Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ rút chiều dài xuống còn 143km thay vì phương án 151km chiều dài như trước đây, quy mô vốn đầu tư vì thế cũng có sự thay đổi.
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai đã có báo cáo và dự thảo văn bản lấy ý kiến tỉnh Bình Định về các nội dung nghiên cứu phương án đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Theo báo Tuổi Trẻ, ông Đoàn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã thông qua và đồng ý chủ trương về phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công.
Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai cũng đã tính toán lại và đề xuất rút chiều dài cao tốc từ 151km xuống chỉ còn 143km. Tuyến đường có quy mô đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe, bề rộng nền 24,75m, bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục. Trước đó, cao tốc có phương án bố trí làn dừng khẩn cấp trên cầu. Với sự thay đổi mới nhất, dự án sẽ tiến hành xác định lại điểm cuối tuyến tại TP. Pleiku, ở điểm giao với đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14) để giảm chiều dài tuyến. Phần này sẽ được đưa vào dự án cao tốc Pleiku - Lệ Thanh giai đoạn sau 2030.
Với việc rút 8km chiều dài, tổng vốn đầu tư cho dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ giảm từ 44.200 tỷ đồng xuống còn hơn 37.600 tỷ đồng, giảm hơn 6.500 tỷ đồng so với dự tính ban đầu.
Hiện tại, tỉnh Gia Lai đang lấy ý kiến tỉnh Bình Định và chuẩn bị làm việc với các cơ quan liên quan để hoàn thiện hồ sơ triển khai các bước tiếp theo.
Trước đó, tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ tháng 3/2024, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ sớm triển khai dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku bởi sự cần thiết và những tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Sau khi được đi vào hoạt động, tuyến đường sẽ tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung kết nối biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, đồng thời vươn xa hơn kết nối với các nước Thái Lan, Myanmar.
Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Gia Lai, việc đẩy nhanh tiến trình đầu tư xây dựng để sớm hình thành tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku là hết sức cần thiết. Tuyến đường đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định nói riêng và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung nói chung.
>> Ninh Vân Bay chưa xóa được lỗ lũy kế, hoa hậu Ngọc Hân vẫn nhận thù lao 116 triệu đồng/tháng
Diễn biến mới nhất tuyến đường 14.000 tỷ nối cao tốc với 'thủ phủ' ngành dầu khí của Việt Nam
Chiêm ngưỡng cây cầu dài nhất tuyến cao tốc Bắc - Nam trước ngày 'về đích'