Doanh nghiệp

Chân dung ông Vương Quang Khải, cánh tay phải của sếp VNG, từng 3 lần khiến FPT 'muối mặt'

Quang Dương 06/09/2024 15:22

Ông Vương Quang Khải là một trong những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất của làng công nghệ Việt.

Nhắc đến VNG và cổ phiếu VNZ, nhà đầu tư sẽ không thể quên được những cảm xúc mà cổ phiếu doanh nghiệp công nghệ này mang lại. Một trong những nguyên nhân – VNG chính là chủ sở hữu ứng dụng Zalo mà hiện tại hàng triệu người đang sử dụng. Chính sức hút từ Zalo và những game doanh nghiệp đang phát triển khiến VNG được chú ý ngay từ khi chưa lên sàn. Ở mảng game, VNG được biết đến là đơn vị đầu tiên đưa game nhập vai về Việt Nam.

VNG tiền thân là công ty VinaGame - được thành lập từ năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 15 tỷ đồng. Những cổ đông sáng lập ban đầu là những thanh niên trẻ, nhiệt huyết, tiên phong mở đường cho kỷ nguyên game nhập vai tại Việt Nam. Ông Lê Hồng Minh là Founder & CEO của VNG; ông Vương Quang Khải là Co-founder.

Khi nhắc đến VNG, bên cạnh ông Lê Hồng Minh, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của ông Vương Quang Khải – người đã góp công lớn trong việc mở ra thị trường nội dung số tại Việt Nam với nhiều dự án tiên phong.

Chân dung ông Vương Quang Khải, cánh tay phải của sếp VNG, từng 3 lần khiến FPT 'muối mặt'
Ban Tổng Giám đốc của VNG

>> Kỳ lân VNG (VNZ): Vụ bị kiện về bản quyền tại Mỹ kéo dài chục năm có 'biến' mới

Theo câu chuyện ông Khải từng chia sẻ trên truyền thông, khi còn là sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, ông đã ba lần đánh sập mạng Trí Tuệ Việt Nam của FPT. Sau hai lần bị cảnh cáo và cắt tài khoản, lần thứ ba ông lại được mời về làm việc bởi chính người sáng lập mạng này – ông Trương Đình Anh, một trong những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam và là cựu CEO của FPT.

Ông Khải sau đó được giao nhiệm vụ phát triển sản phẩm mạng Trí Tuệ Việt Nam, và cũng trở thành lớp trưởng khóa đầu tiên của Trung tâm Tài năng trẻ FPT. Ông nằm trong nhóm 13 nhân tài phần mềm của FPT, những người được chọn để khởi đầu cuộc hành trình đưa phần mềm Việt Nam ra thế giới.

Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, ông Khải đã chọn rời FPT để tìm kiếm học bổng du học tại Mỹ. Năm 2005, nhờ học bổng của Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF, ông đã theo học tại Đại học Columbia.

>> Kỳ lân công nghệ VNG (VNZ) đang kinh doanh ra sao?

Năm 2007, sau khi hoàn thành chương trình học, ông trở về Việt Nam. Lúc đó, 3 công ty nổi bật trong lĩnh vực Internet là FPT, VTC và VNG, trong đó VNG vẫn là công ty nhỏ nhất. Tuy nhiên, ông Khải đã chọn đầu quân cho VNG thay vì FPT hay VTC. Lý do là ông không cảm thấy phù hợp với cách tiếp cận của FPT, nơi đòi hỏi lợi nhuận nhanh chóng sau hai năm đầu tư, còn VTC dù có tiềm lực nhưng ông không cảm thấy hứng thú.

Được biết, ông Khải chọn VNG vì ba lý do. Đầu tiên, hai người đứng đầu VNG là ông Lê Hồng Minh và ông Bryan đều chia sẻ khát vọng tạo ra những sản phẩm Internet thay đổi cuộc sống của người Việt. Thứ hai, họ sẵn sàng ủng hộ những cách làm khác biệt, rất quan trọng trong một ngành mới mẻ như Internet tại Việt Nam. Cuối cùng, VNG chấp nhận đầu tư dài hạn vào các sản phẩm lớn mà không đòi hỏi lợi nhuận ngay lập tức.

