[Câu chuyện chứng khoán] "Đẩy hàng" và rời bỏ hay ở lại và "sửa sai"?

27-04-2022 15:42|Ba Lỗ

Trong vòng xoáy thông tin hiện tại, dưới góc nhìn của các chuyên gia, "ngồi im" quan sát thị trường cũng chính là một cách đầu tư; cắt lỗ, tái cơ cấu danh mục,… phụ thuộc nhiều vào khẩu vị rủi ro và trạng thái tài khoản của nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến gần 4 tuần giảm liên tục với việc mất hơn 200 điểm từ đỉnh 1.53x. Đỉnh điểm là phiên 25/4/2022 với mức giảm có thời điểm hơn 80 điểm với hàng trăm mã giảm sàn gây hoang mang tột độ với nhiều nhà đầu tư.

“Thứ hai chưa bao giờ đáng sợ như thế”. Đây là tâm trạng của một F0 khi anh vừa trải qua diễn biến tệ nhất kể từ ngày tập tành đầu tư. Nhưng có lẽ, đây cũng là tâm lý chung của nhóm nhà đầu tư Fn trước những gì thị trường phản ánh.

Ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần qua, sắc đỏ đã nhấn chìm cả thị trường. Tưởng rằng bước sang phiên chiều, chỉ số sẽ được cải thiện nhưng mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn; có thời điểm VN-Index đã bay hơn 80 điểm và tiếp tục nằm trong diễn biến lao dốc.

Tâm lý hoảng loạn bao phủ khiến hàng trăm mã cổ phiếu bị bán tháo điên cuồng. Kết thúc ngày giao dịch lịch sử, VN-Index đóng cửa giảm 68,3 điểm, xuống còn 1.310 điểm - mốc thấp nhất kể từ phiên ngày 30/7/2021.

Việc tâm lý được cởi bỏ phần nào khi trong phiên ngay sau đó (thị trường rơi sâu 50 điểm buổi sáng nhưng đóng cửa xanh 30 điểm phiên chiều) đã giúp nhà đầu tư ổn định tâm lý và hành động tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn và giải ngân tại những cổ phiếu tốt có giá đã chiết khấu sâu.

Mặc dù vậy, VN-Index hồi phục mạnh mẽ ngay cả trong phiên tăng hơn 12 điểm ngày 27/4 (lên mốc 1.35x điểm) cũng vẫn để lại những quan ngại lớn cho nhà đầu tư - nhất là khi nhìn vào thanh khoản toàn thị trường trong những phiên này - èo uột đến não nề.

Cụ thể, trong phiên 25/4, thanh khoản toàn thị trường đạt 22.228 tỷ đồng - giảm 16% so với phiên trước đó trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 15% còn 19.576 tỷ đồng.

Sang phiên 26/4, thanh khoản thị trường cải thiện hơn chút song vẫn ở mức thấp - đạt khoảng 24.000 tỷ đồng.

Đến phiên 27/4, con số này chỉ còn vỏn vẹn hơn 17.000 tỷ đồng.

Điểm sáng của thị trường trong những phiên này tiếp tục đến từ khối ngoại khi nhóm này có 6 phiên mua ròng liên tiếp với giá trị hàng nghìn tỷ đồng trước khi đảo chiều bán ròng trở lại trong phiên 27/4/2022.

Có thể, tới nay, thị trường đang dần ổn định hơn nhưng vẫn có hai luồng quan điểm đang đối nghịch nhau: Hoặc thị trường đã downtrend và đang phân phối hoặc thị trường chỉ đang phản ánh các thông tin tiêu cực trước khi tăng trở lại. Băn khoăn giữa hai quan điểm này, khiến nhiều nhà đầu tư không biết nên hành động như thế nào, “bắt đáy” hay tranh thủ nhịp hồi để đẩy hàng; nên đứng ngoài quan sát chờ thị trường ổn định mới tiếp tục hành động hay tranh thủ “bắt đáy” để mua được cổ phiếu tốt giá rẻ?

