Xã hội

Cảnh báo 'siêu bão' Yagi ở mức thảm họa, mạnh nhất trong 30 năm qua, chuyên gia chỉ cách người dân chống bão an toàn

Linh Chi 05/09/2024 - 09:47

Bão số 3 được đánh giá sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Bắc trong vòng 30 năm qua.

"Siêu bão" cảnh báo mức thảm họa

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) là một trong những cơn bão mạnh nhất năm 2024 hoạt động trên Biển Đông. Với diễn biến và hướng đi hiện tại, "siêu bão" Yagi sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 7-8/9. Sau 8 năm, kể từ cơn bão số 1 Mirinae năm 2016, khu vực Bắc Bộ lại một lần nữa đối mặt với một cơn bão cực mạnh, có khả năng đạt cấp độ siêu bão.

Dự báo đường đi của bão Yagi, theo bản tin phát 20h ngày 3/9. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia

Dự báo đường đi của bão Yagi, theo bản tin phát 20h ngày 3/9. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia

Ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó với bão. Công điện yêu cầu các tỉnh thành ven biển căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo và hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ, trong đó tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, đảo.

Tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.

Bão số 3 Yagi có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Bắc Bộ trong tuần tới. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam

Bão số 3 Yagi có khả năng đổ bộ trực tiếp vào Bắc Bộ trong tuần tới. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam

Trước diễn biến phức tạp của bão Yagi, người dân và du khách cần chú ý cập nhật tình hình bão, khu vực ảnh hưởng và chuẩn bị các biện pháp chủ động phòng tránh ngay từ bây giờ. Cân nhắc lịch trình du lịch trong thời gian tới, đặc biệt hạn chế du lịch biển và các tỉnh thành có khả năng cơn bão số 3 đổ bộ; lựa chọn khu vực lưu trú kiên cố, an toàn và tuân theo các hướng dẫn từ chính quyền địa phương.

Cách phòng chống bão an toàn

Trước diễn biến phức tạp của bão Yagi, chuyên gia về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai nhận định cường độ cực đại của bão số 3 có khả năng tiệm cận cấp siêu bão (gió mạnh cấp 15, giật cấp 17). Khi vào vịnh Bắc Bộ, bão sẽ đi rất nhanh và có khả năng tiếp cận đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng từ trưa 7/9, với cấp gió gần bờ có thể đạt 120 km/h (tương đương cấp 12), giật 150 km/h (giật cấp 14). Bão số 3 được đánh giá sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào miền Bắc trong vòng 30 năm qua.

Vì thế, các tỉnh thành ven biển từ Thanh Hóa trở ra Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và cả phía đông Hà Nội cần có các biện pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản và sự an toàn cho người dân trước khi bão đổ bộ.

Chuyên gia cho biết người dân có thể dùng các túi nước 20 lít đến 30 lít, cho vào các bao tải và bơm nước (không bơm quá đầy để tạo thế nằm vững chãi), buộc chặt, cố định bằng dây. Các bao nước sẽ giúp đè mái tôn, có thể chống được gió cấp 11 và 12. Lưu ý, cách này chỉ áp dụng với các mái tôn không dốc và phải có khung vững chãi.

Người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa cẩn thận để tránh xảy ra các sự cố, tai nạn đáng tiếc.

Đối với người dân ở vùng trũng thấp, cần có kế hoạch sơ tán trước khi bão vào. Đặc biệt, những nhà dân lợp ngói, nhà cấp 4, mọi người nên chủ động di dời tài sản đến các nơi an toàn tránh ngập lụt. Chuẩn bị nước uống, đồ ăn khô, đèn pin, điện thoại... ít nhất trong 2 ngày để duy trì liên lạc, thông tin với người thân và chính quyền địa phương.

Về phía địa phương, cần kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động ra khỏi khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn. Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển ở các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa cẩn thận để tránh xảy ra các sự cố, tai nạn đáng tiếc. Ảnh: Internet

Người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa cẩn thận để tránh xảy ra các sự cố, tai nạn đáng tiếc. Ảnh: Internet

Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ và có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch cùng người dân trên các đảo.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển cần rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với các trường hợp nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp, cửa sông, ven biển. Có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.

Chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công. Luôn sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với bão có cường độ mạnh hơn thiết kế.

Tổ chức chặt tỉa cành cây, gia cố nhà ở, công trình, tháp truyền hình, biển hiệu quảng cáo, hệ thống lưới điện... Tập trung lực lượng thu hoạch diện tích lúa hè thu còn lại. Kiểm tra hệ thống thoát nước, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.

>>Cơn bão mạnh lên thành cuồng phong: Cuốn phăng 7.000 ngôi nhà, ‘nuốt chửng’ 12.000 người, là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất nhì lịch sử nhân loại

Bộ trưởng NN&PTNT: 'Hành động không hối tiếc để ứng phó với bão Yagi'

Huy động hơn 400 nghìn chiến sĩ và tàu thuyền, trực thăng ứng phó với bão Yagi

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/canh-bao-sieu-bao-yagi-o-muc-tham-hoa-manh-nhat-trong-30-nam-qua-chuyen-gia-chi-cach-nguoi-dan-chong-bao-an-toan-d132209.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cảnh báo 'siêu bão' Yagi ở mức thảm họa, mạnh nhất trong 30 năm qua, chuyên gia chỉ cách người dân chống bão an toàn
POWERED BY ONECMS & INTECH