Cần thúc đẩy hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh

07-07-2023 18:04|Bài: GIA NGUYỄN - Ảnh: QUỐC TUẤN

Mặc dù đã có những chuyển biến, tuy nhiên, theo chuyên gia, điều kiện kinh doanh có thể giảm về hình thức, nhưng số lượng có thể không giảm, vì vậy, cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa…

Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 2.200 quy định kinh doanh tại 177 văn bản quy phạm pháp luật; Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.100 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; đã cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia,… theo đó, đến tháng 5/2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020.

Thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân - Ảnh minh họa

Mặc dù đã có những chuyển biến nhất định, thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân; các thủ tục hành chính nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm; việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện;...

Thực tế, môi trường kinh doanh hiện nay vẫn tồn tại không ít quy định bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh như: các quy định về phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường, quy định về chứng chỉ năng lực xây dựng, kinh doanh vận tải, thuế doanh nghiệp…

Chia sẻ về những khó khăn, bất cập, bà Lý Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, có những bất cập đã kéo dài 5 năm chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất. Cụ thể là quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung i-ot vào muối, bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm.

“Chúng tôi chỉ mong các quy định không làm ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế”, bà Chi bày tỏ.

Theo chuyên gia, cần thúc đẩy hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh - Ảnh minh họa

Tại Hội thảo “Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh: Lựa chọn cải cách cho phát triển doanh nghiệp” mới đây, TS. Nguyễn Thị Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng đã khái quát kết quả rà soát sơ bộ về điều kiện kinh doanh trong 15 lĩnh vực, và cho biết, kết quả rà soát cho thấy, vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định.

Một số khó khăn khác được nhận diện như, quy định quá nhiều chứng chỉ, hạn chế phân cấp trong cấp phép, điều chỉnh các loại giấy phép con nhiều lần, ngay cả khi không có thay đổi về nội dung làm ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đã được cấp phép. Có không ít điều kiện kinh doanh không cần thiết, không hợp lý đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh.

“Điều này đã tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Sức khỏe doanh nghiệp phần nào bị bào mòn, niềm tin doanh nghiệp bị giảm sút do nhiều yếu tố, trong đó có môi trường kinh doanh”, bà Thảo nhìn nhận.

Theo TS. Nguyễn Thị Minh Thảo, các bất cập nổi cộm về môi trường kinh doanh có thể kể đến là các quy định về phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường, quy định về chứng chỉ năng lực xây dựng, kinh doanh vận tải,...

“Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang gặp bức xúc về thuế. Những văn bản kiến nghị về thuế gửi về Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phải đến nửa gram giấy”, TS. Nguyễn Thị Minh Thảo chia sẻ.

Thống kê về doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2023 được cho là minh chứng cho thực tế nêu trên khi tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động/rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn trung bình các năm, chiếm 60% tổng số doanh nghiệp. Vốn đăng ký của doanh nghiệp sụt giảm cũng kéo theo cơ hội việc làm của người lao động giảm theo.

Và trước thực trạng đã nêu, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần thúc đẩy hơn nữa. Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa đăng ký kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2023.

Được biết, để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, ngày 01/6/2023 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành văn bản số 493/TTg-KSTT. Tại nội dung văn bản, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương, nghiêm túc thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.

Xử lý nghiêm 'cò mồi' nhận đổi giấy phép lái xe

Cải cách hành chính y tế: Không thể giải quyết 'một sớm một chiều'?

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/can-thuc-day-hon-nua-viec-cai-thien-moi-truong-kinh-doanh-247000.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cần thúc đẩy hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh
    POWERED BY ONECMS & INTECH