Hơn 1 tuần qua, những cổ phiếu được cho là ngược sóng thuộc nhóm thủy sản, dệt may, phân bón, bán lẻ,... đã đồng loạt quay đầu giảm mạnh, thậm chí chất bán sàn khối lượng lớn vào phiên cuối tuần.

Trong vòng xoáy thông tin với nhiều yếu tố bất định, tâm lý hoảng loạn bao trùm đã khiến VN-Index chưa thể có được điểm cân bằng. Lúc này, thông tin chưa kiểm chứng về một số doanh nghiệp vẫn âm ỉ xuất hiện khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận bấm nút để… “tự giải thoát”.

Tuy nhiên, những hành động như vậy sẽ khiến nhiều nhà đầu tư chấp nhận rời khỏi thị trường và không thể lấy lại những gì đã mất.

Một nhà đầu tư có kinh nghiệm chia sẻ, bà từng mua cổ phiếu LAF ở mức giá 15.000 đồng; khi cổ phiếu rớt về 3.000 đồng, bạn bè xung quanh hoảng sợ và bán sạch tài khoản và từ bỏ chứng khoán. Tuy nhiên, bà vẫn ở lại và nay cổ phiếu LAF lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu chưa kể cổ tức bằng tiền mặt hàng năm.

Thực tế, còn rất nhiều Fn còn tồn tại trên thị trường đến nay đều từng trên đỉnh cao và trở lại con số 0 chỉ trong thời gian ngắn. Sau những đợt sóng mạnh của thị trường, không phải ai cũng sẽ thắng. Nhiều người đã rời khỏi thị trường sau khi không đủ bản lĩnh vượt qua những vòng xoáy quá khốc liệt.

Nhưng chỉ còn cần ở lại với thị trường thì dù bao nhiêu thất bại vẫn sẽ có cơ hội để sửa chữa. Đó cũng là thông điệp mà ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính, người từng có nhiều năm làm việc tại APS Asset Management, Singapore và ông Trần Hải Hà, Tổng Giám đốc MBS chia sẻ tại một talkshow diễn ra mới đây.

Quan trọng hơn hết, dù là nhà đầu tư lướt sóng hay đầu tư giá trị thì cũng cần trau dồi kiến thức và kinh nghiệm. Với những cổ phiếu tốt, khi cơn bão qua đi - trời sẽ lại sáng (Thế là cơn bão qua/ Bầu trời xanh trở lại/ Mẹ về như nắng mới/ Áp áp cả gian nhà). Đáng ngại nhất chỉ là khi chúng ta nắm giữ một cổ phiếu mà không biết lý do nắm giữ là gì.

Trong vòng xoáy thông tin hiện tại, dưới góc nhìn của các chuyên gia, "ngồi im" quan sát thị trường cũng chính là một cách đầu tư. Hoặc với những nhà đầu tư có sẵn cổ phiếu trong tài khoản, có thể tận dụng những nhịp hồi nếu có từ nay đến giữa tháng 5 tới để cơ cấu danh mục sang những nhóm ngành có kết quả kinh doanh tích cực, được hưởng lợi bởi yếu tố vĩ mô.

Ngồi im quan sát, cắt lỗ, tái cơ cấu danh mục hay mua dần khi cho hiện tại là vùng đáy…, câu trả lời phụ thuộc nhiều vào khẩu vị rủi ro và trạng thái tài khoản của nhà đầu tư mà các chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất cũng không thể tư vấn.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là bi đát nhất, tìm ra những góc hẹp để đầu tư có thể khó nhưng không phải không thể!

Nhận định chứng khoán 16 - 20/12: Cân nhắc khả năng VN-Index lùi về 1.240 điểm

Một cổ phiếu VN30 âm thầm vượt đỉnh năm trong tuần VN-Index giảm điểm

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cau-chuyen-chung-khoan-day-hang-va-roi-bo-hay-o-lai-va-sua-sai-118145.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    [Câu chuyện chứng khoán] "Đẩy hàng" và rời bỏ hay ở lại và "sửa sai"?
    POWERED BY ONECMS & INTECH