Chân dung ông Vương Quang Khải, cánh tay phải của sếp VNG, từng 3 lần khiến FPT 'muối mặt'
Ông Vương Quang Khải - đồng sáng lập, Phó Tổng Giám đốc Thường trực cấp cao VNG

>> Cổ phiếu VNZ của 'kỳ lân công nghệ' VNG giảm sốc hơn 10%

Tại VNG, ông Khải bắt đầu với nhiệm vụ phát triển Zing Chat, một sản phẩm được kỳ vọng sẽ cạnh tranh với Yahoo Messenger. Tuy nhiên, Zing Chat lại không thành công như mong đợi. Trái lại, Zing MP3 – sản phẩm ông Khải làm thêm trong khi chờ thủ tục mua bản quyền Zing Chat – lại tạo tiếng vang lớn.

Ra mắt vào tháng 7/2008, Zing MP3 nhanh chóng thổi làn gió mới vào thị trường nhạc trực tuyến Việt Nam, trở thành nền tảng phổ biến chỉ sau 6 tháng.

Thành công của Zing MP3 đã thúc đẩy ông Khải và đội ngũ tiếp tục phát triển các sản phẩm khác như Zing News, Zing Star, Zing Movie, và Zing Forum… Đặc biệt, tháng 9/2009, ông Khải và các thành viên đã tạo ra mạng xã hội Zing Me – một nền tảng từng vượt qua Facebook về số lượng người dùng tại Việt Nam, với 6,8 triệu người dùng vào tháng 3/2011, trong khi Facebook chỉ có 3,1 triệu.

Tuy nhiên, đến tháng 12/2012, sự bành trướng của Facebook khiến Zing Me bắt đầu suy yếu, và đến năm 2020, VNG đã chính thức đóng cửa mạng xã hội này.

Một bước ngoặt lớn khác của VNG là sự ra đời của Zalo, một ứng dụng OTT nhắn tin miễn phí. Tháng 8/2012, Zalo lần đầu tiên ra mắt bản thử nghiệm với người dùng Việt và 4 tháng sau ra bản chính thức.

Ban đầu, Zalo gặp không ít khó khăn trong việc cạnh tranh với các ứng dụng quốc tế như Line, KakaoTalk, WeChat… và thậm chí từng rơi vào khủng hoảng khi sử dụng sai nền tảng web cho di động.

Sau khi phát hiện ra sai lầm thiết kế sản phẩm, nhóm làm Zalo sửa lỗi bằng cách chỉ tập trung thiết kế một ứng dụng chỉ dùng cho các thiết bị di động. Nhờ đó, Zalo đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục và chỉ sau hai năm ra mắt, Zalo đã đạt con số 7 triệu người dùng, xếp thứ 2 thị trường ứng dụng nhắn tin ở thời điểm đó.

Đến hiện tại, sau hơn một thập kỷ ra mắt, Zalo đã trở thành ứng dụng nhắn tin hàng đầu tại Việt Nam, với 73,4 triệu tài khoản và 2 tỷ tin nhắn mỗi ngày – một minh chứng cho tầm nhìn và sự nhạy bén của ông Khải và đội ngũ VNG.

>> Cổ phiếu VNZ của 'kỳ lân công nghệ' VNG giảm sốc hơn 10%

Kỳ lân công nghệ VNG (VNZ) đang kinh doanh ra sao?

'Kỳ lân công nghệ' VNG (VNZ) bị phạt nặng do 'ém' thông tin thế chấp khoản vay

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chan-dung-ong-vuong-quang-khai-canh-tay-phai-cua-sep-vng-tung-3-lan-khien-fpt-muoi-mat-247908.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Chân dung ông Vương Quang Khải, cánh tay phải của sếp VNG, từng 3 lần khiến FPT 'muối mặt'
POWERED BY ONECMS & INTECH