Lợi dụng nhu cầu tiền mặt của người dân tăng cao dịp cuối năm, các đối tượng buôn bán và tiêu thụ tiền giả hoạt động mạnh với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi.
Theo đó, rất nhiều tài khoản Facebook công khai rao bán tiền giả kèm những lời quảng cáo hấp dẫn, đồng thời để lại số điện thoại để tư vấn và chỉ giao dịch qua Zalo.
Cụ thể, trên group có hơn 1 nghìn thành viên, một tài khoản Facebook đăng: "Hàng về phục vụ mọi người vào dịp tết. Nhanh tay đặt hàng nào. Cung cấp tiền giả uy tín chất lượng giao hàng toàn quốc.
1tr VNĐ tiền thật = 10tr tiền giả
2tr VNĐ tiền thật = 25tr tiền giả
3tr VNĐ Tiền thật = 45tr Tiền giả
5tr VNĐ tiền thật = 75tr tiền giả
Đảm bảo chất lượng giống thật 98%".
Trong group còn rất nhiều tài khoản Facebook cũng rao bán công khai tiền giả với nhiều tỷ lệ đổi khác nhau.
Đáng chú ý, khi liên hệ trực tiếp với các đối tượng qua số điện thoại được nêu trên, hầu hết đều trong tình trạng "thuê bao", ngoài vùng phủ sóng. Tuy nhiên, khi tìm kiếm số điện thoại trên Zalo và kết bạn sẽ được những chủ tài khoản này nhanh chóng tiếp cận và mời chào mua tiền giả bằng cách gửi thông tin, video quay hàng chục cọc tiền giả với đủ mệnh giá. Sau đó vài ngày, đa phần các tài khoản Zalo này đều không thể tìm thấy hoặc bị khóa.
Các quy định của pháp luật hiện nay đều nêu rõ về việc cả người bán và người mua tiền giả đều vi phạm pháp luật. Theo đó, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015, mức phạt tù có thể từ 3 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài ra, người chuẩn bị phạm tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.
Thực tế, tội phạm tiền giả không chỉ là vấn nạn của riêng Việt Nam mà còn của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hiện nay, đa phần nguồn tiền giả được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới và đưa ra các tỉnh để tiêu thụ hoặc sản xuất ngay trong nước.