Căng thẳng Mỹ-Nga bao trùm thị trường toàn cầu
Cổ phiếu toàn cầu giảm mạnh vào thứ Ba (ngày 18/11) trong bối cảnh lo ngại leo thang căng thẳng giữa Nga và Mỹ, hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới, gia tăng áp lực lên thị trường tài chính.
Các nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn an toàn, phản ánh lo lắng về nguy cơ xảy ra xung đột địa chính trị.
Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 giảm 1,4% xuống 495,65 điểm vào lúc 2h21 chiều giờ London, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm nay. Tại Mỹ, thị trường chứng khoán cũng không tránh được áp lực. Hợp đồng tương lai gắn với chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,9%, trong khi hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq 100 giảm lần lượt 0,72% và 0,77%.
Tình trạng suy giảm xảy ra khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức thông qua các sửa đổi đối với học thuyết hạt nhân của nước này. Theo đó, các điều kiện để Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đã được mở rộng, bao gồm cả việc đáp trả các hành động tấn công Nga và Belarus bằng vũ khí thông thường, gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn lãnh thổ. Động thái điều chỉnh này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do quốc gia này sản xuất tấn công vào lãnh thổ Nga.
Leo thang quân sự và phản ứng quốc tế
Theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã sử dụng sáu tên lửa đạn đạo do Mỹ sản xuất trong một cuộc tấn công tại khu vực Bryansk phía Tây Nga vào đêm hôm trước.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết những điều chỉnh trong học thuyết hạt nhân của Nga quy định rõ việc quốc gia này có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng vũ khí thông thường, đặc biệt trong trường hợp hành động tấn công gây nguy hiểm nghiêm trọng đến chủ quyền lãnh thổ.
Điều này cũng được áp dụng trong trường hợp một quốc gia phi hạt nhân tấn công Nga với sự hỗ trợ từ một quốc gia hạt nhân khác.
Viễn cảnh về một cuộc leo thang hạt nhân đã buộc các đồng minh NATO phải cân nhắc cẩn thận. Hiện chưa rõ liệu các quốc gia khác, những nước cung cấp viện trợ quân sự và nhân đạo quan trọng cho Ukraine, có đồng tình đối với quyết định của Washington hay không. Cho đến nay, NATO đã tránh đưa ra những bước đi tương tự do lo ngại các biện pháp trả đũa từ Moscow.
Các nhà tư vấn đã chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn. Giá vàng tăng gần 0,85% vào lúc 2:23 chiều London. Đồng yên tăng 0,5% so với USD và 0,4% so với euro. Đồng franc Thụy Sĩ cũng tăng 0,3% so với đồng euro, phản ánh sự chuyển dịch dòng tiền trên thị trường tiền tệ.
Erik Nelson, chiến lược gia kinh tế tại Wells Fargo, nhận định: “Lợi suất trái phiếu và tỷ giá USD/JPY giảm mạnh là điều đáng chú ý, nhưng tôi nghĩ rằng tình trạng này có thể nhanh chóng chấm dứt nếu căng thẳng không leo thang ”.
Dầu mỏ giữ ổn định bất chấp căng thẳng
Thị trường dầu mỏ, vốn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây, vẫn duy trì giao dịch ổn định vào thứ Ba. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 giảm nhẹ 0,2% vào lúc 2h20 chiều giờ London, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 12 cũng giảm tương tự.
Tiffany McGhee, Giám đốc điều hành CIO của Pivotal Advisors, cho biết: “Xung đột leo thang, và điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những phản ứng tức thời trên thị trường. Tuy nhiên, về lâu dài, mọi thứ có thể đân trở lại ổn định.” Bà viện dẫn mặc dù giá cả đã tăng mạnh khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, nhưng sau đó thị trường đã dần ổn định trở lại.
Căng thẳng Nga-Mỹ hiện tại khiến các nhà đầu tư và nhiều quốc gia phải đối mặt với rủi ro lớn. Khi căng thẳng có dấu hiệu leo thang, thị trường tài chính toàn cầu có thể tiếp tục chứng kiến những biến động mạnh trong những tuần cuối cùng của năm.
>> Nga gợi ý ‘thiết lập lại’ quan hệ với Mỹ sau khi ông Trump tuyên bố đắc cử
Ukraine hé lộ kế hoạch 10 điểm mới, Nga lên tiếng về vụ tên lửa ATACMS
Giá vàng hôm nay 20/11/2024: Vọt lên vì Nga-Ukraine, vàng SJC, nhẫn trơn bùng nổ