Góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2016/TT-NHNN, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo, cân nhắc các quy định liên quan đến mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hoá…
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 2871/NHNN-CSTT ngày 21/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2016/TT-NHNN quy định hoạt động cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa của ngân hàng thương mại (Dự thảo).
Cụ thể, về hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hoá. Theo VCCI, Thông tư 40/2016/TT-NHNN và Dự thảo quy định về việc cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hoá đối với khách hàng qua sở giao dịch hàng hoá (SGDHH) ở nước ngoài, hay hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hoá.
Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này cần được xem xét ở các điểm như:
Thứ nhất, quy định này trùng lặp, chồng chéo với các quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 158/2006/NĐ-CP. Điều 22.1 Nghị định 158/2006/NĐ-CP quy định hoạt động nhận uỷ thác mua bán hàng hoá qua SGDHH cho khách hàng là một hoạt động kinh doanh của các thành viên kinh doanh thuộc SGDHH. Điều 1.4 Nghị định 51/2018/NĐ-CP (sửa đổi Điều 5 Nghị định 158/2006/NĐ-CP) quy định việc tham gia hoạt động mua bán hàng hoá qua SGDHH ở nước ngoài phải thông qua các SGDHH tại Việt Nam.
“Tóm lại, hoạt động nhận uỷ thác mua bán hàng hoá qua SGDHH nước ngoài là một hoạt động kinh doanh của thành viên kinh doanh thuộc SGDHH, và phải được thực hiện qua SGDHH. Trong khi đó, Mục 2 Chương II Thông tư 40/2016/TT-NHNN và Dự thảo quy định về hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồn tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hoá của ngân hàng thương mại. Hoạt động cung ứng hợp đồng này, về bản chất, là hoạt động nhận uỷ thác mua bán hàng hoá của thành viên kinh doanh như đề cập ở trên”, VCCI góp ý.
Thứ hai, quy định này không phù hợp, thiếu công bằng giữa các ngân hàng thương mại và các thành viên kinh doanh của SGDHH. Các thương nhân khi muốn tham gia vào hoạt động kinh doanh của SGDHH phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc và thực hiện các yêu cầu trong quá trình hoạt động theo quy định của Luật Thương mại, Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP và quy định của SGDHH.
Cụ thể: Phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc về vốn điều lệ, cơ sở vật chất, giải pháp công nghệ và yêu cầu kỹ thuật; phải thực hiện các trình tự, thủ tục đăng ký tư cách thành viên; Phải nộp các loại phí, lệ phí, ký quỹ khi tham gia giao dịch;
Các yêu cầu trong quá trình hoạt động: thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và giám sát, ngăn ngừa xung đột lợi ích trong nội bộ và trong giao dịch; lưu trữ các loại chứng từ và tài khoản; Không trực tiếp giao dịch với các SGDHH nước ngoài, phải thông qua SGDHH tại Việt Nam; Đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ báo cáo định kỳ, các nghĩa vụ công bố và chế độ thanh, kiểm tra, giám sát của SGDHH.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại gần như không phải tuân thủ các quy định này, hay nói cách khác, đang ít chịu sự kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh này từ pháp luật chuyên ngành.
Theo ý kiến của các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại muốn tham gia cung cấp dịch vụ này, cần tuân thủ quy định của Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP, cụ thể hoạt động dưới tư cách là thành viên kinh doanh của SGDHH hoặc thành lập SGDHH mới.
Thứ ba, các quy định trong Thông tư 40/2016/TT-NHNN và Dự thảo thiếu vắng cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo giữa khách hàng với ngân hàng thương mại. Cơ chế giải quyết tranh chấp này thường được ban hành dưới dạng quy định, hướng dẫn của SGDHH như Rulebook về phương thức, cách thức thực hiện, phạm vi miễn trừ quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thành viên kinh doanh tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, tố cáo của khách hàng trong quá trình cung cấp dịch vụ. Việc thiếu vắng cơ chế có thể dẫn tới sự lúng túng, khó đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan khi giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động giao dịch trên thị trường.
Từ những phân tích đã nêu, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bãi bỏ các nội dung liên quan đến hợp đồng nhận, thực hiện lệnh mua, bán hợp đồng tiêu chuẩn về phái sinh giá cả hàng hoá trong Thông tư 40/2016/TT-NHNN và Dự thảo.
Trong trường hợp cho rằng, ngân hàng thương mại là đối tượng đặc thù, cần có quy định điều chỉnh cụ thể để tránh ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng, đề nghị: sử dụng, dẫn chiếu các thuật ngữ từ Luật Thương mại, Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP; bổ sung quy định các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Luật Thương mại, Nghị định 158/2006/NĐ-CP, Nghị định 51/2018/NĐ-CP; chỉ quy định các trách nhiệm khác.