Chân dung Thống đốc NHTW Nga Elvira Nabiullina, người chèo lái nền kinh tế Nga qua 2 lần khủng hoảng

20-03-2024 22:13|Trâm Anh

Chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina đã có hai lần chèo lái nền kinh tế bị đe dọa của Nga.

Được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) năm 2013, bà Elvira Nabiullina đã góp sức giữ cho nền kinh tế Nga trụ được trước nhiều thách thức, đặc biệt là từ khi nước này đối mặt với cấm vận phương Tây và giá dầu sụt giảm.

Bà Elvira Nabiullina xuất thân từ một gia đình thường dân. Mẹ bà làm việc trong nhà máy còn cha bà là một tài xế. Bà tốt nghiệp Đại học Moscow và vào năm 2013 trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một ngân hàng trung ương trong khối G8. Trước đó, bà Nabiullina từng là cố vấn của Tổng thống Putin và Bộ trưởng Kinh tế.

Theo tạp chí The Economist, trong nhiều năm, người phụ nữ sinh năm 1963 này là trung tâm một sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Nga.

>> Doanh nhân Thái Hương: 'Sống không ước mơ là sống vô cảm'

Chính sách cứng rắn

Năm 2014, đồng ruble Nga lao dốc và lạm phát tăng vọt khi Elvira Nabiullina (58 tuổi) chỉ mới tại nhiệm gần một năm. Kinh tế Nga bị rung chuyển bởi 2 cú sốc kinh tế: giá dầu sụt giảm (do sản lượng của Mỹ tăng vọt và Ả Rập Saudi từ chối cắt giảm sản lượng) làm suy giảm doanh thu dầu mỏ, và các làn sóng trừng phạt kinh tế sau khi Nga sáp nhập Crimea.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - bà Elvira Nabiullina
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga - bà Elvira Nabiullina

Bà Nabiullina đã từ bỏ các chính sách truyền thống, như dành lượng lớn dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá hối đoái, chuyển trọng tâm của CBR sang quản lý lạm phát. Bà đã tăng lãi suất lên 17% và giữ ở mức tương đối cao trong nhiều năm. Nhưng đến giữa năm 2017 bà đã xoay sở kéo tỷ lệ lạm phát giảm xuống dưới 4%, mức thấp nhất trong thời kỳ hậu Xô viết.

Dưới sự chỉ đạo của bà Nabiullina, CBR tiếp tục nỗ lực hiện đại hóa. Chính điều này đã cải thiện khả năng giao tiếp, cung cấp hướng dẫn về chính sách, gặp gỡ các nhà phân tích và gửi các cuộc phỏng vấn với các phóng viên. CBR được coi là đầu não kinh tế chủ chốt của đất nước, thu hút các nhà kinh tế có uy tín từ khu vực tư nhân. Tại hội nghị thường niên ở St.Petersburg, CBR đã thu hút các nhà kinh tế từ khắp nơi trên thế giới.

Thanh lọc ngân hàng

Bên cạnh thành tích về chính sách tiền tệ, bà Nabiullina còn nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã theo đuổi công cuộc thanh lọc toàn diện ngành ngân hàng. Trong năm đầu tiên làm việc tại CBR, bà đã thu hồi khoảng 400 giấy phép ngân hàng, đóng cửa 1/3 ngân hàng của Nga, loại bỏ các tổ chức yếu kém có những “giao dịch đáng ngờ”.

Đây được coi là cuộc thập tự chinh dũng cảm. Vì trước đó, vào năm 2006 một quan chức CBR đã bị ám sát sau khi khởi xướng chiến dịch mạnh mẽ đóng cửa các ngân hàng bị nghi ngờ rửa tiền. Sergei Guriev, một nhà kinh tế người Nga, hiện là giáo sư tại Sciences Po ở Paris, cho biết: “Chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng là công việc của những người rất can đảm”.

Nền kinh tế chiến tranh

Để bảo vệ các công ty trong nước và ngân hàng, đầu năm 2022, nữ lãnh đạo này siết chặt hoạt động sử dụng USD cũng như khả năng tiếp cận USD của đất nước. Bà cũng chuyển tỷ trọng kho dự trữ trị giá hơn 600 tỷ USD của ngân hàng sang vàng, EUR và CNY.

Dưới nhiệm kỳ của Nabiullina, tỷ trọng USD trong kho dự trữ đã giảm từ 40% xuống 11%. Bên cạnh đó, bất chấp động thái đóng băng nguồn dự trữ ở nước ngoài của ngân hàng, Nga vẫn có đủ dự trữ vàng và CNY.

>> Nga tăng lãi suất cơ bản lần thứ 4 liên tiếp

Song song, Nga cũng đưa ra các giải pháp thay thế hệ thống nhắn tin liên ngân hàng SWIFT, đồng thời thay đổi cơ sở hạ tầng thanh toán thẻ tín dụng trong nước sau khi những tổ chức cung cấp dịch vụ như Visa và Mastercard rời thị trường.

Tuy vậy, các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây buộc bà phải từ bỏ các chính sách kiềm chế lạm phát quen thuộc. Người đứng đầu ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất lên 20%, chặn dòng tiền chảy ra ngoài đất nước, đóng cửa giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch Moscow và nới lỏng các quy định cho vay đối với ngân hàng. Tuy vậy, đến ngày 29/4/2022, Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất xuống 14%.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hiện tại, nền kinh tế Nga đã thách thức mọi dự báo của các chuyên gia phương Tây khi không những không sụp đổ mà còn trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu vào cuối năm 2023. Nền kinh tế năm 2023 đã vượt mức năm 2021, với GDP tăng đáng kể. Theo số liệu chính thức, chỉ riêng trong tháng 10/2023, GDP của Nga đã đạt mức tăng trưởng 5%, sau mức tăng trưởng 5,6% trong tháng 9.

Đánh giá độc lập từ Bloomberg Economics phản ánh những số liệu này. Phân tích của họ cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế chung trong cả năm của Nga là 3-3,5%, cao hơn dự báo chính thức 2,2% cho năm 2023.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2023 được thúc đẩy nhờ chi tiêu nhà nước kỷ lục 32 nghìn tỷ rúp (346 tỷ USD), phần lớn trong số đó dành cho quốc phòng. Sản lượng công nghiệp tăng 3,6%; sản xuất tăng trưởng ở mức 7,5% và sản xuất liên quan đến quân sự tăng trưởng ở mức hai con số. Năm 2024, chi tiêu dự báo sẽ tiếp tục tăng, dự kiến là 36,5 nghìn tỷ rúp (395 tỷ USD), hơn một phần ba trong số đó sẽ dành cho lĩnh vực quốc phòng và các khoản thanh toán thời chiến khác nhau.

>> Nga lần đầu tăng lãi suất sau hơn 1 năm qua

Reuters: Ngân hàng trung ương Nhật Bản có thể sắp dừng áp dụng lãi suất âm

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương New Zealand đánh giá cao Việt Nam giảm lãi suất và ưu tiên tăng trưởng sớm hơn nhiều nước

Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao kỷ lục

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chan-dung-ngan-hang-trung-uong-nga-elvira-nabiullina-nguoi-cheo-lai-nen-kinh-te-nga-qua-2-lan-khung-hoang-227116.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chân dung Thống đốc NHTW Nga Elvira Nabiullina, người chèo lái nền kinh tế Nga qua 2 lần khủng hoảng
POWERED BY ONECMS & INTECH