mâu thuẫn nhau. Có đạo luật yêu cầu công đoàn nói chung có quyền khởi kiện, có đạo luật nêu rõ là công đoàn cơ sở; có đạo luật bắt buộc người lao động phải uỷ quyền, có đạo luật thì yêu cầu chung.
"Chính vì có sự khác nhau như vậy, nên dù các cấp công đoàn rất nỗ lực đưa các vụ việc ra tòa nhưng đến nay cơ bản là bế tắc, tòa không thụ lý các vụ việc", ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.
Đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật BHXH có quy định để Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi kiện thì phải do người lao động uỷ quyền. Ông Ngọ Duy Hiểu kiến nghị xem xét sửa lại quy định này, bởi theo Điều 10 Hiến pháp, công đoàn là tổ chức đại diện đương nhiên của người lao động vì vậy với công đoàn không nên đặt ra vấn đề ủy quyền. Trong thực tế có nhiều doanh nghiệp có hàng nghìn, chục nghìn người lao động, nếu rơi vào những trường hợp này thì thủ tục hành chính, thời gian để tiến hành khởi kiện sẽ rất lớn.
"Không mong muốn hình sự hoá hành vi này, nhưng cố tình chây ì thì phải tìm ra và xử lý nghiêm, làm gương cho các đối tượng khác" – ông Ngọ Duy Hiểu khẳng định.
Công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội 2 tỷ đồng, nghệ sĩ Quyền Linh nói gì?
Điền Quân, Mai Linh, Danh Khôi, Công ty Nghệ sĩ Quyền Linh chậm đóng hàng tỷ đồng tiền BHXH