Không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, cây cầu này còn là tuyến giao thông huyết mạch kết nối các huyện của tỉnh Nam Định.
Trên quốc lộ 21A, đoạn qua thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh (Nam Định) có cây cầu mang tên “Vô Tình” khiến không ít người qua lại cảm thấy tò mò. Tuy nhiên, đằng sau tên cây cầu thú vị này là một địa danh gắn với nhiều chiến tích hiển hách của quân dân ta qua các thời kỳ kháng chiến, chống quân xâm lược.
Giai thoại về tên gọi đặc biệt và những dấu lịch sử
Theo các tài liệu lịch sử của thị trấn Cổ Lễ và Lịch sử đảng bộ huyện Trực Ninh ghi chép lại, cầu Vô Tình là một địa danh gắn liền với chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần (1285). Khi chiến sự diễn ra quyết liệt, vua tôi nhà Trần đã tạm rời kinh thành Thăng Long về Thiên Trường (Nam Định) tìm kế chống giặc. Vua Trần chú trọng xây dựng phòng tuyến phía Nam để phòng giặc Nguyên Mông từ phía biển đánh lên.
Đầu xuân 1285, một toán kỵ binh Nguyên Mông từ Bố Hải Khẩu tràn sang, kết hợp với toán bộ binh từ cửa sông Hồng đổ lên, chúng định đánh vào phía Nam phủ Thiên Trường. Bên ta nhiều đạo binh các nơi về phối hợp với dân binh tại chỗ, đánh giặc bảo vệ cung điện nhà Trần. Chiếc cầu bắc qua sông Kim nằm trên tuyến đường quan trọng của vùng này bị ta phá, làm cầu giả thay thế, rồi cho quân phục sẵn hai mố cầu.
Sau đó, ta cho một toán chiến đấu với giặc rồi giả thua rút đền gần cầu, giặc gần tới nơi, ta rút thật nhanh qua cầu rồi tháo cạm. Bị sập cầu, người, ngựa bên địch giẫm đạp lên nhau chết vô số. Quân mai phục của ta hò la xông lên. Quân địch bị động nên không kịp trở tay, đã bị thất bại hoàn toàn.
Từ ấy, cây cầu qua sông Kim được mang tên cầu Vô Tình. Vậy nên đời sau, vào mùa xuân, có người qua cầu Vô Tình đã làm bài thơ “Vô Tình hoài cổ” cảm kích trước chiến thắng góp phần nhỏ cùng đại quân nhà Trần đánh bại đội quân xâm lược hung hãn: “Đất rộng trời cao bốn mặt bằng/ Vô Tình trận ấy tiếng còn vang/ Quân Trần ca hát quân Nguyên khóc/ Mấy độ xuân ca giáo cắp ngang”.
Theo lịch sử ghi chép lại, trong kháng chiến chống Pháp, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra quanh khu vực cầu Vô Tình. Cụ thể, ngày 25/1/1952, Tiểu đoàn Thanh Lãng phối hợp với du kích đã phục kích ở cầu Vô Tình, đón đánh đoàn xe chở địch. Vào khoảng 4 giờ sáng, một xe bọc thép dẫn đầu 17 xe vận tải từ Cổ Lễ đi xuống.
Xe đi đầu đến cách cầu Vô Tình khoảng 100m thì mũi tiến công của quân ta nổ súng ở cầu Đông Thượng (thôn Thượng). Chiếc xe đầu vừa dừng lại, mũi chặn đầu của quân ta ở trại Vô Tình bắn ra, đội hình xe địch ùn lại. Quân ta phục ở hai bên đường xông lên, quân địch chống đỡ không nổi bỏ chạy tán loạn qua phía tây đường 21, vào Đông Trung (thôn Trung) lẩn trốn.
Nhân dân và du kích bắt gọn chúng trói lại, mỗi địa điểm hàng chục tên giải đi. Kết quả trận phục kích ở cầu Vô Tình, ta tiêu diệt một tiểu đoàn địch, bắt sống 40 lính Âu Phi (trong đó có tên quan hai Béc-Công), 90 ngụy binh, đốt cháy 18 xe vận tải các loại.
Đêm 27/11/1952, Tiểu đoàn Đống Đa thuộc Đại đoàn Đồng Bằng tấn công đồn địch ở gần cầu Vô Tình. Chỉ chưa đầy 15 phút, ta đã hoàn toàn chiếm lĩnh trận địa, toàn bộ quân địch trong đồn đã phải đầu hàng. Trước việc kết thúc quá nhanh của trận đánh, ban chỉ huy Tiểu đoàn Đống Đa đã nảy ra ý định táo bạo lừa địch. Theo kế hoạch, tin đồn bốt Vô Tình vẫn đứng vững lan đi. Trong đồn, các chiến sĩ đã khoác những bộ quần áo, đội mũ ngụy binh, chuẩn bị đánh quân tiếp viện.
Từ phía Nam Định, một chiếc máy bay “bà già” bay xuống lượn quanh đồn Vô Tình, chỉ điểm pháo địch từ Lạc Quần, Cổ Lễ bắn vào các làng mạc xung quanh. Tiếp đó, 4 máy bay Hen-cát lao đến, nối đuôi nhau bay một vòng trên trời. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đống Đa dùng tên lính vô tuyến điện của địch bị bắt, liên lạc qua điện đài xin tiếp viện.
Gần 4 giờ chiều, trên trời xuất hiện một đoàn máy bay địch bay về đồn Vô Tình, thả xuống 70 tiếp tế dù đủ cả súng đạn, điện đài, thuốc men, lương thực… Khi quân trong đồn thu nhận những đồ tiếp tế của địch, một đại đội Com-măng-đô nghênh ngang đi lọt vào trận địa ta, không kịp trở tay, đành nộp súng và bị bắt gọn.
Cầu Vô Tình trong thời đại mới
Hơn 70 năm trôi qua, cầu Vô Tình đã được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần; trở thành chứng nhân lịch sử, chứng kiến biết bao tấm gương anh dũng hy sinh trong lúc bảo vệ, sửa chữa cầu, phà, chiến đấu, đánh trả máy bay địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng non sông, thống nhất đất nước.
Để tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân, bên cạnh cầu Vô Tình hiện đang có tấm bia “Chiến thắng cầu Vô Tình” ghi chép lại thông tin lịch sử về trận chiến đấu diễn ra ngày 15 và 16/12/1952 của Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 cùng với quân và dân huyện Trực Ninh trong trận đánh chiếm Đồn Vô Tình, tiêu diệt toàn bộ quân địch trong căn cứ...
Không chỉ vậy, đền thôn Hạ thuộc xã Trung Đông (huyện Trực Ninh) ngày nay vẫn còn đôi câu đối ca ngợi tài chọn nơi đồn binh, tạo nên chiến thắng Vô Tình, tạm dịch nghĩa như sau: “Có ý đóng đồn binh rõ ràng trí thánh/ Vô Tình đánh thắng giặc rực rỡ oai thần”. Và sau này, người đời còn có thơ về địa danh này: “Vô Tình hai chữ Vô Tình/ Vô Tình với giặc, hữu tình với ta”.
Hiện cầu Vô Tình nằm trên con đường huyết mạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông từ thành phố Nam Định xuôi về các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường và ngược lại. Mỗi ngày cầu Vô Tình "cõng" hàng nghìn lượt xe qua lại.
Khám phá nơi được mệnh danh là ‘thành phố của những cây cầu’ tại Việt Nam
Cây cầu 2.700 tỷ có nhịp dẫn xoắn lớn nhất thế giới, chịu được tải trọng lên đến 55.000 tấn