Xã hội

Cây cầu gãy sập xuống vịnh biển do sức gió quật khủng khiếp, nhiều phương tiện bị hất tung: Thảm họa sập cầu chấn động

Vĩ Hạ 16/09/2024 00:28

Trước khi bị sập, cây cầu bắt đầu chuyển động xoắn ngang, nghiêng tới 8,5m ở góc 45 độ.

Từ năm 1889, các cơ quan có trách nhiệm đã rất nỗ lực để xây dựng một cây cầu nối liền hai khu vực Tacoma và bán đảo Kitsap (Washington, Mỹ). Một số kỹ sư cầu đường nổi tiếng, bao gồm Joseph B. Strauss - kỹ sư trưởng của cầu Golden Gate và David B. Steinman - người thiết kế cầu Mackinac, đã được liên hệ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Steinman bị từ chối.

Một vấn đề khác trong việc cấp vốn cho cây cầu là việc mua lại hợp đồng phà từ một công ty tư nhân đang hoạt động tại Narrows vào thời điểm đó. Ngay từ đầu, tài chính cho dự án đã gặp khó khăn: doanh thu từ phí cầu đường đề xuất không đủ để trang trải chi phí xây dựng. May mắn là dự án vẫn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nhiều tổ chức uy tín.

sap-cau-1.jpg
Cầu Tacoma Narrows đã được nghiên cứu nhiều năm trước khi chính thức xây dựng

Cuối cùng, dự án được thông qua với 6 triệu USD cho việc xây dựng cầu (thêm 1,6 triệu USD từ phí cầu đường, nâng tổng chi phí lên gần 8 triệu USD). Kỹ sư nổi tiếng Leon Moisseiff được chọn làm người đảm nhiệm thiết kế chính.

Dự án chính thức bắt đầu vào tháng 9/1938 và hoàn thành sau gần 2 năm. Với chiều dài 1,8km, Tacoma Narrows trở thành cây cầu treo dài thứ ba thế giới thời điểm đó, chỉ sau cầu George Washington và cầu Golden Gate. Công trình này được coi là một "kỳ quan xây dựng" của thời hiện đại.

Cầu Tacoma Narrows được khánh thành và đưa vào sử dụng vào ngày 1/7/1940. Cầu được thiết kế với lưu lượng xe tương đối nhỏ, chỉ có hai làn xe và rộng khoảng 12m.

sap-cau-2.jpg
Thiết kế của cầu đẹp và thanh mảnh, được các kỹ sư thời đó đánh giá là hoàn toàn an toàn

Tuy nhiên, không lâu sau, thảm họa đã ập đến với Tacoma Narrows. Thiết kế có phần bất hợp lý, cùng với việc sử dụng nhiều thanh dầm hẹp và kích thước nhỏ, khiến cho cả công trình trở nên mỏng manh. Chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ gây rung lắc trong khoảng 2-3 giây.

Ngay từ quá trình xây dựng, người ta đã nhận thấy dấu hiệu rung lắc, nhưng dự án vẫn tiếp tục. Họ chỉ áp dụng một số biện pháp tạm thời để giảm rung, thay vì tìm ra nguyên nhân cốt lõi để xử lý triệt để.

Nhiều phương án đã được thử nghiệm, chẳng hạn như gắn chặt dây cáp xuống bằng những khối bê tông nặng trên 50 tấn. Tuy nhiên, không phương án nào đạt hiệu quả. Một số dây cáp đã đứt sau một thời gian ngắn, còn một số khác tồn tại cho đến khi tai nạn xảy ra, nhưng đều không thể giảm được rung lắc.

sap-cau-3.jpg
Vào ngày 7/11/1940, nước Mỹ bàng hoàng khi cây cầu Tacoma Narrows bị sập do gió lớn, chỉ sau 4 tháng đi vào hoạt động

Sáng hôm đó, khi sức gió lên tới 64km/h, cây cầu treo bắt đầu chuyển động xoắn ngang, nghiêng tới 8,5m ở góc 45 độ, theo Cơ quan Giao thông bang Washington. Khoảng 11h trưa, đoạn lối vào dài 305m ở hai đầu cầu bắt đầu vỡ ra và rơi xuống.

Chỉ vài phút sau, một đoạn cầu dài 183m bất ngờ gãy và rơi xuống vịnh Puget. Cây cầu rung lắc dữ dội như đang trải qua một trận động đất.

Mặc dù các trụ cầu được làm bằng thép carbon vô cùng vững chắc, Tacoma Narrows vẫn bị khuất phục trước sức mạnh kinh hoàng của thiên nhiên. Cuối cùng, toàn bộ cây cầu sụp đổ xuống vịnh Puget.

sap-cau-4.jpg
Có thời điểm vỉa hè ở một đầu cầu bị nâng lên cao hơn 8,5m so với vỉa hè phía bên kia

Leonard Coatsworth, Biên tập viên của tờ Tacoma News Tribune, là người cuối cùng lái xe qua cầu. Ông chia sẻ:

"Xung quanh tôi vang lên những tiếng nứt vỡ của bê tông. Tôi quay lại xe để cứu con chó nhưng không kịp. Chiếc xe bắt đầu trượt từ bên này sang bên kia đường. Tôi buộc phải quyết định bỏ xe và chạy về đầu cầu, đó là hy vọng duy nhất."

Leonard cũng kể lại rằng ông phải rất vất vả mới có thể thoát thân, trong khi cây cầu liên tục rung lắc và các phương tiện bị hất từ bên này sang bên kia. Ông bị bầm tím khắp người, nhưng may mắn giữ được tính mạng, khác với chú chó bị mắc kẹt trong xe.

Sau này, Leonard được bồi thường 450 USD cho chiếc xe và 364,40 USD cho đồ đạc trong xe, bao gồm cả chú chó nhỏ.

sap-cau-5.jpg
Khi xây dựng cây cầu mới, các kỹ sư đã áp dụng các bài học kinh nghiệm trong vụ sập cầu Tacoma Narrows

Một cây cầu thay thế cho Tacoma Narrows đã được khánh thành vào ngày 14/10/1950, sau hơn hai năm xây dựng. Đây là cây cầu treo dài thứ năm ở Mỹ, dài hơn 12m so với cây cầu trước đó. Việc xây dựng cây cầu mới cũng đã tính đến các bài học kinh nghiệm trong vụ sập cầu Tacoma Narrows và tất cả các cây cầu treo xây dựng sau đó cũng đều sử dụng kinh nghiệm này.

Ngày nay, những mảnh vụn của Tacoma Narrows vẫn nằm dưới đáy vịnh Puget, nơi chúng tạo thành một trong những rặng san hô nhân tạo lớn nhất thế giới. Địa điểm này đã được đưa vào Danh sách Địa điểm Lịch sử cấp Quốc gia (National Register of Historic Places) để bảo vệ nó khỏi những kẻ muốn trục vớt.

>> Thảm kịch sập cầu kinh hoàng tại siêu cường số 1 thế giới: Công trình huyết mạch bị tàu chở hàng gần 20 tấn đâm sập trong tích tắc, hàng loạt phương tiện bị rơi xuống sông

Tìm thấy 1 thi thể nghi là nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu

Hình ảnh đầu tiên tại các vị trí lực lượng tìm kiếm nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Cây cầu gãy sập xuống vịnh biển do sức gió quật khủng khiếp, nhiều phương tiện bị hất tung: Thảm họa sập cầu chấn động
POWERED BY ONECMS & INTECH