Bất động sản

Cầu đi bộ nghìn tỷ bắc sông Sài Gòn là công trình biểu tượng để lại cho đời sau

Tuấn Kiệt 04/12/2023 - 12:59

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, công trình cầu đi bộ nghìn tỷ đồng nối liền 2 bờ sông Sài Gòn ngoài công năng đi bộ còn là điểm nhấn, biểu tượng để lại cho đời sau.

Ngày 4/12, UBND TP.HCM chính thức công bố nhà tài trợ thực hiện Dự án Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Đây là một trong những công trình biểu tượng mới của thành phố trong tương lai.

Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood (Công ty Nutifood) sẽ tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế của thành phố đã phê duyệt. Tổng kinh phí tài trợ ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

w img 9344d 1 887.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chứng kiến lễ ký kết biên bản thỏa thuận tài trợ về việc xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn giữa Sở GTVT và Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood.

Tại buổi lễ ký kết, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói, lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đều xác định phát huy tất cả nguồn lực phát triển hạ tầng TP, để TP có điều kiện phát triển nhanh bền vững, trở thành đại diện của Việt Nam trong cạnh tranh hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, nguồn lực có giới hạn, chưa đáp ứng nhu cầu.

“Nay tiếp nhận tài trợ của Nutifood xây cầu nối đôi bờ Thủ Thiêm là việc rất ý nghĩa, góp phần chung tay vào sự phát triển chung. Từ sự phát triển tích lũy lợi nhuận, doanh nghiệp đã đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Thành phố ghi nhận sự đóng góp ý nghĩa nhân văn này”, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh.

Về cầu đi bộ nối hai bờ sông Sài Gòn, ông Mãi cho rằng ý tưởng thiết kế là tác phẩm đoạt giải có uy tín thế giới đã được lãnh đạo các cấp phê duyệt, cơ sở pháp lý đầy đủ.

“Vấn đề là cụ thể hóa ý tưởng thiết kế để thi công công trình đảm bảo ý nghĩa. Trước hết cầu đi bộ nối liền 2 bờ sông không chỉ là công trình giao thông thực hiện công năng đi lại mà còn là công trình kiến trúc điểm nhấn, là biểu tượng để lại cho đời sau”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Chủ tịch TP.HCM cho rằng, quá trình thi công sắp tới cần làm khẩn trương nhưng chặt chẽ. Làm sao thời gian khởi công đảm bảo chậm nhất 30/4/2025, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm khánh thành dự án.

img 9330.jpg
Phối cảnh cầu đi bộ nghìn tỷ bắc qua sông Sài Gòn.

Khởi công dịp 30/4/2025

Hồi tháng 10 vừa qua, UBND TP.HCM quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn “Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ qua sông Sài Gòn”.

Phương án thiết kế kiến trúc cầu đi bộ được chọn có hình lá dừa nước do Liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam thực hiện.

Cầu có chiều dài 500m, được bắt đầu từ công viên Bến Bạch Đằng (quận 1), điểm đầu phía TP Thủ Đức tại công viên bờ sông thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cầu đi bộ được thiết kế hình chiếc lá dừa nước, một loại lá rất đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Thành phố đánh giá, đây là hình thức kiến trúc độc đáo, ấn tượng, kỳ vọng tạo sức hút với người dân, du khách đến TP.HCM.

img 9334.jpg
Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn là một trong những công trình trọng điểm của ngành giao thông chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết, dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn là công trình lớn nhất nước từ trước đến nay được doanh nghiệp tài trợ kinh phí. Công trình được thiết kế chống động đất cấp 7, gió giật, dao động khi tập trung đông người... Ngoài phục vụ người đi bộ, cầu đi bộ còn thiết kế làn đường dành cho xe đạp và người khuyết tật. Trong trường hợp khẩn cấp, cầu cũng được thiết kế cho xe cứu thương lưu thông.

Giám đốc Sở GTVT cho biết sau khi ký xong, trong vòng bảy ngày Sở GTVT sẽ trình các bước thực hiện chủ trương đầu tư, chậm nhất dự án sẽ được khởi công vào dịp lễ 30/4/2025.

Một doanh nghiệp tặng TP.HCM cầu đi bộ nghìn tỷ bắc qua sông Sài Gòn

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/cau-di-bo-nghin-ty-bac-song-sai-gon-la-cong-trinh-bieu-tuong-de-lai-cho-doi-sau-2222611.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Cầu đi bộ nghìn tỷ bắc sông Sài Gòn là công trình biểu tượng để lại cho đời sau
    POWERED BY ONECMS & INTECH