Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc... đều ghi nhận mức tăng ấn tượng trong quý I/2022 nhờ giá bán tăng cao và tận dụng tốt cơ hội của thị trường.
Trong quý I/2022, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước đã xuất khẩu kỷ lục 474.268 tấn phân bón các loại, giá trị thu về 307 triệu USD - tăng mạnh 42,2% về lượng và tăng gấp 3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, chỉ sau 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã bằng hơn một nửa so với giá trị xuất khẩu 559 triệu USD của cả năm 2021. Có được kết quả ấn tượng này là nhờ giá xuất khẩu phân bón tăng gấp 2 lần cùng kỳ lên mức trung bình 647 USD/tấn.
Điều này báo hiệu một năm thắng lợi lớn tiếp theo của các doanh nghiệp ngành phân bón sau khi gặt hái nhiều thành công trong năm 2021.
Thực tế cho thấy, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành phân bón như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Hà Bắc... đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong quý I năm nay nhờ giá bán tăng cao và tận dụng tốt cơ hội của thị trường.
Nổi bật nhất là Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (DPM) với doanh thu thuần đạt 5.829 tỷ đồng - tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế của DPM đạt 2.126 tỷ đồng, tăng gần 12 lần so với cùng kỳ năm trước và gấp 2 lần so với kế hoạch của cả năm 2022 (kế hoạch đề ra 945 tỷ đồng). Đây cũng là số lãi theo quý cao kỷ lục của DPM.
DPM kỳ vọng giá Urê sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý II, sau đó giảm trong 6 tháng cuối năm với nguồn cung tăng thêm từ Trung Quốc.
Tổng hợp BCTC, chỉ tiêu kinh doanh của các nhóm ngành sau quý I/2022
Một ông lớn khác trong ngành phân bón là CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đạt doanh thu thuần 4.074 tỷ đồng trong quý I, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Riêng doanh thu bán Urê là 3.769 tỷ đồng, chiếm 88% trong cơ cấu tổng doanh thu - mức tăng trưởng cao của mặt hàng này chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu với 2.195 tỷ đồng - cao hơn 5,5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận sau thuế quý I/2022 của DCM ước đạt 1.515 tỷ đồng - gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lãi cao kỷ lục theo quý của DCM.
Trong quý II, DCM ước tính tổng doanh thu thực hiện đạt 4.848 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 748 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 710,67 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) trong quý I đạt gần 868 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 249 tỷ đồng. Đây là kết quả tích cực đối với dự án từng nằm trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém ngành Công Thương.
Theo báo cáo, doanh thu thuần của Đạm Hà Bắc tăng 98,3% lên gần 1.946 tỷ đồng. Mặc dù tăng trưởng doanh thu cao nhưng giá vốn hàng bán lại giảm gần 11%, nên lợi nhuận gộp gấp hơn 54 lần cùng kỳ, đạt 1.089 tỷ đồng.
Kết thúc quý I, doanh thu của Đạm Hà Bắc đạt 43,3% mục tiêu, còn lợi nhuận trước thuế gấp 98,7 lần kế hoạch cả năm.
Ngoài những cái tên kể trên, một số doanh nghiệp khác trong ngành phân bón cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng cao trong quý đầu tiên của năm như: CTCP DAP Vinachem đạt lợi nhuận sau thuế đạt 136,5 tỷ đồng - gấp 3,8 lần so với cùng kỳ; CTCP Phân bón Bình Điền lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng - tăng 27%...
Còn Theo Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), giá Urê đạt đỉnh vào tháng 3 và có thể giảm mạnh từ tháng 6 trở đi khi Trung Quốc dần nới lỏng chính sách xuất khẩu và vấn đề thiếu than dần được khắc phục.
Bên cạnh đó, Chính phủ có thể can thiệp vào công tác điều hành giá phân bón trong bối cảnh giá gạo thấp và tiêu thụ nông sản đang gặp khó khăn khi Trung Quốc hạn chế nhập khẩu.
Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ thống nhất mức thuế xuất khẩu 5% đối với một số mặt hàng phân bón để đảm bảo nguồn cung trong nước, góp phần hạ nhiệt giá phân bón.
Bộ Tài chính đánh giá nếu đề xuất được thực hiện sẽ góp phần giữ lại nguồn phân bón cho sử dụng trong nước, nhất là trong bối cảnh giá phân bón đang có xu hướng tăng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Thuế VAT 5% với phân bón chính thức có hiệu lực, SSI Research chỉ ra hai doanh nghiệp hưởng lợi lớn
Đạm Phú Mỹ (DPM) có thể điều chỉnh giá bán ure do giá khí tự nhiên tăng cao