Cần sớm luật hóa công tác xử lý nợ xấu ngân hàng

22-07-2021 17:08|Linh Đan

Nợ xấu hệ thống ngân hàng được nhận định sẽ tăng lên khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19.

Các chuyên gia tài chính - ngân hàng và cả đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cảnh báo, nợ xấu có nguy cơ bùng phát trở lại do đại dịch Covid-19. Một trong những khuyến nghị được đưa ra là cần sớm luật hóa công tác xử lý “cục máu đông” nợ xấu.

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, qua theo dõi, giám sát tình hình hoạt động năm 2020, NHNN nhận thấy một số tổ chức tín dụng có những dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro như nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng, tỷ lệ nợ xấu của một số công ty tài chính tiêu dùng ở mức cao và tăng mạnh so với năm trước, lãi phải thu từ hoạt động tín dụng tăng lớn so với cuối năm 2019…

Do đó, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định, nghiêm túc thực hiện việc dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung…

Thế nhưng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề xuất, cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03 như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên hiện nay.

Theo ông Hùng, khi ban hành Thông tư 03, NHNN hẳn cũng không lường trước được làn sóng Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp như hiện nay. NHNN tính toán doanh nghiệp có thể hồi phục trong 12 tháng, nhưng với diễn biến của đại dịch khó lường như hiện nay, cần nghiên cứu để có chính sách phù hợp với diễn biến mới.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, dù Thông tư 03 cho phép ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ đến hết năm nay, song không vì thế mà gánh nặng trích lập dự phòng nợ xấu vơi đi. Với Thông tư 03, các ngân hàng sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng của Covid-19 trong thời gian dài hơn. Việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít của các ngân hàng chịu ảnh hưởng từ chất lượng dư nợ cho vay. Nói cách khác, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Ông Hiếu cho biết, nhiều ngân hàng vẫn đang chủ động trích lập, tăng “bộ đệm” rủi ro bằng cách nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục. Do đó, nếu có vấn đề phát sinh, ngân hàng cũng đã sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu tăng đột biến.

Theo ktck tai chinh
https://kinhtechungkhoan.vn/can-som-luat-hoa-cong-tac-xu-ly-no-xau-ngan-hang-98574.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần sớm luật hóa công tác xử lý nợ xấu ngân hàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH