Cây cầu Việt Nam nằm trong top cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới, chi phí hơn 7.000 tỷ, chịu được động đất cấp 8
Đây là cây cầu dây văng nhiều nhịp đầu tiên ở Việt Nam và thứ 8 trên thế giới.
Tháng 9/2018, cầu Bạch Đằng nối TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã chính thức được khánh thành, giúp cho việc kết nối cao tốc liên hoàn giữa Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn được rút ngắn, tạo động lực phát trển kinh tế không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà cho toàn bộ khu vực phía Bắc.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn được xây dựng trên tỉnh Quảng Ninh và TP.Hải Phòng, có chiều dài gần 5km, mặt cầu rộng 25m, thiết kế bốn làn xe, vận tốc tối đa 100 km/giờ. Riêng cầu Bạch Đằng dài gần 3km, kết cấu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, tĩnh không thông thuyền rộng 250m, cao 48,4m, chịu được động đất cấp 8.
Cầu có ba trụ tháp, trụ tháp giữa cao 99,74m, trụ tháp hai bên cao 94,5m với bốn nhịp cầu dây văng. Dây văng cầu làm bằng thép đặc biệt được nhập khẩu từ Italy. Công trình được thiết kế đảm bảo thông thủy cho tàu trọng tải lớn và không ảnh hưởng đến Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cách đó khoảng 6km.
Đây cũng là cây cầu dây văng nhiều nhịp đầu tiên ở Việt Nam và thứ 8 trên thế giới, đứng thứ 3 trong số 7 cây cầu dây văng có nhiều nhịp nhất thế giới với tổng số vốn xây cầu lên tới 7.662 tỷ đồng. Cầu Bạch Đằng cũng là cầu dây văng có tính chất phức tạp nhất với 4 nhịp dây văng liên tục, nhưng lại hạn chế chiều cao tháp, nên góc nghiêng dây văng rất nhỏ, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp hơn những cầu dây văng khác.
Chỉ riêng việc lập phương án, kiểm soát, đảm bảo an toàn hàng hải trong suốt quá trình thi công cũng rất khó khăn, vất vả. Khu vực thi công nằm ở ngã ba sông Cấm và sông Bạch Đằng, chịu tác động nhiều của thủy triều.
Đặc biệt, so với các công trình có quy mô tương tự, tiến độ thi công cầu Bạch Đằng trong 38 tháng là một kỷ lục. Điều đáng nói hơn, toàn bộ quá trình từ khảo sát thiết kế đến thi công xây dựng đều do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm. Điều đó đã khẳng định sự chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của người Việt Nam.
Từ khi đưa vào khai thác, cầu đã đóng vai trò quan trọng trong hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); liên kết chuỗi đô thị phát triển năng động Hạ Long - Quảng Yên - Hải Phòng - Hải Dương - Hà Nội; hoàn thiện tuyến cao tốc theo trục ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ; rút ngắn quãng đường từ TP. Hạ Long đi Hà Nội là 180km hiện nay xuống còn 130km, thời gian đi ô tô giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng. Chiều dài quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng giảm được 2/3 (từ 75km xuống còn 25km).
>> Huyện đảo hơn 2.000 km2 duy nhất Việt Nam có cả sân bay, cao tốc và cảng biển
Cây cầu trên tuyến quốc lộ dài nhất Việt Nam tiến hành sửa chữa, cấm ô tô lưu thông trong 60 ngày
Cây cầu vượt biển từng giữ ‘ngôi vương’ của Việt Nam chuẩn bị thử tải sau thời gian sửa chữa