Chân dung quỹ đầu tư vừa rót ít nhất 200 triệu USD vào Masan
Bain Capital là một trong những quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với khối tài sản quản lý trị giá xấp xỉ 180 tỷ USD.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) hôm nay công bố Bain Capital đã đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 VNĐ.
Giao dịch này đánh dấu dự án đầu tư đầu tiên của Bain Capital vào Việt Nam. Được biết, Bain Capital là một trong những quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với khối tài sản quản lý trị giá xấp xỉ 180 tỷ USD.
Kể từ khi thành lập vào năm 1984, có trụ sở tại Boston (Mỹ). Đặc biệt, một trong những nhà đồng sáng lập của Bain chính là ông Mitt Romey, Thượng nghị sĩ bang Utah từng là ứng viên chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử năm 2012.
Hiện tập đoàn có 24 văn phòng trên toàn thế giới với hơn 1.000 nhân viên, hiện diện tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ, châu Âu và cả châu Á.
Bain Capital đã mở rộng đầu tư sang nhiều lĩnh vực bao gồm vốn cổ phần tư nhân, tín dụng, các thương vụ đặc biệt, vốn cổ phần đại chúng, vốn mạo hiểm và bất động sản.
Tuy nhiên, khi mới ra đời, Bain tập trung tìm kiếm các cơ hội đầu tư vốn mạo hiểm. Một trong những thương vụ sớm nhất và đáng chú ý nhất là đầu tư vào Staples, nhà bán lẻ chuyên cung cấp văn phòng phẩm. Năm 1986, Bain rót 4,5 triệu USD cho Leo Kahn và Thomas G. Stemberg để họ mở 1 siêu thị ở Brighton, Massachusetts. Chuỗi bán lẻ này nhanh chóng lớn mạnh và niêm yết cổ phiếu vào năm 1989. Đến năm 1996, Staples đã có hơn 1.100 cửa hàng. Trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 1/2012, công ty đạt doanh thu 20 tỷ USD. Bain Capital đã lãi gần gấp 7 lần so với số tiền bỏ ra.
Một khoản đầu tư thành công khác diễn ra vào năm 1986, khi số tiền 1 triệu USD mà Bain rót vào nhà sản xuất thiết bị y tế Calumet Coach cuối cùng đã biến thành 34 triệu USD. Vài năm sau, Bain Capital cũng có khoản đầu tư tăng trưởng 16 lần vào Gartner Group.
Với quỹ đầu tiên trị giá 37 triệu USD, Bain đã rót vốn vào 20 công ty và đến năm 1989 thu về mức lợi suất hàng năm vượt 50%.
1989 cũng là năm mà Bain điều chỉnh chiến lược, thay vì tập trung vào các công ty khởi nghiệp chuyển sang các thương vụ mua lại có sử dụng đòn bẩy (leveraged buyouts) và đầu tư vào những công ty có bề dày hơn. Đến cuối năm 1990, Bain đã huy động được 175 triệu USD vài tài trợ cho 35 công ty với tổng doanh thu đạt 3,5 tỷ USD.
Có thể kể đến một số thương hiệu lớn trong danh mục đầu tư của Bain như Clear Channel Communications, Canada Goose, Virgin Holidays Cruises, Sports Authority, Guitar Center, Gymboree, Houghton Mifflin, Domino’s Pizza, Burger King, The Weather Channel và Brookstone.
Nhìn chung, Bain Capital ưa thích đầu tư vào thương hiệu bán lẻ, kinh doanh nhà hàng và các thương hiệu tiêu dùng khác.