Cần 'tổng công trình sư' dám quyết, dám chịu trách nhiệm các dự án điện hạt nhân
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam), cho rằng, các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam bên cạnh yếu tố phải chuẩn bị kỹ về vốn, đẩy nhanh đào tạo nhân lực, việc tìm và giao trách nhiệm cho một “tổng công trình sư” dám quyết, dám chịu trách nhiệm sẽ giúp dự án an toàn, về đích đúng tiến độ.
Tập trung sửa luật, tìm “tổng công trình sư”
Theo ông Sơn, phát triển điện hạt nhân (ĐHN) tạo nhiều áp lực khi chúng ta phải đồng thời giải quyết nhiều bài toán khác nhau. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những thuận lợi do đã có nghiên cứu, có sự chuẩn bị về khảo sát lựa chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực, chuyên gia về công nghệ và an toàn ĐHN.
![]() |
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn |
Ông cho rằng, kinh nghiệm thực tế của các nước cho thấy, để hoàn thành một nhà máy ĐHN trung bình cần khoảng từ 8-10 năm. Tiến độ triển khai dự án ĐHN dự kiến 5 năm là khá căng với cơ quan được giao phụ trách triển khai. Tuy nhiên, không phải không thực hiện được do ở một số nước, một số nhà máy cũng đã có tiến độ hoàn thành nhanh hơn, từ 5 - 6 năm với điều kiện về hành lang pháp lý, giải phóng mặt bằng đã được hoàn thiện. Cùng với đó, nếu có sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng, của Chính phủ và các bộ, ngành như đã làm với đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối mới đây.
“Nếu chúng ta thật sự có đủ sự tập trung, có khát vọng, có sự quyết liệt và sự đồng lòng từ cấp cao nhất cũng như tham gia của các bộ ngành, địa phương thì tiến độ triển khai sẽ được nhanh hơn”, ông Sơn nói. Ông cho rằng, nếu các hạ tầng pháp lý, mặt bằng được hoàn thành trong năm 2025, cùng với các chỉ đạo quyết liệt, cơ chế, chính sách phù hợp, khả năng tiến độ 5 - 6 năm hoàn thành 2 dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam để kịp đưa vào vận hành trong giai đoạn 2031 - 2035, như Dự thảo Điều chỉnh Quy hoạch Điện 8 Bộ Công Thương đang đưa ra lấy ý kiến, là hoàn toàn có thể đạt được.
Ông nhấn mạnh, bên cạnh các cơ chế hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong việc triển khai các hạ tầng cho phát triển ĐHN, cần phải gạch đầu dòng những đầu việc cần làm ngay của các cơ quan có liên quan từ Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, đồng thời nhanh chóng sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử, sửa đổi Luật Điện lực cùng các quy định liên quan đến phát triển năng lượng ở Việt Nam. Cùng đó, phải khẩn trương xây dựng và có các cơ chế đặc thù, chính sách đặc thù, đồng thời phải khởi động nhiều đầu việc làm song song như đàm phán, chọn công nghệ, chọn quốc gia cung cấp công nghệ, chuẩn bị nhân lực, tiền đầu tư, hạ tầng/mặt bằng để xây dựng nhà máy ĐHN.
![]() |
Một nhà máy điện hạt nhân ở Pháp. |
“Việc sửa Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định liên quan phải rà soát rất kỹ lưỡng và điều chỉnh các quy định do đã được xây dựng nhiều năm trước. Cũng cần có một cơ quan đầu mối để chuẩn hoá các quy định về công nghệ, tập hợp lại lực lượng có khả năng làm ĐHN… là những việc cần làm rất nhanh. Trước mắt có thể huy động nhân sự từ Viện Năng lượng nguyên tử, EVN, từ các cơ quan liên quan để xây dựng lực lượng ban đầu”, ông Sơn nói.
Cần chính sách đặc thù
Một chuyên gia ngành điện cho rằng, cùng với hoàn thiện các cơ sở pháp lý, cần xây dựng một loạt cơ chế đặc thù cho 2 đơn vị được giao làm ĐHN là EVN và PVN. Như với PVN, đầu tiên phải có cơ chế cho phép huy động tài chính, sửa các quy định về chức năng nhiệm vụ cho phép PVN làm ĐHN. Cần có cơ chế về thẩm quyền đàm phán, quyết định những vấn đề trong thẩm quyền triển khai, thực hiện của mỗi đơn vị cũng như cơ chế chính sách đãi ngộ cho các chuyên gia, những người tham gia làm ĐHN. Thậm chí cần có cơ chế cụ thể để mời những chuyên gia người Việt ở nước ngoài về làm việc trong dự án.
“Việc thẩm định lại chất lượng của các nhân lực đã được đào tạo cũng là vấn đề cần xem xét. Trước mắt cũng phải khẩn trương có cơ chế cho các trường để đào tạo nguồn nhân lực từ thầy cô giáo, đặc biệt là các chuyên gia công nghệ, chuyên gia an toàn cũng như đào tạo về cả quy trình xử lý chất thải hạt nhân, phòng chống, điều trị nhiễm xạ. Việc chuẩn bị cả xây dựng một ngành công nghiệp ĐHN cho các doanh nghiệp trong nước ở nhiều lĩnh vực về lâu dài cũng là phương án cần tính đến trong phát triển ĐHN ở Việt Nam”, vị chuyên gia lưu ý.
Về chuẩn bị cho ĐHN, chia sẻ với báo chí, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, ưu tiên lúc này chính là cần củng cố ngay các cơ sở pháp lý cho phát triển ĐHN và làm việc với IAEA và các đối tác để tham vấn lựa chọn công nghệ cũng như các điều kiện chuyển giao, triển khai dự án. Theo ông Quân, rất nhiều người được đào tạo ĐHN đã nghỉ hưu, chuyển công tác, thậm chí không còn làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và đây là một khó khăn, thách thức rất lớn trong việc phải bắt đầu lại từ đầu. Để thúc đẩy nhanh việc đào tạo, phải có chế độ đãi ngộ rất là tốt thì mới thu hút được những nhà khoa học cũng như những cán bộ kỹ thuật làm việc trong lĩnh vực ĐHN.
“Ngoài việc phải tuân thủ những quy định của quốc tế, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống luật pháp Việt Nam đối với lĩnh vực điện hạt nhân cũng như có các cơ chế về tài chính rất đặc biệt cho các trường trong đào tạo kỹ sư, đào tạo nhân lực cũng như mời các chuyên gia ở các nước về tham gia làm ĐHN ở Việt Nam. Điểm quan trọng nữa là phải có người “đứng mũi chịu sào” làm tổng công trình sư với các thẩm quyền đặc biệt, dám quyết, dám chịu trách nhiệm trong các vấn đề liên quan đến triển khai dự án ĐHN như chúng ta đã làm với các công trình lịch sử của ngành điện như Sơn La, Lai Châu hay đường dây 500 kV mạch 1 trước đây” - Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam).
>> Đề xuất chọn Hà Tĩnh là nơi dự phòng xây nhà máy điện hạt nhân
Đề xuất chọn Hà Tĩnh là nơi dự phòng xây nhà máy điện hạt nhân
Bộ trưởng Công Thương nói về tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân