Cảng biển 'nhà Thaco' sẽ là trung tâm logistics quốc tế, vận hành hệ thống cẩu chuyên dụng hơn 400 tỷ đồng

18-05-2024 14:03|Thảo Đan

Hệ thống cẩu chuyên dụng tại cảng "nhà Thaco" có khả năng xếp dỡ các container trọng tải 40 tấn, phù hợp với các tàu container 50.000 DWT.

Công ty Cảng biển Quốc tế Chu Lai - Chu Lai Port (Quảng Nam) thuộc Tập đoàn Thilogi vừa đưa vào vận hành chính thức hệ thống cẩu chuyên dụng mới trị giá hơn 400 tỷ đồng. Đây là bước tiến mới về đầu tư nâng cấp thiết bị chuyên dụng trong chiến lược phát triển của cảng nhằm nâng cao năng lực xếp dỡ, gia tăng hiệu quả chuỗi dịch vụ logistics, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa không ngừng tăng qua khu vực cảng biển tại miền Trung.

Hệ thống cẩu hiện đại, công suất lớn

Ngày 16/5, tại cảng Chu Lai đã diễn ra “Lễ bàn giao hệ thống cẩu giàn STS và cẩu khung RTG”. Hệ thống gồm 2 cẩu STS (Ship To Shore) đặt tại khu vực bến số 2, cùng với 3 cẩu RTG (Rubber Tired Gantry Crane) tại bãi container hậu phương.

Cẩu STS có khả năng xếp dỡ các container trọng tải 40 tấn, tầm với 40m, phù hợp với các tàu container 50.000 DWT. Cùng với cẩu Liebherr, hệ thống cẩu STS giúp đẩy nhanh tiến độ làm hàng (gần 50%), rút ngắn thời gian tàu neo đậu tại cảng; năng suất xếp dỡ đạt 100 container/giờ, tăng 60 container/giờ so với trước đây.

Cẩu RTG do Thaco Industries sản xuất, có độ rộng tương đương với 6 hàng container 40 feet và một làn đường dành cho xe vận tải, với sức nâng 40 tấn. Cẩu sử dụng hệ thống DGPS (hệ thống định vị toàn cầu vi sai) để tự động lái và xác định vị trí container trên bãi. Toàn bộ cẩu chuyên dụng cùng hệ thống camera giám sát, kết nối dữ liệu đồng bộ trên máy tính đang dần hoàn thiện và đưa vào khai thác.

Lễ bàn giao

Ông Kim Hyo Tae, Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina cho biết, đây là dự án đầu tiên chúng tôi hợp tác cùng Thilogi và Chu Lai Port. Với sự hỗ trợ của Thilogi, đặc biệt là trong việc vận chuyển thiết bị bằng đường biển, dự án đã hoàn tất và được bàn giao đúng tiến độ. Sau khi hoàn thành công đoạn FAC (chứng chỉ chấp nhận cuối cùng), mọi kỹ thuật vận hành được Doosan Vina chuyển giao hoàn toàn cho Chu Lai Port. Cẩu trục STS 100% “made in Việt Nam” phù hợp với kết cấu bến tại cảng, giúp nâng cao năng suất xếp dỡ, đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa trong khu vực.

>> Việt Nam sẽ có ít nhất 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á, 10 doanh nhân lọt vào danh sách tỷ phú USD của thế giới

Cùng ngày, tàu SITC HENGDE (hãng tàu SITC) cập cảng Chu Lai đã “mở hàng” sử dụng thiết bị cẩu trục chuyên dụng STS, xếp dỡ gần 600 container hàng hóa, chủ yếu là nguyên liệu, sản phẩm công nghiệp như: linh kiện phụ tùng, thiết bị y tế, hàng may mặc, nội thất, nông sản...

Chưa đầy 6 giờ làm hàng, tất cả container đã được đưa lên tàu, đẩy nhanh tiến độ xuất nhập khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp như: Bắc Chu Lai, Tam Thăng (Quảng Nam), VSIP (Quảng Ngãi)…

Trước đó, trong thời gian vận hành thử nghiệm, cảng đã tuyển chọn đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhân viên vận hành cẩu phù hợp, có đầy đủ kinh nghiệm, năng lực, được đào tạo chuyên sâu, đảm bảo phương tiện hoạt động ổn định, an toàn và mang lại hiệu quả cao.

Cảng Chu Lai nhộn nhịp những chuyến hàng đầu năm
Cảng Chu Lai

Đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ

Việc đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được Thilogi xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng chuỗi dịch vụ logistics. Hiện nay, cảng Chu Lai đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành bến cảng 5 vạn tấn và đưa vào hoạt động từ đầu tháng 6/2024. Cùng với hệ thống cẩu công suất lớn, công ty còn đầu tư số lượng lớn sơ mi rơ moóc chuyên dụng phục vụ vận chuyển trong khu vực cảng.

Trong năm nay, cảng tiếp tục đầu tư đội xe đầu kéo, tàu lai 4.000HP, phục vụ vận chuyển, lai dắt tàu 5 vạn tấn ra vào an toàn, liên tục 24/7. Triển khai và áp dụng phần mềm cảng điện tử ePort, thông quan hải quan điện tử, thanh toán điện tử, ứng dụng phần mềm PL - TOS trong khai thác hàng rời. Qua đó giúp khách hàng thuận tiện trong giao dịch, cập nhật tình trạng dữ liệu tàu, hàng hóa thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí; đồng thời tăng năng suất và hiệu quả dịch vụ, hướng tới mục tiêu hình thành hệ sinh thái công nghệ cảng biển.

Theo ông Phan Văn Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Chu Lai, cảng sẽ từng bước nâng cao chất lượng điều hành; đẩy nhanh tiến độ làm hàng; rà soát, cắt giảm các các công đoạn gây lãng phí để hạ giá thành xếp dỡ. Thực hiện mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm logistics quốc tế, với chi phí ngang bằng hai miền Nam - Bắc, cảng đang tập trung đầu tư phát triển về chiều sâu, hoàn thành các dự án trọng điểm, phù hợp với tình hình kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đặc biệt, cảng chú trọng nâng cao năng lực khai thác cầu cảng, cơ sở hạ tầng, phương tiện thiết bị, góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng logistics, tạo động lực phát triển các vùng sản xuất và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng.

>> Tỉnh có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất cả nước muốn xây thêm khu bến cảng tổng hợp 2.250 tỷ đồng

Bất ngờ doanh nghiệp muốn khai thác gần 14.000 tấn quặng vàng/năm tại huyện rộng nhất Việt Nam

Các 'mỏ vàng' tại tỉnh 'sát vách' TP. HCM: Hút 40 dự án đầu tư quy mô hơn 800 triệu USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cang-bien-nha-thaco-se-la-trung-tam-logistics-quoc-te-van-hanh-he-thong-cau-chuyen-dung-hon-400-ty-dong-235236.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Cảng biển 'nhà Thaco' sẽ là trung tâm logistics quốc tế, vận hành hệ thống cẩu chuyên dụng hơn 400 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS & INTECH